"Cô bé vàng trong làng Youtuber” Hàn Quốc: Sở hữu hơn 30 triệu đăng ký, bố mẹ lập cả công ty, chiến lược nội dung bài bản, doanh thu 3,7 tỷ won/tháng
“Boram Tube” là tài khoản youtube Hàn Quốc được hiển thị hàng đầu trên thanh tìm kiếm xã hội của nước này.
Thứ Ba vừa qua, thông tin gia đình của ngôi sao youtube nhí Boram mua tòa nhà 5 tầng tại Gangnam, quận giàu có bậc nhất Seoul với giá 9,5 tỷ won đã khiến nhiều người trầm trồ ngạc nhiên. Dẫu biết mảng nội dung trẻ em đang là mảnh đất màu mỡ, nhiều tiềm năng nhưng những con số mà Boram và gia đình cô bé kiếm được vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng.
Sở hữu 2 kênh youtube với tổng cộng hơn 30 triệu người đăng ký, các video của cô bé 6 tuổi thậm chí còn thu hút nhiều lượt xem hơn vô số thần tượng nổi tiếng xứ Hàn. Thậm chí có video đạt hơn 260 triệu view chỉ sau 4 tháng, con số đáng mơ ước của bất kì người làm nội dung nào.
Tháng 1 năm 2018, kênh youtube "Boram Tube ToysReivew" ra mắt video đầu tiên với nội dung đơn giản, ghi lại những khoảng khắc đời thường dễ thương của cô bé, chất lượng hình ảnh chưa cao. Các video sau đó, Boram bắt đầu reivew lại những món đồ chơi cùng sự tham gia của một vài thành viên khác. Và cứ đều đặn 3 video mỗi tuần, các nội dung của Boram ngày càng thu hút nhiều lượt xem hơn. Hiện tại, Boram Tube ToysReivew" sở hữu hơn 13,6 triệu tài khoản đăng ký, tổng lượt xem lên đến trên 4 tỷ.
Một video review đồ chơi của Boram.
Kênh youtube thứ hai, "Boram Tube Vlog", được mở sau đó 5 tháng. Chủ đề là những hoạt động, câu chuyện hài hước xoay quanh cuộc sống thường ngày của cô bé. Tuy nhiên, mục đích thực hiện đã được định sẵn. Hiện tài khoản này nhận được hơn 17,6 triệu đăng ký, lượt xem vượt ngưỡng 5 tỷ.
Kim Ji-eun, người lập kế hoạch cho "Boram Tube" và mẹ của Lee Boram, là một cặp vợ chồng bình thường. Lý do thôi thúc họ thực hiện những video về cô con gái duy nhất là để chăm sóc, bù đắp cho khoảng thời gian dài Boram từng cô đơn một mình.
Nhưng sớm nhận ra khả năng của con gái cũng như tiềm năng ở mảng nội dung trẻ em trên youtube, cặp vợ chồng quyết định lập hẳn công ty có tên "Boram Family" và thực hiện các chiến lược bài bản.
Trang web chính thức của công ty Boram Family.
Chiến lược quan trọng nhất được người cha, kiêm giám đốc dự án chia sẻ đó là "trẻ em nên được tận hưởng". Những tình nguyện viên tham gia không phải là diễn viên có nhiệm vụ đọc thuộc lòng theo kịch bản. Thay vào đó, không có kịch bản, họ nói chuyện trực tiếp với Boram để nội dung được tự nhiên nhất và cô bé cũng không bị ép phải diễn.
Kim Ji-eun chia sẻ: "Tôi luôn hài lòng với những gì Boram được tận hưởng. "Boram Tube" đang nhắm đến việc giúp Boram phát triển và có nhiều trải nghiệm hơn."
Chiến lược thứ hai đó là "mở rộng kênh thành các mục tiêu riêng biệt" bởi mỗi mảng nội dung lại có nhiều vấn đề cần khai thác khác nhau. Đó là lý do dự án "Boram Tube" được phát triển với 2 kênh riêng. Các video không chỉ được đăng tải trên youtube mà còn phủ sóng cả Naver TV, nền tảng tìm kiếm, giải trí số 1 của Hàn Quốc.
“Boram Tube” là tài khoản youtube Hàn Quốc được hiển thị hàng đầu trên thanh tìm kiếm xã hội của nước này, vượt qua những kênh giải trí, nghệ thuật khác.
Hiện tại, "Boram Tube" không chỉ là nội dung trẻ em được yêu thích hàng đầu ở xử sở kim chi mà còn là tài khoản có thu nhập khủng nhất. Theo Naver, trong số các kênh YouTube tại Hàn Quốc, vị trí thứ 1 và thứ 2 về doanh thu quảng cáo thuộc về "Boram Tube ToysReivew" và "Boram Tube Vlog".
Còn theo phân tích của Social Media Blade tháng 12 năm ngoái, tổng doanh thu hằng tháng của công ty Boram Family lên đến 3,7 tỷ won (khoảng hơn 3,1 triệu USD). Trong đó, kênh review đồ chơi và kênh vlog của Boram đã báo cáo doanh thu lần lượt đạt 1,8 tỷ won và 1,78 tỷ won. Đây là số một áp đảo trong làng youTube Hàn Quốc.
Khoản thu khổng lồ này đến một phần từ lượng lượt xem khủng của 2 kênh youtube nhưng chủ yếu là nhờ hợp đồng quảng cáo cho các hãng đồ chơi trẻ em, thương hiệu đồ ăn hay khu vui chơi giải trí,... Trên trang web chính thức của Boram Family còn có hướng dẫn chi tiết các bước từ đề xuất ngân sách quảng cáo phù hợp, tư vấn, thỏa thuận về thời lượng video và thời gian sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại về vấn đề cha mẹ quá lợi dụng con cái để kiếm lợi cũng như tần suất 3 video mỗi tuần có thể khiến cô bé bị quá tải.