“Có 100 tỷ đồng hãy chọn công ty gia đình, đừng đầu tư vào startup”
Founder của một startup vừa hoàn thành vòng gọi vốn series B với số tiền vài triệu USD từ một quỹ đầu tư Nhật Bản đã nhận định như vậy, khi nghe về câu chuyện quỹ đầu tư startup 100 tỉ đồng trên báo chí gần đây.
"Nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận startup là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận do: Đa số chưa hiểu rõ về mô hình này, hãn hữu có người hiểu thì lại e ngại rủi ro lớn và về cơ bản tâm lý Á Đông không ai muốn trở thành người thử nghiệm đầu tiên", vị founder này nhận định.
Theo founder này thì hiện trạng của Việt Nam đang thiếu các nhà đầu tư ở giai đoạn vốn "mồi", các khoản đầu tư từ 10.000 – 500.000 USD, trong khi gần như toàn bộ startup tại Việt Nam hiện nay đều nằm ở giai đoạn này.
Các startup đã vượt qua ngưỡng nửa triệu đô có thể dễ dàng gọi vốn ở Singapore. Ở giai đoạn này, cho dù nhà đầu tư Việt Nam có 100 tỷ đồng hay nhiều hơn thì cũng chưa chắc nhận được sự đồng ý của các founder.
Ở một góc nhìn khác, có vẻ như nhiều người đang nhầm lẫn giữa khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với startup.
Khái niệm về startup theo như bà Thạch Lê Anh – Giám đốc đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam thì đó một tập hợp các nguồn lực tạm thời (nhân lực, tiền, thời gian…) để tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới và nhanh chóng xây dựng thành một tổ chức/doanh nghiệp đạt quy mô, đồng thời có khả năng lặp lại hay nhân rộng tại các thị trường khác nhau, và thường tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh.
Định nghĩa này đã bao hàm việc startup có thể chưa phải là một doanh nghiệp và việc đi tìm kiếm mô hình kinh doanh mới đồng nghĩa với việc mỗi startup thường không có tiền lệ. Thực tế cho thấy những startup thành công nhất thường không có tấm gương nào để so sánh, đánh giá hay ước lượng được khả năng thành công. Do đó, lựa chọn đầu tư cho startup nào thực sự là quyết định rất khó khăn cho nhà đầu tư.
Thêm vào đó, chúng ta cần hiểu rằng startup là một khái niệm khác với doanh nghiệp SMEs. Nhìn bên ngoài, có vẻ như startup đã thành lập doanh nghiệp và SMEs không có gì khác nhau về cả quy mô lẫn hoạt động. Nhưng về bản chất có thể so sánh như sau:
Giả sử chúng ta có 1 tỷ đồng đầu tư trong 10 năm và cho 2 lựa chọn:
Phương án A sẽ có 10% thành công tạo ra 200 tỷ đồng (lợi nhuận 200 lần) nhưng 90% thất bại (theo như thống kê của Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ thì đầu tư vào 10 startup thì chỉ được 1 thành công nhưng là thành công đột phá).
Phương án B sẽ có 90% thành công và tạo ra 2 tỷ đồng (lợi nhuận 1 lần) chỉ có 10% thất bại. Đa số các nhà đầu tư dùng lý trí để phán đoán sẽ chọn phương án B mặc dù giá trị cơ hội của phương án A lớn hơn B.
Một so sánh khác cho thấy SMEs truyền thống bắt đầu là một công ty gia đình, mang tính cục bộ, địa phương và gắn liền với lợi thế về địa lý, do đó thị trường và khách hàng tương đối được lựa chọn và hữu hạn. Còn startup công nghệ mang tính toàn cầu, không lệ thuộc lợi thế địa lý hay khu vực nên thị trường và khách hàng là một tập hợp lớn không giới hạn.
Doanh nghiệp SMEs gọi vốn thường để mở rộng kinh doanh hoặc sớm hơn là để bắt đầu kinh doanh. Tiền đầu tư được phục vụ cho việc mua máy móc thiết bị hoặc mua nguyên vật liệu để sản xuất ra thành phẩm đem bán hoặc nhập luôn thành phẩm để bán lấy chênh lệch.
Đặc thù của hoạt động này là máy móc thiết bị và món hàng được nhập về là tài sản và thường có giá trị được mua bán trên thị trường. Trong trường hợp xấu nhất. SMEs có thể bán lại các tài sản này để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư hoặc ngân hàng.
Đối với startup, nhất là startup ở giai đoạn vốn mồi tiền đầu tư thường được dùng để xây sản phẩm công nghệ. Tính chất sử dụng của nguồn vốn thực chất là chi phí trả cho nhân sự, marketing và bán hàng. Những chi phí này gần như 100% không có khả năng thu hồi nếu startup thất bại.
Theo bà Thạch Lê Anh, đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, những người dám làm dám chịu, dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm cái mới, chấp nhận thất bại để đạt được thành công đột phá. Ngay tại quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp gần như hoàn hảo là Mỹ người ta cũng tổng kết việc đầu tư mạo hiểm chỉ có thể thành công 10%, còn lại tất yếu là thất bại 90%.
“Do đó, việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào startup là vô cùng khó khăn, bởi chúng ta chưa quen với việc chấp nhận thất bại. Hay nói chính xác Việt Nam chưa có văn hóa đầu tư mạo hiểm”, bà Thạch Lê Anh nhận xét.