Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ "điệp viên" quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận

08/03/2021 08:52 AM | Sống

Nếu không có bà, nhiều thành tựu lớn của Trái đất sẽ không tồn tại. Nhưng bởi nơi làm việc là C.I.A, mọi đóng góp của bà đều phải giữ kín.

Phụ nữ trong lịch sử, có nhiều người mang đến thành tựu to lớn, nhưng lại chẳng được ai ghi nhận. Linda Zall là một người như vậy.

Tiến sĩ Linda Zall có vai trò rất lớn đối với nền khoa học Mỹ, tạo ra những bước tiến lớn của thập kỷ. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được chia sẻ những gì mình đã làm trên truyền hình, hay có bất kỳ cuốn sách nào viết về bản thân, cũng chẳng có danh hiệu lớn nào từ khoa học. Các đóng góp được ghi nhận của bà chỉ gói gọn trong 3 bản báo cáo, trong suốt hơn 20 năm qua.

Lý do là bởi, nơi Tiến sĩ Zall làm việc là khu vực tối mật của C.I.A - Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 1.

Giờ đây, ở tuổi 70, Tiến sĩ Zall mới bắt đầu kể lại câu chuyện của đời mình - những phần được phép chia sẻ. Bà khiến nhiều người thấy ngưỡng mộ, bởi đã đưa vào hệ thống vệ tinh do thám quốc gia một mục tiêu cao cả hơn: "Do thám" môi trường!

Sự vĩ đại không được thừa nhận

"Nó vui, thực sự rất vui," - Tiến sĩ Zall nói về sự nghiệp của mình tại C.I.A.

Chương trình của Tiến sĩ Zall được lập ra vào năm 1992, là một dạng máy lưu trữ thông tin từ những năm 1960, nhằm tạo ra một cơ sở mới để đánh giá tốc độ và phạm vi thay đổi của cả hành tinh. Chính nhờ chương trình này, hàng trăm bản báo cáo nghiên cứu đã ra đời - bao gồm cả những tài liệu tuyệt mật. Nó cung cấp những dữ liệu quý giá về những thay đổi của cả hành tinh, như tuyết rơi, bão tuyết, biển băng, và băng hà.

"Sẽ chẳng có những thứ đó nếu không có bà ấy," - Jeffrey K. Harris, Giám đốc Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO) và là đồng nghiệp của Zall chia sẻ.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 2.

Vệ tinh do thám Corona

"Bà ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời," - Michael B. McElroy, giáo sư môi trường tại ĐH Harvard cho biết. McElroy thuộc đội 70 nhà khoa học cấp cao do Zall tuyển dụng, và nằm trong số những người ngưỡng mộ bà nhất. "Bà ấy có năng lượng, lòng nhiệt huyết và khả năng giao thiệp tốt với mọi người, mà không đề cao cái tôi."

Những tấm ảnh tuyệt mật mà Tiến sĩ Zall sử dụng cho mục đích môi trường đến từ hệ thống vệ tinh do thám, với khả năng cho ra hình ảnh cực kỳ chất lượng, đến mức nhìn được cả biển số xe từ vũ trụ. Vệ tinh đầu tiên - Corona - được phóng vào năm 1960, theo sau là 50 tỉ USD được đầu tư vào hàng trăm vệ tinh kế nhiệm. Và những hình ảnh chất lượng cao này đã giúp các nhà môi trường học nhận ra rằng 2 cực của Trái đất đang nóng lên, trở thành tâm điểm chịu ảnh hưởng với các đợt băng tan nhanh.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 3.

Những hình ảnh về băng tan tại vùng cực năm 2009

"Nó cho phép chúng tôi lần đầu tiên có thể đo lường lượng băng thực tế, bao gồm cả lượng mất đi qua từng mùa," - trích lời James Baker, cựu chỉ huy NOAA (Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia) và từng làm việc cùng Tiến sĩ Zall.

Tiến sĩ Zall bắt đầu công việc là một nhà môi trường học cho C.I.A từ năm 1990. Khi đó, Phó Tổng thống Al Gore đã ngỏ ý hỏi xem liệu có thể sử dụng đội điệp viên cho vấn đề môi trường. Bà đã chú ý đến câu hỏi này, và nhanh chóng nhận ra tác dụng của hệ thống vệ tinh do thám.

Lẽ ra, Tiến sĩ Zall hoàn toàn phải được điền tên là đồng tác giả lên vô số các báo cáo nghiên cứu. Nhưng rất tiếc, khi bạn làm việc cho một cơ sở bí mật của C.I.A thì câu trả lời đơn giản là không.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 4.

Tiến sĩ Zall trong một hội nghị với chính phủ

Nữ điệp viên quan trọng nhất của Trái đất

Linda Susan Zall là con cả trong gia đình có ba con, có một thời thơ ấu hòa mình vào thiên nhiên tại vùng nông nghiệp gần hồ Finger. Bà theo cha chuyển đến New York vào giữa thập niên 1960. Đến năm 1976, bà tốt nghiệp ĐH Cornell với tấm bằng tiến sĩ môi trường, và được đánh giá rất cao.

Sau khi tốt nghiệp, giai đoạn 1975 - 1984 bà làm việc cho Tập đoàn Vệ tinh Trái đất tại Washington, sử dụng máy tính để cải thiện chất lượng hình ảnh của vệ tinh Landsat. Nhưng đến năm 1985, cái tên Linda Zall cũng biến mất trên bản đồ khoa học. Bà làm việc cho C.I.A, sử dụng những gì mình có để thu thập và cải thiện chất lượng hình ảnh cho vệ tinh do thám thế hệ mới, để phục vụ chiến tranh.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 5.

Tiến sĩ Zall năm 1973

Thế rồi sang thập niên 1990, Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự hiện diện của một hệ thống vệ tinh do thám bỗng trở nên hao tiền tốn của. Điều này có nghĩa, hệ thống này cần một mục tiêu khác. Sau bức thư của Phó Tổng thống, Zall đã viết một bản báo cáo tuyệt mật, mô tả lại những gì hệ thống này có thể làm cho môi trường toàn cầu. Hãng AP vào tháng 5/1992 có đăng tải một bài viết về câu chuyện này, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến Tiến sĩ Zall.

Tháng 10/1992, C.I.A đã rất tự tin vào khả năng sử dụng vệ tinh để giải quyết các bí ẩn về môi trường của Trái đất. Tiến sĩ Zall được giao trọng trách tuyển dụng thành viên cho dự án, chủ yếu nhắm đến các nhà khoa học hành tinh. 70 nhà khoa học hàng đầu được tuyển dụng, và nhóm được đặt tên là Medea.

Chuyện về người phụ nữ vĩ đại trong trụ sở bí mật của C.I.A: Nữ điệp viên quan trọng của cả Trái đất nhưng chẳng được ai ghi nhận - Ảnh 6.

Tiến sĩ Zall tại C.I.A năm 1993

Đây chính là tiền đề để năm 1995, Tổng thống Bill Clinton yêu cầu giải mã hơn 800.000 dữ liệu mật mà vệ tinh thu thập được từ năm 1962 -1972, để làm rõ những bí mật quân sự trong chiến tranh. Nhưng các hình ảnh có được không chỉ là căn cứ tên lửa quân sự, mà còn là những mảnh đất trơ trọi vì phá rừng, thậm chí cả một vùng biển trở nên khô cằn.

Nhóm Medea cũng tạo động lực để Hải Quân Mỹ phải công bố các thông tin mật thu được về đáy biển. Đến cuối năm 1995, một bản đồ mới về đáy biển được công bố, lần đầu tiên cho thấy được sự hiện diện của các khe nứt và núi lửa ở đó.

"Đây là tấm bản đồ đầu tiên và toàn diện nhất về đáy biển toàn cầu," - trích lời John A. Orcutt từ Viện Hải dương học Scripps ở San Diego (Mỹ). Một bước ngoặt lớn, trở thành nguồn gốc cho các hình ảnh chi tiết mà chúng ta thấy ở Google Earth ngày nay.

Thập niên 2000, nhóm Medea ít được quan tâm hơn và trở nên lặng lẽ dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush. Dẫu vậy đến cuối năm 2008, Tổng thống Obama đã giúp mọi chuyện sôi động trở lại.

Lúc này, Tiến sĩ Zall tập trung vào nghiên cứu những thay đổi về môi trường Trái đất có khả năng dẫn đến khủng hoảng. Cuối năm 2019, C.I.A lập ra Trung tâm Biến đổi Khí hậu và An ninh Quốc gia, với mục tiêu giúp các nhà chính sách hiểu rõ hơn tác hại của lũ lụt, nước biển dâng, bùng nổ dân số... Các bản báo cáo dựa rất nhiều vào dữ liệu do Tiến sĩ Zall cung cấp, nhưng bà vẫn chẳng được nhắc tên.

Năm 2013, Tiến sĩ Zall nghỉ hưu, và kể từ đó Medea không còn như trước. Cơ quan này chính thức giải thể vào năm 2015, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dẫu vậy, nhiều thành viên của Medea tin rằng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ tái lập một nhóm tương tự, để trực tiếp hướng đến các vấn đề liên quan đến môi trường.

Nguồn: NY Times

J.D

Cùng chuyên mục
XEM