CEO Kova Trading nói về “bẫy” trong các DN gia đình: Giao việc không theo năng lực mà theo chữ "tiện", ai tiện gì thì giao nấy, giao người nhà tiện hơn người ngoài vì "dễ bảo" và "dễ xử"
Founder đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Sơn Kova là PGS. TS Nguyễn Thị Hòe. Gia đình bà Hòe vốn "đông con nhiều cháu". Nguyễn Duy - cháu ngoại bà Hòe chia sẻ anh có tới 11 anh chị em, nhưng lại là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào chuyện kinh doanh của gia đình, bởi "những người khác không tìm được sự kết nối trong công ty"…
"Tôi chỉ mang lại cho Kova những sản phẩm tốt nhất mang thương hiệu Việt, còn điều hành công ty và sản xuất đã có con, nhất là cháu trai Nguyễn Duy, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh cũng tham gia điều hành Kova", PGS. TS Nguyễn Thị Hòe - Founder đồng thời là Chủ tịch HĐQT từng chia sẻ trên trang Doanh nhân Sài Gòn.
Thị phần sơn Việt Nam chủ đạo rơi vào tay các hãng sơn uy tín, thương hiệu, chất lượng cao và ổn định như UTU, Kova, Dulux, Jotun, Mykolor… Kova là hãng sơn duy nhất của Việt Nam giữa những cái tên ngoại.
Nguyễn Duy - cháu ngoại bà Hòe, sinh năm 1989, hiện giữ cương vị Tổng Giám đốc Kova Trading - cánh tay thương mại nối dài của Tập đoàn Sơn Kova. Kova Trading được Duy thành lập và giữ cương vị Giám đốc điều hành ở độ tuổi 25, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Aston Business School (Anh) - đơn vị được gia đình, đặc biệt là "bà ngoại" Nguyễn Thị Hòe định hướng gánh vác sứ mệnh kinh doanh của gia đình.
"Chủ tịch hay kêu "gọi bà tao nghe già lắm", nên ở công ty tôi kêu bà là "cô""
Dưới đây là những trao đổi giữa GS. Annie Koh, Phó Chủ tịch Ban Phát triển Kinh doanh & Giám đốc Học thuật Học viện Quản trị Doanh nghiệp Gia đình, Đại học Quản lý Singapore với "hậu duệ" của Sơn Kova.
* GS. Annie Koh: Duy làm việc trong doanh nghiệp gia đình bao lâu rồi?
Nguyễn Duy - Tổng Giám đốc Kova Trading: Tôi làm trong doanh nghiệp của gia đình mình được 8 năm.
Nguyễn Duy - Tổng Giám đốc Kova Trading.
* Sau khi tốt nghiệp, bạn có làm việc cho doanh nghiệp nào khác trước khi về với Kova hay không?
Không.
* Gia đình bạn có đông không? Bạn có bao nhiêu anh chị em?
Trong gia đình, bà ngoại - là Founder của Sơn Kova - có rất nhiều con cháu, nhưng Duy là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào câu chuyện kinh doanh của gia đình. Tôi có 11 anh chị em.
* Việt Nam các bạn sinh nở thật năng suất. Bạn có phải con cả không?
Không.
* Tại sao những người khác không tham gia công ty gia đình?
Thực ra có một vài anh chị về cũng làm cùng gia đình nhưng họ không tìm được sự kết nối, nên họ lựa chọn cách đi khác.
* Vì sao vừa tốt nghiệp nước ngoài về, chưa từng làm việc ở bất kỳ công ty nào, bạn đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình?
Thực ra lúc đấy tôi nghĩ đơn giản lắm. Tôi cảm nhận được khó khăn của gia đình, tôi thương mọi người vất vả nên chỉ muốn bắt tay vào làm cùng thôi. Lúc ấy nhận thức của tôi còn non lắm, còn chưa hiểu được mình đã được thấm nhuần những giá trị cốt lõi của gia đình, giá trị cốt lõi của thương hiệu, đã được thấm nhuần sứ mệnh của câu chuyện gia đình… Chỉ đơn giản là vì thương ba mẹ, thương bà nên muốn làm thôi.
PGS. TS Nguyễn Thị Hòe - Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova, cũng là bà ngoại của Nguyễn Duy.
* Tham gia vào công ty thì những công việc bạn làm ban đầu là gì?
Ngay từ lúc đầu mình vô công việc chỉ đơn giản với vai trò là "một thành viên có thể làm tất cả mọi việc trong công ty", không nhất thiết phải có vị trí gì. Tôi sẵn sàng lăn xả vào công việc để có thể trải nghiệm được nó. Sau này trưởng thành chút xíu thì học được một cách là: Dù làm công việc rất thấp trong công ty mình vẫn luôn giữ câu hỏi, góc nhìn của người lãnh đạo, rằng thế mạnh thế yếu của từng thành viên trong gia đình là gì? Họ ở đâu sẽ là phù hợp nhất trong bức tranh gia đình này?
Việc Hành động của mình ở vai trò thành viên và giữ Góc nhìn của mình ở vai trò lãnh đạo sẽ giúp cho mình cực kỳ sáng tỏ trong khó khăn hay khi phải đưa ra quyết định.
* Trong doanh nghiệp gia đình, bạn gọi bà, bố mẹ thế nào trong cuộc họp công ty?
Thường bà ngoại cấm ra ngoài làm việc thì gọi bằng bà, vì "mày gọi bà tao nghe già lắm". Đấy cũng là nỗi sợ của các lãnh đạo gia đình. Họ sợ họ già không tham gia được (bà Hòe đã ngoài 70 tuổi - PV).
Bà yêu cầu phải gọi bằng "Cô".
* Tôi thích người bà này…
Vì là giáo sư trong trường Đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, cho nên Cô coi tất cả thành viên trong công ty gia đình như học trò.
Đó là trong công việc, còn ở nhà thì Duy gọi bằng Chị, để cô có cảm giác cô còn trẻ hơn nữa. Còn "ba mẹ" Duy vẫn gọi là ba mẹ.
Bẫy của doanh nghiệp gia đình: Giao việc không theo năng lực mà theo chữ "tiện", ai tiện gì thì giao nấy, giao người nhà tiện hơn người ngoài vì "dễ bảo" và "dễ xử"
Ảnh: Saultonline.
* Trong doanh nghiệp gia đình, thế hệ kế cận nên là người trong gia đình, hay có thể là người ngoài gia đình?
Tôi phát hiện một trong những cản trở trong công ty gia đình về việc chuyển giao thế hệ, hay việc có nên mời người ngoài vào lãnh đạo, xuất phát từ một tập quán của chúng ta khi làm kinh doanh: Chúng ta thường rất ít khi viết xuống những thứ chúng ta làm, mà thường những gì viết xuống rồi thì rất ít khi chúng ta làm theo.
Thường doanh nghiệp gia đình thích giao việc cho "người nhà" vì "tiện" hơn người ngoài. Một là dễ bảo, hai là có xung đột xảy ra thì dễ xử
Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp gia đình của chúng ta có Slide 1 - một bản tóm lược tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, mục tiêu rõ ràng khi vận hành doanh nghiệp? Việc thiếu đi Slide 1 sẽ cản trở chúng ta trong việc truyền tải niềm đam mê, tầm nhìn xuống cho thế hệ kế tiếp, và ngay cả cho người ngoài.
Cản trở thứ 2 là không viết ra được vai trò, trách nhiệm của từng vị trí để làm sao doanh nghiệp có thể đi xa hơn. Chúng ta thường rơi vào một cái bẫy: Không giao việc theo chức năng nhiệm vụ, theo năng lực mà giao việc theo "tiện", cảm giác "ai tiện việc gì thì giao việc nấy". Và thường thành viên trong gia đình sẽ "tiện" hơn người ngoài vì một là dễ bảo, hai là có xung đột xảy ra thì dễ xử.
* Bạn phụ trách mảng Trading, tầm nhìn của bạn với lĩnh vực này như thế nào?
Khi về và tham gia vào câu chuyện gia đình, mình tự hỏi câu chuyện thương hiệu Kova sẽ đi về đâu. Giá trị thương hiệu này mang lại cho xã hội là gì? Và điều gì có thể giúp nó đi xa hơn? Mình nhận ra một con đường, là thông qua con đường trách nhiệm xã hội. Chính bằng câu chuyện sản phẩm mang đến cho xã hội, mang đến cho người tiêu dùng không còn là câu chuyện tiền lãi bao nhiêu nữa mà là giá trị tôi mang lại cho công dân Việt Nam, những người sử dụng là gì? Tôi làm gì cho xã hội?
Con đường đi theo trách nhiệm xã hội còn giúp kết nối các thành viên trong gia đình rất tuyệt vời. Rất may mắn ngoài hoạt động xã hội, Kova còn hỗ trợ Startup Vietnam Foundation (SVF) - một quỹ phi lợi nhuận hỗ trợ cho khởi nghiệp Việt Nam. Đấy là con đường đầu tư cho tương lai của đất nước thông qua trách nhiệm xã hội, vừa truyền cảm hứng, hỗ trợ tài chính, tham gia chia sẻ kinh nghiệm...
Nhưng điều tuyệt vời hơn là thông qua platform này lại tạo ra nguồn cảm hứng sáng tạo, cũng như các chuyên gia quay về hỗ trợ Kova, hòa mình với các thành viên gia đình Kova, mở ra cánh cửa đi xa hơn rất nhiều.
Nội dung bài viết được ghi lại từ Tọa đàm Thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ lãnh đạo của doanh nghiệp gia đình, trong khuôn khổ sự kiện "Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới". Sự kiện do Tập đoàn Mentally Fit Global (MFG) cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Học viện I.Value (IVA) đồng tổ chức.