Cô gái 18 tuổi nặng 35kg, mắc chứng rối loạn ăn uống nhưng vẫn vui vì...giảm cân thành công: Khi ám ảnh tâm lý ẢO bào mòn cơ thể THẬT
Kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn, ý tưởng rằng phụ nữ phải gầy đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người.
Hội chứng ám ảnh cân nặng hay còn được gọi là tình trạng sợ tăng cân là một trong các chứng rối loạn tâm lý được đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức về hình thể, cân nặng và các khiếm khuyết của ngoại hình. Sự ám ảnh thái quá này làm cho người bệnh có xu hướng muốn giảm cân nhanh chóng, họ có thể thực hiện nhiều hành vi để hoàn thành mong muốn giảm cân của mình như nhịn ăn, tập thể dục quá mức, tự nôn ói sau khi vừa mới ăn xong.
Những đối tượng mắc phải hội chứng này thường rất tự ti về thân hình của bản thân, họ luôn cảm thấy mình xấu xí, ngoại hình thua kém nhiều người và có xu hướng muốn tự tách biệt với cộng đồng. Hội chứng ám ảnh cân nặng khiến cho người bệnh luôn có sự lo lắng, ám ảnh, hoảng sợ về trọng lượng của cơ thể trong một khoảng thời gian kéo dài.
Những cô gái quyết tâm phải gầy
18 tuổi, Yong Jun Kueh (Hong Kong) phát hiện mình tăng cân trong suốt kỳ thi cuối cấp. Cô quyết định nhịn ăn trong vòng hai ngày. Suốt 48 giờ, cô gái chỉ uống nước ép, protein lắc và vitamin. Vòng eo dần bé lại khiến cô cảm thấy hài lòng. Yong kéo dài chế độ ăn của mình thêm vài tuần, cuối cùng bắt đầu chu kỳ nhịn đói thường xuyên và khiến cô mắc chứng rối loạn ăn uống.
Ở thời điểm căn bệnh trầm trọng nhất, Yong chỉ nặng 35 kg, nhẹ hơn một bé gái 11 tuổi. Cơ thể suy nhược, tuy nhiên cô cảm thấy thoải mái.
"Tôi ý thức được rằng mình bị bệnh vào thời điểm đó, nhưng tôi muốn sử dụng sức mạnh ý chí để vượt qua bản năng của cơ thể. Tôi thấy nhẹ nhõm vì cảm giác đã đạt được một điều gì đó trong cuộc sống", Yong giải thích.
Ám ảnh cân nặng khiến các cô gái luôn thấy mình béo dù đã rất gầy
Chen Lu (36 tuổi, Trung Quốc) trông mệt mỏi và già hơn tuổi thật rất nhiều, với mắt thâm quầng và làn da đen sạm.
Hai năm trước, cô đã mua và sử dụng một loại thuốc giảm cân trên mạng. Chen giảm được 15 kg trong 2 tuần, song cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Sau khi ngưng dùng thuốc, cô tăng thêm tới 45 kg và mắc chứng rụng tóc nặng.
Cô lấy thuốc mình dùng đi kiểm tra và phát hiện trong đó chứa sibutramine - một chất ức chế thèm ăn bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc.
Mạng xã hội và sự ám ảnh cân nặng
Kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến hơn, ý tưởng rằng phụ nữ phải gầy và nam giới phải cơ bắp đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người.
Các nền tảng như Facebook, Instagram, Snapchat và Tiktok tập trung vào những bức ảnh và video để dễ thu hút sự chú ý của bạn. Các cô gái xinh xắn, body chuẩn mực dạo đi trên phố hay đứng nhảy theo điệu nhạc hấp dẫn; những cô nàng review trang phục mặc từ loại quần áo rẻ tiền đến hàng hiệu nhưng bộ nào cũng đẹp...Bởi tựu chung lại một lý do: Họ GẦY!
Do đó, khi chúng ta liên tục xem những hình ảnh này mỗi ngày thì càng cho rằng đây mới là thực tế và chuẩn mực. Điều này không chỉ dẫn đến các trường hợp ám ảnh về cân nặng mà còn làm tăng khả năng mọi người phải trải qua các thủ thuật để thay đổi ngoại hình của họ như nhịn ăn, phẫu thuật thẩm mỹ, tập gym để ép cân...
Ngưỡng mộ những cô gái trên Tik Tok nên ai cũng muốn được gầy như họ
Đáng nói, các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ thanh thiếu niên gặp vấn đề về ăn uống đã tăng gấp đôi, lên 7,8% kể từ năm 2000 đến năm 2018. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn làm suy giảm sức khoẻ tâm thần.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) năm 2011 kết luận, những người mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân tâm thần khác, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở bệnh chán ăn tâm thần.
Một số dấu hiệu giúp bạn có thể dễ dàng nhận biết được hội chứng ám ảnh cân nặng như:
- Luôn bị ám ảnh về cân nặng của bản thân và rất sợ việc tăng cân.
- Luôn có ánh nhìn ngưỡng mộ đối với những người có thân hình đẹp và nỗ lực để sở hữu nó.
- Người bệnh thường sẽ có xu hướng bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực cho rằng thân hình của mình là xấu xí, không phù hợp với tiêu chuẩn của cái đẹp.
- Luôn nghiêm khắc với bản thân về khía cạnh ăn uống. Họ rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn thực phẩm ăn uống, thậm chí có thể đo lường lượng calo dung nạp mỗi ngày.
- Liên tục kiểm tra cân nặng, mỗi ngày có thể từ vài lần cho đến vài chục lần. Một số trường hợp khác có thể sợ hãi và lo lắng về việc kiểm tra cân nặng, họ hoảng sợ khi phải đối diện với tình trạng tăng cân, béo phì của bản thân.
- Sự bất an, lo lắng quá mức về vóc dáng, tình trạng cân nặng có thể khiến cho người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, stress kéo dài. Đa phần người bệnh sẽ có tâm trạng bất ổn, thường hay kích động, cáu gắt, nhất là khi người khác nhắc về cân nặng.
- Người bệnh luôn cố gắng kiêng ăn, tập thể dục quá mức, đôi lúc có những hành vi thái quá để đào thải thức ăn. Tuy nhiên, người bệnh ít xảy ra triệu chứng này, không đủ điều kiện để có thể chẩn đoán mắc phải các chứng rối loạn ăn uống hay chứng chán ăn thần kinh.
- Tình trạng giảm cân quá mức nếu kéo dài dai dẳng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, rối loạn nhịp tim, rối loạn giấc ngủ, rụng tóc, móng chân và móng tay dễ bị gãy,….
- Bệnh nhân sẽ có xu hướng tự cô lập bản thân, hạn chế tiếp xúc với người thân, bạn bè,….Họ muốn xuất hiện trước mặt mọi người với một hình thể hoàn hảo nhất.
Làm sao để thoát khỏi sự ám ảnh cân nặng?
Bước đầu tiên để cải thiện tình trạng này đó là hãy xác định vấn đề cân nặng đã và đang gây ra những cảm xúc tiêu cực trong bạn. Chẳng hạn vui buồn thất thường sau khi đứng lên cân, hối hận vì đã ăn nhiều, tập thể dục cật lực mà vẫn không giảm mỡ...Từ đó, bạn hãy dũng cảm gạt nó sang một bên thay vì buồn phiền và chỉ trích bản thân.
Hãy tự bước ra khỏi nỗi sợ hãi về cân nặng của bản thân
Cố gắng không so sánh mình với người khác, nhất là với những cô nàng trên mạng xã hội hay diễn viên, ca sĩ. Bạn hãy nên nhớ rằng, họ có cả một ekip lo từ trang phục, hình ảnh, kỹ thuật..., họ là người của công chúng, kiếm tiền nhờ vào vẻ bề ngoài nên đừng gắng gượng coi họ là chuẩn mực để ép buộc cơ thể mình phải noi theo. Nếu ý chí của bạn không đủ mạnh mẽ thì có thể bắt đầu bằng cách huỷ theo dõi hoặc giảm bớt thời gian ngồi lướt Tik Tok
Thay vì cứ cố gắng tập luyện "điên cuồng" và không kiểm soát, bạn hãy lựa chọn cho mình một bộ môn dựa theo sở thích của bản thân. Khi tập luyện theo đúng sở thích sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, dần xóa bỏ các ám ảnh, nỗi lo sợ về cân nặng. Mỗi ngày người bệnh cũng chỉ nên tập luyện khoảng 30 phút, tuyệt đối không được vận động quá sức.
Trị liệu tâm lý cũng là một trong các biện pháp thường xuyên được áp dụng cho các trường hợp điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đối với các bệnh nhân bị hội chứng ám ảnh cân nặng thì biện pháp này cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Việc áp dụng tâm lý trị liệu sẽ giúp cho người bệnh nhìn nhận được các suy nghĩ sai lầm và méo mó của mình về tiêu chuẩn cái đẹp và cân nặng. Nhờ đó, mà người bệnh sẽ biết được cách điều chỉnh và cân bằng tốt chế độ ăn uống, tập luyện của bản thân.
Nguồn: INTEGRIS; South China Morning Post