Co-founder FoodMap chỉ ra 3 điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam: “Nếu bản thân mình phục vụ người trong nhà chưa xong làm sao phục vụ người ngoài”

20/08/2021 08:17 AM | Kinh doanh

Theo Co-founder FoodMap Mai Thanh Thái, 3 điểm yếu lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam chính là thụ động khi làm thương hiệu – kênh phân phối, thiếu tính cam kết và tính kế thừa.

Anh Mai Thanh Thái –Co-founder kiêm Giám đốc kinh doanh của FoodMap
Anh Mai Thanh Thái –Co-founder kiêm Giám đốc kinh doanh của FoodMap

Nông nghiệp là một ngành đặc thù và nền nông nghiệp Việt Nam có một độ trễ nhất định so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ: chưa có tính minh bạch thông tin nên chưa đón nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.

"FoodMap gần như đã đi qua các tỉnh thành ở Việt Nam để lắng nghe tâm tư của các nhà sản xuất cũng như người nông dân. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng và các nhà phân phối cũng thiếu thông tin – ví dụ như chất lượng, năng lực sản xuất của đầu vào.

Ngoài việc xây dựng các kênh tiêu thụ, FoodMap còn thấy được những hạn chế khác của nhà sản xuất và nhà cung cấp trong việc kinh doanh, như thụ động trong việc tìm kênh phân phối – xây dựng thương hiệu; làm sao cho nông sản của mình đến tay nhiều khách hàng hơn, đa kênh bán với giá tốt hơn. Ngoài ra, người nông dân còn thiếu tính cam kết và tính kế thừa", anh Mai Thanh Thái – Co-founder kiêm Giám đốc kinh doanh của FoodMap nêu vấn đề trong tọa đàm "Kênh tiêu thụ nông sản Việt: Vẽ nên bản đồ nông sản Việt, cần những gam màu nào?"

Các nhà cung cấp nông sản và các đơn vị sản xuất Việt Nam chưa xem trọng việc làm thương hiệu. Thế nên, trong 2 năm đầu tiên, FoodMap đã giành rất nhiều tâm lực vào việc xây dựng content và làm thương hiệu cho các nhà cung cấp sản phẩm, để người tiêu dùng khi mua sản phẩm có thể nắm rõ nhiều thông tin hơn thông qua sàn FoodMap.

Đồng thời, FoodMap cũng muốn giúp cho người nông dân và nhà sản xuất chủ động hơn trong việc tiếp cận nhiều kênh bán hơn.

Co-founder FoodMap: 3 điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là thụ động khi làm thương hiệu – kênh phân phối, thiếu tính cam kết và tính kế thừa - Ảnh 1.

FoodMap rất đầu tư về mặt content.

"FoodMap đã phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực – ngoài đảm bảo ngoài giấy tờ pháp lý, còn phải giúp người nông dân xây dựng và bảo hộ thương hiệu, đồng hành cùng họ trong thay đổi tư duy cho người chủ doanh nghiệp, họ hiểu và tiếp cận với nhiều công nghệ trên thị trường đang có.

Hiện tại, công việc đánh giá chất lượng của FoodMap khá cơ bản như phải an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy công bố sản phẩm. Chúng tôi khá tốn công sức với những đơn vị sản xuất sản phẩm truyền thống như đặc sản, quy mô nhỏ nhưng ngon. Làm sao mình có thể giúp những cơ sở như vậy nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng suất để tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

FoodMap đang cung cấp sản phẩm – dịch vụ đa kênh, B2B và B2B, nhà hàng, siêu thị, cộng tác viên, mẹ bỉm sữa…yếu tố quan trọng là đảm bảo đầu vào. Hiện tại, các thương hiệu lớn như cô Ba Huân đã đầu tư vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm rất tốt. Nếu có nhiều doanh nghiệp như thế, công việc của FoodMap sẽ đỡ vất vả hơn nhiều, vì chúng tôi không cần bỏ quá nhiều công sức vào việc đánh giá chất lượng nữa", anh Mai Thanh Thái cho hay.

Thứ hai, cái này hay xảy ra ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc: hôm nay nhà phân phối đặt hàng và đã ký kết xong, nhưng ngày mai nhà cung cấp lại kêu không có hàng. Với FoodMap, vấn nạn này ảnh hưởng rất nhiều đến người tiêu dùng đầu cuối của họ.

Thứ ba, nhiều thương hiệu nông nghiệp lớn không có lớp nhân sự kế thừa kế cận và anh Thái cảm thấy rất nuối tiếc về điều đó. Anh thấy ở nước ngoài, có những thương hiệu lớn tồn tại hàng trăm năm, nhưng ở Việt Nam, tìm một đơn vị lớn như Ba Huân rất là khó.

"Tại FoodMap, chúng tôi chủ yếu ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp và việc này đang tốn nhiều nguồn lực của FoodMap. Nhưng dù ứng dụng công nghệ gì vào khâu nào thì cũng phải xuất phát từ góc nhìn của nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ phải gồm nhiều giai đoạn ứng với từng mắt xích trong từng giai đoạn khác nhau. Vừa cần phải cần có tư duy của người hiện đại vừa phải am hiểu cách làm truyền thống của ngành nông nghiệp Việt Nam, thì mới có thể ứng dụng công nghệ nhuần nhuyễn.

Quan điểm của FoodMap, muốn thành công trong ngành này phải xây dựng chiến lược gần khách hàng hơn, quan hệ một cách sâu rộng hơn 1 với nhà cung cấp ở mức có thể. Vậy nên, số hóa nông nghiệp hay ứng dụng công nghệ vào các kênh phân phối cũng phải làm từ từ. Bởi những điểm yếu kể trên, khiến chúng tôi luôn dùng từ ‘ĐỒNG HÀNH’", Co-founder FoodMap khẳng định.

FoodMap luôn muốn thay đổi điều gì đó lớn lao cho ngành nông nghiệp Việt Nam và muốn nông sản Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới.

Co-founder FoodMap: 3 điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là thụ động khi làm thương hiệu – kênh phân phối, thiếu tính cam kết và tính kế thừa - Ảnh 2.

Trên sàn TMĐT của FoodMap xuất hiện rất nhiều đặc sản của Việt Nam.

Founder FoodMap luôn tin rằng: nếu nông sản Việt Nam chinh phục được người Việt thì đó sẽ là bệ phóng ra thế giới. Trong năm 2021, FoodMap đã xuất khẩu 1 số mặt hàng nông sản có giá trị cao đi Singapore và Malaysia. Trong tương lai, họ hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu đến các nước khác.

"Muốn xuất khẩu phải đi được trong nội địa – nếu bản thân mình phục vụ người trong nhà chưa xong làm sao phục vụ người ngoài. Ngoài ra, bản thân khách hàng trong nước đánh giá khách quan sản phẩm, phản hồi thông tin sẽ giúp nhà cung cấp cải thiện được sản phẩm trước khi ra ‘biển lớn’.

Đây có thể còn là cách gián tiếp tiếp cận thị trường bên ngoài, như làm thương hiệu, làm marketing, khi sự kết nối giữa người có nhu cầu đến mình dễ dàng thì dễ phát sinh đến nhu cầu mua bán", anh Mai Thanh Thái nêu quan điểm.

Ở khía cạnh khác, trong thời điểm này, FoodMap may mắn vì hoạt động trong ngành thiết yếu, ảnh hưởng không lớn đến việc kinh doanh. Nhưng việc nhiều nguồn cung bị đứt gãy cộng thêm đơn hàng gia tăng đột biến – có ngày tăng cao 20 lần, rồi vừa bảo đảm chất lượng lại không bị ảnh hưởng xấu bởi đứt gãy logistics, là một thử thách rất lớn trong vận hành của chúng startup này.

Một may mắn nữa, FoodMap có đội ngũ giàu kinh nghiệm, chinh chiến trong kênh phân phối online trong 2 năm qua, đã dự đoán được và chuẩn bị từ sớm, cũng như tính linh động cao, nên mới thích nghi được tình hình hiện tại.

"Với FoodMap, đại dịch còn là cơ hội để sàng lọc nhà cung cấp cũng như cơ hội thử nghiệm các ngành hàng mới - như sản phẩm đồ cấp đông và đồ lạnh, vì nhu cầu tăng cao hơn ngày thường rất nhiều. Trên thị trường hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ tốt cho mảng này, trước đây họ chủ yếu cung cấp cho xuất khẩu, nhà hàng sang trọng và khách sạn 5 sao; họ không có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường nội địa.

Ngoài ra, lợi nhuận trong giai đoạn này là thứ yếu, chia sẻ và hỗ trợ cộng đồng quan trọng hơn", Co-founder FoodMap kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM