Chuyện tình xuyên thế kỷ của cặp vợ chồng Việt Nam - Triều Tiên, đã từng làm chính phủ Triều Tiên cảm động đến mức “phá lệ”, cho phép họ chính thức kết hôn
Bức ảnh đen trắng được chụp cách đây 31 năm. Đó là hình ảnh một cặp đôi trẻ đang nhìn chăm chú về phía camera nhưng vẫn không che giấu được nét lo lắng trên khuôn mặt. Người thanh niên trong ảnh, một du học sinh Việt, đã tìm thấy tình yêu của đời mình. Nhưng rất tiếc, cô gái bị cấm đáp lại tình cảm ấy.
Cụ ông Phạm Ngọc Cảnh, nay đã 69 tuổi, chụp bức ảnh trên cùng vợ ông, bà Ri Yong Hui, bằng máy ảnh tự động vào mùa xuân năm 1971. Thời điểm đó, ngay cả bản thân họ cũng chẳng thể ngờ được rằng sẽ có một ngày họ được phép đến với nhau, hoàn toàn tự do và chính đáng.
"Giây phút tôi nhìn thấy anh ấy, tôi đã rất buồn bởi tôi cảm nhận được tình yêu này chẳng bao giờ thành sự thật được đâu", người phụ nữ 70 tuổi chia sẻ với Reuters trong căn hộ tại thủ đô Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui cầm bức ảnh đầu tiên của hai người chụp chung vào mùa xuân năm 1971 tại căn hộ của họ ở Hà Nội. Ảnh: Reuters.
Theo dòng hồi ức của họ, năm 1967, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn ác liệt, Cảnh là một trong số 200 sinh viên Việt Nam được gửi đến Bắc Triều Tiên để học tập các kiến thức và kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho quá trình kiến thiết đất nước sau này, khi cuộc chiến kết thúc.
Trong thời gian theo đuổi lĩnh vực kỹ sư hóa học tại một nhà máy phân bón ở bờ biển phía đông Triều Tiên, một lần Cảnh bất ngờ nhìn thấy Ri đang làm việc trong phòng thí nghiệm. Thời điểm ấy, cái gọi là "tình yêu sét đánh" đã đến với hai con người mang hai quốc tịch khác nhau.
"Tôi tự nói với bản thân rằng ‘Mình phải lấy cô gái này làm vợ'".
Vậy là chàng thanh niên Việt Nam thu hết can đảm tiếp cận cô gái Triều Tiên để hỏi xin địa chỉ nhà cô. Còn phía Ri, trước đó, những người bạn đã kể với cô về câu chuyện một thanh niên Việt Nam làm việc tại nhà máy trông giống cô đến bất ngờ. Và cô đã rất tò mò về người thanh niên ấy.
"Ngay khi tôi nhìn thấy Cảnh, tôi biết đó đúng là anh ấy rồi. Anh ấy trông phong độ lắm", cô gái Ri ngày đó, là cụ Ri bây giờ, kể lại với phóng viên Reuters.
"Dù tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người đàn ông bảnh bao trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ có cảm xúc như vậy. Chỉ với Cảnh, trái tim tôi tan chảy".
Nhưng không đơn giản như những giây phút đầu, chuyện tình yêu của hai người là một hành trình dài đi kèm thử thách và trắc trở. Bởi ngay tại Việt Nam thời đó hay là Triều Tiên ngày nay, nảy sinh tình cảm với một công dân ngoại quốc là điều hoàn toàn cấm kỵ.
Tình yêu lặng thầm
Ảnh: Lao Động.
Sau một thời gian trao đổi thư từ, Ri đồng ý cho Cảnh đến thăm nhà cô. Nhưng anh phải hành động hoàn toàn cẩn thận bởi đã từng có trường hợp một đồng chí Việt Nam bị tấn công vì qua lại với con gái Triều Tiên.
Mỗi lần như vậy, Cảnh sẽ mặc quần áo giống người Triều Tiên, ngồi xe buýt 3 tiếng đồng hồ sau đó đi bộ thêm 2km mới đến được nhà Ri. Những chuyến đi được thực hiện đều đặn mỗi tháng một lần.
"Tôi phải đến thăm cô ấy theo kiểu bí mật, giống như đánh du kích ấy".
Chỉ có điều những chuyến đi ấy cũng đến lúc chấm dứt vào năm 1973, khi Cảnh trở về Việt Nam. Chuyện tình của họ tưởng sẽ rơi vào quên lãng thì 5 năm sau, vào 1978, viện nghiên cứu nơi Cảnh làm việc cần cử người sang Triều Tiên.
Chành thanh niên gần 30 tuổi xung phong tham gia, và may mắn gặp lại Ri. Tình yêu giữa họ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Nhưng với Ri, mỗi lần gặp nhau là một lần sợ hãi bởi suy nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng họ gặp được nhau.
Nỗi sợ hãi càng trở nên lớn hơn khi giai đoạn sau này, những khác biệt trong quan điểm chính trị của 2 quốc gia khiến Cảnh và Ri không thể viết thư cho nhau, chứ chưa nói gì đến chuyện gặp gỡ.
Có lẽ số phận vẫn chiếu cố đến 2 người nên năm 1992, Phạm Ngọc Cảnh, khi ấy đã 42 tuổi, một lần nữa được sang Triều Tiên trong vai trò phiên dịch cho một đoàn thể thao Việt Nam. Ông không gặp được bà Ri. Nhưng khi trở về Hà Nội, ông bất ngờ nhận được thư của bà.
Trong thư, bà nói rằng vẫn yêu ông sâu đậm.
Cái kết có hậu cho mối tình xuyên biên giới
Những năm 1990, Triều Tiên trải qua nạn đói khủng khiếp trong lịch sử. Quá lo lắng cho Ri và gia đình của bà, ông Cảnh chạy vạy, quyên góp từ bạn bè được 7 tấn gạo rồi lại tìm mọi cách gửi sang Triều Tiên.
Ảnh: Lao Động.
Hành động hào phóng này hóa ra lại là chiếc chìa khóa mở ra con đường đoàn viên cho cả hai người. Cảm động trước nghĩa cử của ông Cảnh, chính phủ Triều Tiên đồng ý cho họ kết hôn và tự lựa chọn địa điểm định cư, miễn là bà Ri vẫn duy trì quốc tịch Triều Tiên.
Năm 2002, cặp đôi chính thức kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Bình Nhưỡng, sau đó chuyển về định cư tại Hà Nội.
Tính đến nay, họ đã có hơn 30 năm yêu nhau và 17 năm làm vợ chồng. Dù phải hy sinh cả tuổi trẻ, lại không có con cái nhưng ông Cảnh vẫn vui vẻ chấp nhận vì cho rằng đó là cái giá xứng đáng để cả hai người được về chung một mái nhà.
"Cuối cùng thì, tình yêu sẽ chiến thắng tất cả", ông khẳng định.