CNN nói Việt Nam làm được "điều kỳ diệu" với kết quả PISA

12/12/2016 21:23 PM | Xã hội

Sau khi kết quả PISA 2016 được công bố, CNN dành hẳn một chương trình nói về giáo dục Mỹ. Điều thú vị là họ nhắc tới Việt Nam như một điều kỳ diệu.

Kết quả PISA 2016 (PISA: Programme for International Student Assessment – Chương trình quốc tế đánh giá học sinh) đối với Việt Nam là một tin mừng dù thứ hạng có kém so với năm 2012, nhưng về tổng thể so với các nước phát triển, nền giáo dục cơ bản của nước ta vẫn đáng tự hào.

Tin mừng cho Việt Nam

Trang web chính thức của các nước phát triển OECD vừa công bố kết quả khảo sát, theo đó, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, 25 về Đọc hiểu và 21 về Toán trong số 72 nước tham gia.

Trong khi với Mỹ con số này là 25, 22 và 25, còn Vương quốc Anh có thứ hạng 17, 19 và 23. Singapore luôn ở vị trí số 1 trong tất cả các môn.

Vương quốc Anh và Mỹ là hai nơi có nhiều du sinh Việt Nam đang theo học, thì có điểm trung bình lại thấp hơn nước ta.

Việt Nam vượt Mỹ về Khoa học và Toán, thua chút chút về Đọc, hơn Anh quốc trong tất cả các môn. Tính trung bình OECD, Việt Nam có số cao hơn kể từ năm 2012.

Năm 2012, Việt Nam nằm trong top 20 trong 65 nước, Toán xếp thứ 17, Đọc hiểu xếp thứ 19 và tốt nhất chính là Khoa học, Việt Nam vươn lên nhóm 10 nước hàng đầu, xếp thứ 8. Như vậy, khoa học vẫn giữ nguyên, Toán và Đọc hiểu có kém đi.

Dù sao, đây là tin mừng cho nền giáo dục nước nhà. Điều này đúng với phần đông học sinh trung học Việt Nam sang Mỹ học để làm bước đệm vào đại học đều được đánh giá cao về Toán và các môn tự nhiên, phần giao tiếp cần phải học thêm nhiều.

Một điểm rất quan trọng là khả năng vượt khó (resilency) của học sinh Việt Nam đứng hàng top 5 hơn hẳn Mỹ và nhiều nước phát triển.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các vùng miền lại lớn (performance gap), Việt Nam bị xếp gần cuối bảng. Điều này dễ hiểu vì nông thôn và thành thị có sự khác biệt lớn về giáo dục.

Bạn có thể vào mục so sánh (Compare your country – chọn Việt Nam và một nước bất kỳ, ví dụ chọn Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước OECD) sẽ thấy kết quả của học sinh Việt Nam vượt trội trong cả ba môn trắc nghiệm.

Người Mỹ nghĩ gì?

Người Mỹ thấy kết quả yếu kém của học sinh mình đã phân tích rất kỹ. Chiều nay, CNN dành hẳn một chương trình nói về giáo dục Mỹ. Các nhà bình luận than phiền về trình độ Toán dưới trung bình, các môn còn lại cũng không vượt trội và mấy lần tham gia thì thứ hạng không thay đổi.

Điều thú vị là họ nhắc tới Việt Nam như một điều kỳ diệu, tiền của đổ cho một học sinh Mỹ lên tới 115.000USD/học sinh không bằng một quốc gia đang phát triển như Việt Nam với đầu tư chỉ khoảng 5000$.

Đối tượng của PISA

PISA (Programme for International Student Assessment – Chương trình quốc tế đánh giá học sinh) được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và các nước khác trên thế giới. Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần.

Đây là lần thứ 6 OECD làm điều tra và Việt Nam tham gia lần thứ 2. Khoảng 500 ngàn học sinh ở lứa tuổi 15 đại diện cho 28 triệu em cùng lứa trên toàn thế giới tham gia.

Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố tham gia PISA 2012, trừ vùng sâu, vùng xa như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Cạn và Cần Thơ.

Các câu hỏi trắc nghiệm in trên giấy và kéo dài hai tiếng. Có cả câu hỏi để tự do trả lời, dựa vào những tình huống trong thực tế.

Như nhiều lần tôi đã viết về khả năng học của thế hệ trẻ nước ta. Các cháu đã học phổ thông một thời gian ở Việt Nam, khi sang các trường ở Mỹ đều học giỏi, nhất là môn Toán. Các gia đình người Việt ở World Bank đưa con sang theo học đều rất khá và giỏi.

Các cháu mất thời gian đầu về rào cản ngoại ngữ khoảng 6 tháng, sau đó thường được trường và lớp coi là những học sinh xuất sắc. Các cháu có lợi thế biết hai ngôn ngữ Việt và Anh, rất thuận tiện cho một công dân toàn cầu trong tương lai.

Gia đình có điều kiện nên cho các cháu học học hết lớp 10 ở Việt Nam, sau đó cho sang Mỹ học hết Trung học, rồi vào Đại học. Đó là cách tốt nhất giữ được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ, con cái trưởng thành ở tầm toàn cầu.

Vài lời cuối

Tiềm năng khoa học kỹ thuật có đấy, nhưng làm thế nào để sử dụng và phát triển? Tại sao học sinh các nước OECD kém các nước ở Á Châu, nhưng khi ra trường họ thành những người khác hẳn?

Môi trường chính trị, xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế, liên quan chặt chẽ đến sự phát triển tài năng của thế hệ tương lai. Việt Nam có bao nhiêu thủ khoa Olympic bị phí hoài. Nếu ai đó phát triển được, cũng nương nhờ xứ người.

Giải Field toán Ngô Bảo Châu hay gần với Nobel Vật Lý Đàm Thanh Sơn lang bạt xứ người. Kể ra còn nhiều tài năng khác. Đó là niềm đau khôn nguôi của nhiều nhà khoa học có tâm huyết với đất nước.

Đào tạo ra người tài đã khó. Khó hơn là sử dụng họ cho đúng mục đích và xa hơn là để tài năng đơm hoa kết trái, phụng sự Tổ quốc mới là đích cuối vì lợi ích quốc gia luôn là tối thượng.

Quả bóng không nằm ở các nhà giáo dục mà trong chân của những nhà chính trị biết nhìn xa trông rộng. Thảm đỏ chưa đủ mà môi trường để dung dưỡng tài năng mới quyết định để chất xám có chảy máu hay không.

Tháng 12/2016.

Cùng chuyên mục
XEM