“Cô lập thầm lặng”, xu hướng đáng sợ chốn công sở: Cái liếc mắt của các chị đại cũng khiến người hướng nội "nghẹt thở"
Họ chỉ nhận tôi vào nhóm khi bị chỉ định hoặc không còn lựa chọn nào khác. Đến khi làm việc chung, họ ở một phe và mình tôi một bến thuyền. Dù họ có kinh nghiệm hơn cũng không chia sẻ với tôi, chỉ đưa ra các đầu công việc mà tôi phải hoàn thành. Nếu làm không tốt thì sẽ bị mắng ngay lập tức...
Lê Thanh Huyền (23 tuổi) hiện đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Vốn là người có tính cách độc lập và khá hướng nội, Huyền cho rằng đi làm công sở sẽ hợp với mình nhưng sự thực không hề màu hồng như cô nghĩ.
"Ở công ty, em luôn cảm thấy mình đứng ngoài mọi cuộc "tám chuyện" của mọi người. Đôi khi, em cứ ngỡ mình là "người vô hình" vì sự tồn tại của em không ảnh hưởng gì đến cục diện chung.
Mỗi sáng đến văn phòng, em vào chỗ của mình, cắm đầu cắm cổ giải quyết công việc. Không ai rủ em cùng đi ăn trưa, cũng không ai hỏi han nếu như hôm đó em nghỉ phép", Huyền tâm sự.
Huyền cho biết thêm, thỉnh thoảng cô có cảm giác bị mọi người nói sau lưng bởi vô tình chạm vào ánh mặt của một số "chị đại" trong công ty. Có thể là không phải nói xấu nhưng chắc cũng đang chỉ trích cô không hòa đồng. Có đôi lần, cô cố gắng bắt chuyện với mọi người nhưng cô chỉ nói được vài câu rồi lại thôi vì chẳng kiếm được chủ đề gì ngoài công việc để nói.
Vấn đề “tám chuyện” chỉ là chuyện nhỏ, điều quan trọng hơn đó là những nhân viên lâu năm còn không thích Huyền mỗi khi làm việc nhóm.
“Họ chỉ nhận tôi vào nhóm khi bị chỉ định hoặc không còn lựa chọn nào khác. Đến khi làm việc chung, họ ở một phe và mình tôi một bến thuyền. Dù họ có kinh nghiệm hơn cũng không chia sẻ với tôi, chỉ đưa ra các đầu công việc mà tôi phải hoàn thành. Nếu làm không tốt thì sẽ bị mắng ngay lập tức”, Huyền chia sẻ trong buồn bã.
Nếu như vài tháng trước, "nghỉ việc thầm lặng" (quiet quitting) đã trở thành một trào lưu phổ biến gây bão mạng xã hội. Thuật ngữ này nghĩa là nhân viên chỉ làm việc ở mức cơ bản và không làm thêm giờ. Họ đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của công việc.
Giờ đây, xu hướng mới ở chốn công sở lại xuất hiện, gọi là "cô lập thầm lặng" (quiet constraint) và cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, cô lập thầm lặng là một xu hướng đang nổi lên, khi mà nhiều nhân viên giàu kinh nghiệm không chịu chia sẻ với đồng nghiệp.
Falguni Bhuta, phát ngôn viên của Kahoot!, một công ty giáo dục ở San Francisco đánh giá, 58% nhân viên thừa nhận rằng họ nắm rõ những kiến thức và thông tin có thể mang lại lợi ích cho đồng nghiệp nhưng không muốn chia sẻ những thông tin đó. Báo cáo Văn hóa Nơi làm việc của Kahoot! cho biết, GenZ thuộc top đầu không chia sẻ thông tin - tỷ lệ 77%.
"Nhiều hệ sinh thái doanh nghiệp đang trở nên phức tạp hơn do công nghệ ngày càng phát triển, vì vậy các vị trí công việc cũng chuyên biệt hơn. Cùng với sự gia tăng của sự phân tán lực lượng lao động và mô hình làm việc kết hợp cũng như từ xa trong thời gian dài, các nhóm nhân viên sẽ thiếu đi sự kết nối với nhau", Bhuta phân tích.
Cũng theo Bhutan, khi các thành viên trong cùng một nhóm không làm việc với nhau và chia sẻ thông tin, kiến thức, các công ty sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đối với hiệu quả và năng suất. Điều này không chỉ dẫn đến sự phối hợp kém, thiếu nhất quán mà còn hạn chế tiềm năng sáng tạo và đề xuất ý tưởng mới cũng như khả năng giải quyết vấn đề phát sinh mà chỉ có thể phát sinh từ sự hợp tác hiệu quả.
Không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công việc, hành vi "cô lập thầm lặng" còn làm tổn hại đến danh tiếng công ty, thậm chí có thể được coi là "vô đạo đức" và "độc hại".
John Coleman, một chuyên gia về văn hóa nơi làm việc ở Atlanta và là tác giả của cuốn sách "Trình bày thuyết phục" chia sẻ trên Fox Business: "Nhân viên sẽ rất dễ bị cuốn vào hành vi "cô lập thầm lặng" nếu họ đã làm việc thường xuyên trong môi trường cổ súy những hành vi như thế".
Những điều này có thể dẫn đến một môi trường cạnh tranh giữa các nhân viên với nhau và mọi người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt thay vì sứ mệnh mà công ty đề ra.
Coleman cho biết: "Các công ty nên khen thưởng những người biết chia sẻ thông tin cho mục đích chung và văn hóa tích cực, đồng thời có những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi "cô lập thầm lặng".
Các chuyên gia cho rằng nếu một nhân viên nắm giữ thông tin giúp ích cho đồng nghiệp của họ nhưng lại chọn không chia sẻ thông tin đó thì năng suất của toàn công ty có thể bị ảnh hưởng.
Làm gì để hòa đồng hơn với đồng nghiệp
Mỗi chúng ta đều khao khát được quan tâm và yêu thương. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng chiếm được thiện cảm từ người khác. Nhất là trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Nếu bạn đang rơi vào tâm trạng tồi tệ vì lo lắng bị cô lập chốn công sở thì hãy đọc vài lời khuyên dưới đây:
Đừng cố khoe mình giỏi nhất
Dù bạn là người có năng lực cũng không nên phô trương quá mức. Hành động này chỉ khiến mọi người xung quanh cảm thấy ghen ghét và tách bạn ra khỏi cộng đồng chung.
Hãy là người thể hiện khéo léo bởi ranh giới giữa tự tin và kêu ngạo rất mong manh, nên cần phải cẩn trọng trong giao tiếp. Ngoài ra, đừng cố tranh hết việc tốt cho mình, hãy chủ động chia sẻ, tạo cơ hội cho đồng nghiệp tỏa sáng. Có như vậy, bạn mới được mọi người tin yêu.
Không xen vào chuyện người khác
Biết cách bắt chuyện với đồng nghiệp là một điều tốt nhưng cần biết chừng mực. Bất cứ ai cũng có những câu chuyện thầm kín muốn giữ cho riêng mình. Đừng cố tò mò chuyện của người khác để vướng phải "thị phi" không đáng có. Căn bệnh "tọc mạch" rất khó nhìn thấy, đôi khi chỉ là vô tình. Chúng ta khó chịu khi bị người khác soi mói, nhưng dễ dàng bỏ qua khi chính mình mắc lỗi tương tự. Tất cả những sự "tìm hiểu quá mức" lâu dần sẽ trở thành thói quen khiến bạn không thể nhận ra.
Nếu vào một ngày đẹp trời, cô bạn đồng nghiệp muốn tâm sự với mình, hãy im lặng lắng nghe và đưa ra lời khuyên khi cần thiết. Tuyệt đối không được tìm hiểu quá sâu vấn đề, vô tình biến bạn thành kẻ tò mò, bóp méo đi sự quan tâm tốt đẹp vốn có ban đầu.
Suy nghĩ nghiêm túc vì sao bạn bị cô lập
Nếu ở công ty thứ nhất bạn bị cô lập thì có thể là lỗi của đồng nghiệp, nhưng nếu ở công ty thứ 2, thứ 3 mà bạn vẫn không hòa nhập được thì nguyên nhân xuất phát từ chính bạn.
Vốn dĩ chúng ta sinh ra không phải để làm vừa lòng ai cả, nhưng bất kì ai cũng luôn hy vọng người khác sẽ yêu mến mình. Từ đó luôn để ý đến suy nghĩ của những người xung quanh, lo lắng họ có đang nói xấu mình hay không, đồng nghiệp có đang cô lập mình...
Nếu bạn là người xấu tính thì giải pháp chỉ có thể là tự sửa chữa bản thân. Nếu bạn là nhân viên mới, hãy làm quen dần với văn hóa công ty và hòa nhập với đồng nghiệp. Còn nếu bạn là người hướng nội, hãy cứ là chính bạn và đừng quá quan tâm đến việc đồng nghiệp đang nghĩ gì về bạn. Vô hình chung, bạn sẽ có cảm giác "tôi đang bị cô lập".