Cổ đông Facebook tìm cách loại Mark Zuckerberg khỏi ghế chủ tịch
Sau cuộc họp cổ đông đầy ác mộng diễn ra trong 90 phút, cổ phiếu Facebook sụt giảm nghiêm trọng, thổi bay đi tới hơn 150 tỷ USD vốn hóa thị trường của công ty này. Hiện rất nhiều cổ đông đang lên kế hoạch loại Mark Zuckerberg ra khỏi ghế chủ tịch.
Vụ scandal lộ dữ liệu Cambridge Analytica trong vài tháng trước không hề gây sứt mẻ gì đến Facebook nhưng trong vài ngày qua, cơn ác mộng thực sự đã xảy đến khi báo cáo tình hình tăng trưởng quý 2 của công ty này được công bố.
Theo đó thì doanh thu quý 2 của Facebook tăng trưởng 41% đạt 13,23 tỷ USD. Tuy chưa thể đạt được như dự đoán của Wall Street trước đó là 13,36 tỷ USD nhưng một vấn đề khác đã nảy sinh. Đó chính là chi phí cho việc bảo mật dữ liệu của Facebook tăng thêm 50% lên 7,37 tỷ USD sau scandal lộ dữ liệu. Việc tăng chi phí cho vấn đề bảo mật thông tin này sẽ làm người dùng cùng các cơ quan chức năng hài lòng nhưng chắc chắn các nhà đầu tư của Facebook đều không cảm thấy như vậy.
Giá trị cổ phiếu Facebook sụt giảm nghiêm trọng
Chỉ trong vòng 1 ngày, giá cổ phiếu Facebook đã sụt giảm nghiêm trọng khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty này bị thổi bay mất 151 tỷ USD. Bản thân Mark Zuckerberg với khối tài sản chủ yếu là cổ phiếu Facebook cũng bị mất đi tới 16 tỷ USD giá trị. Nhiều chuyên gia đầu tư còn nhận xét rằng việc giảm tới 151 tỷ USD giá trị của Facebook là cơn ác mộng chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân của sự sụt giảm giá trị cổ phiếu được cho là bởi tâm lý lo ngại trong các nhà đầu tư khi mà chi phí cho việc bảo mật thông tin của Facebook tăng lên. Thêm vào đó, lượng người dùng gần như đã bão hòa, đạt gần 2,5 tỷ người cũng cho thấy khả năng giảm tốc độ tăng trưởng của Facebook trong tương lai.
Các nhà đầu tư bức xúc trước tình hình trên đang lên kế hoạch yêu cầu Mark Zuckerberg rời khỏi ghế chủ tịch hội đồng quản trị của Facebook do hàng loạt các scandal gần đây. Thậm chí Công ty đầu tư Trillium Asset Management, đang nắm 11 tỷ USD cổ phiếu Facebook trong ngày hôm qua đã gửi một bản đề xuất yêu cầu Mark Zuckerberg thôi giữ chức vụ Chủ tịch kiêm CEO của Facebook.
Bản đề xuất này chỉ ra rằng các nhà đầu tư hiện không thể kiểm soát được tình hình của Facebook do quyền lực tập trung quá nhiều trong tay Mark Zuckerberg. Theo đó thì vị CEO kiêm chủ tịch này nắm tới 60% quyền bỏ phiếu tại Facebook khiến cho nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại.
Bản đề xuất yêu cầu Mark Zuckerberg phải từ bỏ ít nhất 1 trong 2 chức vụ mà mình đang nắm giữ để giúp bức tranh quyền lực điều hành tại Facebook được rõ ràng hơn.