Cô gái Hà Nội tái hiện những chuyện tình văn học Việt Nam lên socola: Nghỉ việc ngân hàng, bỏ vốn 20 triệu đồng để bắt đầu "con đường mới"
Dịp lễ tình nhân năm nay, một thợ bánh ở Hà Nội đã khắc họa những câu chuyện tình kinh điển trong văn học Việt Nam lên những thanh socola, tạo thành món quà đặc sắc.
Những thanh socola "chuyện tình văn học"
Sát ngày lễ Valentine, Nguyễn Thị Thùy Dương, 27 tuổi, sống tại Hà Nội, say sưa "vẽ" và sáng tạo trên những thanh socola. Ngoài những chủ đề thông thường dịp lễ tình nhân, năm nay, cô gái trẻ chọn khắc hoạ những câu chuyện tình kinh điển trong các tác phẩm văn học Việt Nam.
Socola là biểu tượng của lễ tình nhân 14/2, Dương lại rất thích đọc các tác phẩm văn học Việt Nam, nên cô nảy ra ý tưởng thể hiện lên thanh socola những câu chuyện tình, tiêu biểu như Thị Nở - Chí Phèo, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, Mị Châu - Trọng Thuỷ.
Bạn đoán được bao nhiêu chuyện tình văn học trong bức ảnh này?
Để vẽ lên socola, Dương cho biết có 3 bước cơ bản, gồm tạo một thanh socola hoàn thiện bằng khuôn chữ nhật, sau đó dùng hỗn hợp màu vẽ trực tiếp trên bề mặt socola. Cuồi cùng, chờ màu khô, người thợ gỡ hoàn toàn thanh socola ra khỏi khuôn.
Theo Dương, việc vẽ trên socola yêu cầu phải có màu bột gốc dầu pha với bơ cacao (mua tại cửa hàng đồ làm bánh) và dùng cọ đầu nhỏ số 0 hoặc 000 để vẽ như trên giấy.
Ngoài ra, người thợ cần lưu ý về độ bóng của thanh kẹo, tuỳ chỉnh thông qua nhiệt độ. Dương chọn quay chảy socola bằng lò vi sóng đến khoảng 45-46 độ C, rồi ngay lập tức bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để hạ xuống 26-27 độ. Lúc sau, cô tiếp tục quay socola khoảng 15 giây để tăng lên 29-31 độ.
"Khó khăn nhất trong việc vẽ lên socola là thể hiện rõ nét nhân vật. Bên cạnh đó, người thợ cần sử dụng màu sắc phù hợp với bối cảnh, để khắc hoạ sinh động nhất câu chuyện", Dương chia sẻ.
Mỗi thanh socola đơn Dương bán ra với giá dao động 150.000 – 250.000 đồng/thanh, còn với loại socola được trang trí tỉ mẩn trong hộp có giá 500.000 đồng. Dương chỉ nhận làm cho người quen, không bán tràn lan dù nhiều người nhắn tin hỏi mua.
Ngoài socola "chuyện tình văn học", cô gái trẻ còn thực hiện tạo hình socola kết hợp 3D và những hình ảnh dễ thương. "Dù nhiều lần thất bại, nhưng sau khi tự khắc phục các bước, mình cũng hoàn thành được những sản phẩm ưng ý", Dương xúc động nói.
Ngoài mẫu socola "chuyện tình văn học", Dương còn vẽ socola kết hợp 3D và những hình ảnh dễ thương
Hộp quà socola được vẽ lại từ hình ảnh của cặp đôi
Những thanh socola đẹp mắt, thích hợp là quà tặng dịp Valentine năm nay
Từ bỏ nghề ngân hàng, theo đuổi đam mê!
Nguyễn Thị Thùy Dương tốt nghiệp khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng năm 2017. Cô bắt đầu công việc "trong mơ" tại một ngân hàng, với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Đến tháng 10/2019, cô nghỉ việc, dùng số vốn 20 triệu đồng để bắt đầu "con đường mới". Quyết định của Dương khiến nhiều người bất ngờ, nhưng riêng bản thân cô đã có sự chuẩn bị từ trước.
Dương vốn yêu thích làm bánh từ khi còn là sinh viên, nên trong thời gian làm việc tại ngân hàng, cô vẫn duy trì nghề tay trái, có lượng khách hàng ổn định của riêng mình.
Từ bỏ ngân hàng, Dương nói chưa bao giờ hối hận. Một phần, cô đã có sự chuẩn bị kĩ càng và chắc chắn, hơn nữa công việc hiện tại diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, đúng như kế hoạch mà bản thân mong muốn.
"Mình nghĩ, người trẻ nên liều lĩnh. Tuy nhiên cũng cần có sự chuẩn bị chắc chắn, để không cảm giác hụt hẫng hay hối hận với những quyết định đã chọn", cô nói.
Dương vừa làm vừa học thêm, không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề, sáng tạo những chiếc bánh độc lạ, bắt mắt. Từ một kẻ "tay ngang", cô dần chuyên nghiệp và định hình phong cách riêng.
"Mình nghĩ, người trẻ đừng ngần ngại theo đuổi đam mê, giúp bản thân bứt phá và tìm kiếm những 'năng lực' mới. Nếu tìm ra đam mê và theo đuổi nó, thì chắc chắn thành công cũng sẽ đuổi theo mình", Dương nói.
Nguyễn Thị Thùy Dương - cô "thợ bánh" xinh xắn, chủ nhân của những thanh socola "chuyện tình văn học"
Công việc chính của Dương bên cạnh kinh doanh bánh, còn tổ chức những chương trình học cho các bạn cùng sở thích. Trước dịch Covid-19, những lớp học làm bánh của cô luôn "tấp nập", dạy chủ yếu ở Hà Nội. Khi lượng học viên trong TP.HCM tăng cao, năm ngoái, cô quyết định vào Sài Gòn mua nhà và mở lớp.
"Mình sinh sống và làm việc cả ở Hà Nội và Sài Gòn, di chuyển liên tục. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các lớp làm bánh chuyển sang học online (trực tuyến)", Dương nói và cho biết hạn chế của hình thức giảng dạy này là học viên không được cô giáo "cầm tay chỉ việc", phải tự chuẩn bị nguyên liệu và chủ động sáng tạo.
Thu nhập của Dương từ 2 nguồn chính, vừa kinh doanh vừa mở lớp học, tuy trong những ngày giãn cách và dịch phức tạp, nhưng lượng học viên đăng ký lớp online tăng cao, giúp thu nhập ổn định.
Dương hi vọng dịch bệnh sớm kết thúc để tổ chức các lớp học trực tiếp cho học viên tại cả 3 miền. Vì đây là công việc sáng tạo, nên cô luôn muốn thử thách bản thân, để thay đổi cả về hình dáng và mùi vị cho các loại bánh.