Có cung tên là vì muốn bắn con chim, bắn được chim thì hãy vứt cung tên đi!
Người bộ hành muốn vượt sông bèn kết bè. Sang được bờ bên kia, việc anh ta nên làm là vứt lại chiếc bè mà bước tiếp chứ không phải vì cảm ơn nó mà cứ vác nó đi trong suốt hành trình còn lại.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Xuân Tùng về các bài học quản trị mà tiền nhân để lại. Mời độc giả đón đọc
Xem phần trước: Những điều khoa học nói hôm nay, đức Phật và Khổng tử đã răn dạy từ mấy ngàn năm trước
Khi đụng tới giới hạn của phần kỹ thuật, xu hướng chung của người làm kinh doanh là đi tìm cách phát triển tinh thần để thoát khỏi chỗ bế tắc. Đó là khi họ khăng khăng khẳng định là "các cụ nhà ta" không có môn Phát triển cá nhân con người. Có đúng vậy không?
Tôi còn nhớ rõ khi đó là những ngày hè của năm lớp 10. Do học chuyên toán cấp 2, chỉ chuyên tâm vào các con số, nên chữ và cách hành văn của tôi bị hỏng hoàn toàn. Tôi phải đi học bổ túc của một bà cô họ xa là giảng viên môn văn của trường chuyên Amsterdam.
Bà cô tôi nhiệt tình và rất thương tôi, nên đáng nói một vấn đề trong 3 tiếng thì hay kéo dài thành 5 tiếng, một cái tật mà đến giờ tôi cũng mắc phải nếu gặp đúng lớp sales mà tôi khoái.
Có một lúc như thế, đang uể oải chỉ muốn đi về hay làm việc gì thú vị, tôi đi ngang qua cái bàn và nhìn thấy một trang kinh Phật mở ra. Chữ thì to như “gà mái ghẹ” vì chắc là dành cho các cụ kém mắt. Kinh Phật nhưng lại trích Nam Hoa Kinh và hai câu đồng thời xuất hiện trên đó.
“Có cung tên là vì muốn bắn con chim, bắn được chim thì hãy vứt cung tên đi. Có dò (một loại bẫy) là vì con thỏ, bắt được thỏ hãy vứt cái dò đi. Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời. Ta làm sao tìm được người biết quên lời để cùng nhau đàm đạo!”
Người bộ hành muốn vượt sông bèn kết bè. Sang được bờ bên kia, việc anh ta nên làm là vứt lại chiếc bè mà bước tiếp chứ không phải vì cảm ơn nó mà cứ vác nó đi trong suốt hành trình còn lại. (Đại ý)
Tôi đọc và giật mình, không lẽ đây là câu nói của các Vĩ nhân và các bậc đại Đức? Vì xét về hình thức, chúng na ná như cái câu ngạn ngữ “ăn cháo đá bát” mà dân gian ta hay nói. Tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn diễn giải, rồi hỏi cả những người khác nữa thì mới suy ra điều thú vị như sau:
Các câu nói ở trên đề cập tới việc rèn luyện kỹ năng từ nông tới sâu. Ví dụ, khi còn bé, mỗi khi muốn viết tên mình, tôi sẽ phải nắn nót từng nét. Nếu thấy hay, tôi chắc sẽ dừng ở việc tập luyện liên tục cho tới khi tìm được cả ngàn cách viết tên mình cho thật đẹp. Nhưng do có quá nhiều thứ phải học ngoài kia để lớn lên, tôi không dừng ở đó mà chỉ coi nó là kỹ năng cần. Giờ tôi viết tên mình mà hầu như không phải nghĩ, không phải chỉnh, chỉ trong tích tắc, vung tay là xong. Như thế cũng là tiết kiệm thời gian nhiều hơn và hiệu quả hơn cho cả những việc khác.
Thường khi áp dụng một kiến thức mới trong công việc thành công thì chúng ta hay coi như có đồ quý trong nhà, sẽ thường xuyên mân mê và xem đi xem lại chúng, tự hào khoe chúng với những người xung quanh. Do mất thời gian làm việc đó, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để tìm học, đọc, hiểu và sau cùng áp dụng những thứ còn hay hơn như thế đầy rẫy ngoài kia.
Gần đây các diễn giả nước ngoài hay nói về quá trình Learn – Unlearn – Relearn nhưng ít ai biết là ngoài việc họ là người nước ngoài, nói phải có thông dịch, còn những điều họ đề cập đã được nói tới cách đây nhiều nghìn năm.
Trong kinh doanh cũng vậy, tôi từng có thời bám chấp tới tận cùng là chỉ có P&G mới là nhất, mới là hiệu quả trong làm sales. Khi thất bại, tôi mới nghiệm ra, cái chuẩn nhất là cái mà nhiều người khác áp dụng thành công và khi áp dụng thành công rồi, thì họ liên tục phải bỏ nó đi để học thêm cái mới! 2 năm và khoảng 1,5 tỷ tiền lỗ trước khi nhận ra điều đó có lẽ không phải là quá nhiều cho việc phá chấp của tôi!
2 tuần trước khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, tôi nhận được tin gia đình tôi đã phá sản. Hiển nhiên là bố mẹ không thể tiếp tục thực hiện lời hứa trước đây là sẽ cho tôi sang Mỹ học “tới lúc con chán thì thôi”!.
Tôi đổ đầy xăng vào bình xe chiếc Cup 70 và đi lang thang trong Hà Nội, hoảng loạn vì không biết mình phải làm gì bây giờ! Chính hai câu ở trên đã giúp tôi phá “chấp”! Tôi không tiếp tục bám víu vào hình ảnh của mình những năm trước đó, rằng mình là một thứ công tử bột, nghiễm nhiên được hưởng sự giàu sang phú quý mà không phải tự làm gì cả.
Tôi liều lĩnh xin việc và thử sức ở mọi công việc có thể. Nhờ vậy tôi có trải nghiệm phong phú về các lĩnh vực nghề nghiệp, từ thăm dò thị trường, giảng viên đại học, phiên dịch cabin, biên dịch, viết báo, biên tập, đánh giá ISO, dạy dưỡng sinh, …trước khi tôi dừng ở nghề sales.
Một lưu ý duy nhất, hai câu này tất nhiên không dùng để nói tới đạo Thầy – Trò, vì chúng ta vẫn luôn tôn kính người Thầy dạy cho mình, dù là chỉ nửa chữ. Tuy vậy, nếu cứ vì quý mến kiến thức mà thầy dạy, nâng niu ngắm vuốt nó, chúng ta sẽ bỏ hết các cơ hội còn lại để tìm hiểu những thứ tuyệt vời ngoài đó. Kèm theo kiến thức đi vào luôn có cái tâm dính mắc với sự vật hiện tượng mà chúng ta khởi lên bên trong. Khi làm chủ kiến thức và kỹ năng nào đó tốt rồi, hãy luôn tiến tới những thứ khác. Não bộ con người mới chỉ được dùng tới 30% là tối đa.
Xem phần sau:
NỘI TRƯỚC, NGOẠI SAU, CŨ LÀ LẠC HẬU?