Cơ hội cho Fintech nhìn từ những đồng tiền mặt bị cách ly

14/03/2020 08:51 AM | Kinh doanh

Tiền mặt vốn "nổi tiếng" là bám đầy vi khuẩn và virus. Và giờ đây cảnh báo này được nhắc đến nhiều hơn khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu. Sự lây lan liên tục của virus Corona đang buộc các nước suy nghĩ nghiêm túc về TIỀN MẶT – thứ mà hầu hết người dân trên toàn cầu đều chạm vào mỗi ngày.

Từ cách ly đến tiêu huỷ hàng loạt đồng tiền

Một số ngân hàng Trung ương ở châu Á đã có "động thái mạnh" với tiền mặt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Là nơi khởi nguồn cho dịch bệnh, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) đã tiêu huỷ một lượng lớn đồng NDT thu về từ các vùng dịch và bơm ra thị trường khoảng 600 tỷ NDT (tương ứng 85,6 tỷ USD) tiền mới. Nước này cũng tiến hành khử trùng bằng nhiệt độ cao và tia cực tím lên các tờ tiền. Chúng cũng được cách ly 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu thông, truyền thông Trung Quốc cho hay.

 Cơ hội cho Fintech nhìn từ những đồng tiền mặt bị cách ly  - Ảnh 1.

Hàn Quốc, nước châu Á thứ 2 bùng phát dịch Covid 19 cũng thông báo loại bỏ tất cả tiền giấy ra khỏi luồng lưu thông trên thị trường và bắt đầu tiêu huỷ một số để giảm sự lây lan của virus qua các vật trung gian.

Ở bên kia bán cầu, Mỹ cũng có động thái tương tự. Một phát ngôn viên không nêu tên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nói với Reuter rằng những đồng USD trở về từ châu Á sẽ bị cách li từ 7 – 10 ngày. Chính sách cách li tiền mặt đã được thực hiện từ ngày 21/2.

Tại Việt Nam, Công điện số 2 của Ngân hàng Nhà nước hôm 12/3 cho biết đã quyết định phun thuốc khử khuẩn tiền để chống dịch Covid-19. Cụ thể, một số loại tiền cũ khi các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước khi nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn và giữ 1 thời gian trước khi đưa lưu thông trở lại.

Những bề mặt của vật thể như tiền có thể mang nguy cơ lan truyền virus Corona, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Do vậy, trong mùa dịch, nhiều quốc gia đã tìm cách hạn chế sử dụng thanh toán bằng tiền giấy.

 Cơ hội cho Fintech nhìn từ những đồng tiền mặt bị cách ly  - Ảnh 2.

Một ngày sau khi Hà Nội phát hiện ca thứ 17 dương tính với Covid-19, sáng 7/3, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị đầy ắp khách mua hàng. Chuẩn bị rút ví để thanh toán 2 giỏ hàng, một người đàn ông trung niên được vợ khều nhẹ, nhắc sử dụng thẻ hoặc thanh toán qua app.

"Tầm này không muốn cầm vào tiền", người vợ nói. Đề phòng bệnh dịch, ngoài khẩu trang, chị này còn đeo thêm găng tay nilông.

Để tránh sử dụng tiền mặt, người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ, hoặc các tuỳ chọn thanh toán khác như Samsung Pay, VNPay, ZaloPay, ViettelPay hay Momo thông qua điện thoại/ đồng hồ thông minh. Các ứng dụng tạo ra sự không tiếp xúc hoàn toàn khi không yêu cầu chữ ký vào hoá đơn như một phần quy trình khi quẹt thẻ.

Cơ hội cho thị trường Fintech

"Lượng giao dịch của ví điện tử Momo sau tết Nguyên đán đã tăng rất mạnh với mức tăng trưởng 100% so với dự kiến. Sự gia tăng này có nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng tăng cường mua sắm và thanh toán trực tuyến để phòng tránh dịch Covid-19", ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Momo nói với Trí Thức Trẻ.

Theo ông, giá trị các giao dịch cũng trung bình tăng từ 50 – 100% do người tiêu dùng mua sắm một lúc nhiều thứ hơn so với thời gian trước đây.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một trong số những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Thủ tướng đã yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

 Cơ hội cho Fintech nhìn từ những đồng tiền mặt bị cách ly  - Ảnh 3.

NHNN cũng phải trình ngay Thủ tướng quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

Thực tế, ngay cả trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, thanh toán không dùng tiền mặt đã nhiều lần được tính đến ở Việt Nam.

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, và tiến tới 100% tại các siêu thị, trung tâm mua sắm... Bên cạnh đó, sẽ có 50% cá nhân, hộ gia đình tại các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm.

Tuy nhiên, thói quen mua sắm của người Việt vẫn là sử dụng tiền mặt. Với quốc gia phát triển như Mỹ, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán được sử dụng thường xuyên, chiếm 30% tổng số các giao dịch – theo FED.

Vì vậy, ngay cả khi tiền mặt được xem là vật thể trung gian, không an toàn trong dịch bệnh, thì thói quen tiêu dùng cũng không dễ thay đổi.

Thu ngân tại cửa hàng Home Farm trên đường Nguyễn Văn Lộc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết các giao dịch sau hôm Hà Nội xuất hiện bệnh nhân dương tính vẫn đa phần là tiền mặt.

"Ví dụ như hôm nay, tính đến 19h tối thì có 2 thanh toán qua VNPay, 3 thanh toán quẹt thẻ, còn lại toàn là tiền mặt", người này cho biết. "Họ vẫn thân thuộc với tiền giấy hơn".

Nói với Trí Thức Trẻ, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên Tài chính Đại học RMIT cho biết tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hiện chỉ đạt 21% theo khảo sát của IDG Việt Nam năm 2019.

 Cơ hội cho Fintech nhìn từ những đồng tiền mặt bị cách ly  - Ảnh 4.

Ông cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, rất khó để đánh giá sự hiệu quả của các biện pháp đã đề ra từ phía Chính phủ, ngân hàng về thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam nói chung hay không.

"Trong dịp giáp Tết 2020, chúng ta vẫn chứng kiến việc xếp hàng rút tiền mặt từ các máy ATM. Điều đó chứng tỏ văn hóa dùng tiền mặt vẫn ăn sâu. Điều này sẽ là một hạn chế rất lớn đến mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ", ông nói

Dù vậy, ông cho rằng vẫn có những tín hiệu đáng mừng như các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhiều lần trong dịp Tết (cộng hưởng với dịch Covid-19).

"Các giao dịch mua sắm thương mại điện tử ở các nơi như AeonMall hoặc CoopMart cũng tăng từ 3 - 10 lần so với trước đây. Dịch bệnh gây ra những nỗi sự hãi nhưng cũng tạo ra những cơ hội. Đây có thể được xem là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và tạo ra thói quen thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam", ông nói.

"Tâm lý của người tiêu dùng nói chung là họ ưa chuộng những thao tác quen thuộc khi giao dịch", TS. Nguyễn Thanh Bình, quyền chủ nhiệm chương trình Tài chính của RMIT chia sẻ thêm với Trí Thức Trẻ.

Vậy nên, ông cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 người tiêu dùng có điều kiện dần quen với những thao tác mới, điển hình như các ưu đãi chuyển tiền của các ngân hàng.

"Rất có thể là vài năm nữa, khi thống kê lại lịch sử phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy Covid-19 đã là một cú hích mạnh giúp tăng trưởng thị trường giao dịch không dùng tiền mặt, không những nhất thời mà là kể cả về lâu dài", ông Bình lưu ý.

Những phương tiện trực tuyến như thanh toán, giáo dục, dịch vụ công… trước nay đều được xem như là sự lựa chọn thứ hai, bổ sung cho giao dịch trực tuyến, chính vì vậy chưa thực sự được coi trọng, theo quan điểm của ông Nguyễn Bá Diệp.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang tạo ra ưu thế cho những loại hình này. Dù vậy, để từ một thay thế trong dịch bệnh trở thành xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới, cần rất nhiều trợ lực liên quan.

Sức bật cho thanh toán trực tuyến

Ông Phạm Nguyễn Anh Huy cho rằng các doanh nghiệp nên khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách đưa ra các hình thức khuyến mãi giảm giá nếu khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thiết lập các cơ sở hạ tầng mạng và an ninh mạng để hỗ trợ việc thanh toán và phòng tránh các rủi ro khi giao dịch.

Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng các trung gian thanh toán cần thực hiện Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của NHNN một cách triệt để. "Các trung gian thanh toán cũng cần kiểm tra sát sao các giao dịch thanh toán để phát hiện và ngăn chặn gian lận thanh toán.", ông nói.

Còn Nguyễn Thanh Bình nhận định các ví điện tử vẫn cần cải thiện hơn để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.

"Thị trường có rất nhiều loại ví điện tử khác nhau và người tiêu dùng chỉ sử dụng được những ví điện tử nhất định để mua những sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định. Trước khi sử dụng dịch vụ hoặc mua bán sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng khó có thể biết được là loại ví điện tử nào sẽ có thể dùng được để thanh toán. Điều đó làm cho người tiêu dùng luôn trong tư thế là phải cầm tiền mặt theo cho chắc", ông cho biết.

Ông Diệp thì nhận định Chính phủ cần có chính sách giúp những người thu nhập thấp, không có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng ví điện tử, đồng thời có những chính sách khuyến khích trực tiếp như giảm thuế khi thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân.

"Thêm vào đó, toàn bộ các dịch vụ công đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Việc phối hợp theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ tác động rất mạnh đến toàn bộ xã hội", đại diện Momo cho biết.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM