[Chuyện thất bại] Tỷ phú giàu thứ 2 thế giới: Cảm giác thất bại giống như "lấy tủy răng mà không gây tê"

05/08/2017 09:01 AM | Kinh doanh

“Cỗ máy hủy diệt” Amazon không phải lúc nào cũng là người chiến thắng. Thậm chí, nhà sáng lập Bezos còn là một “fan” lớn của thất bại.

LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.

NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp và cuộc sống.

Kỳ 18. CEO Amazon: Cảm giác thất bại giống như "lấy tủy răng mà không gây tê"

Những ngày vừa qua, cái tên Jeff Bezos được mọi người nhắc đến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, ông chủ của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon vượt qua nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu nhất hành tinh. Và cho dù khoảnh khắc huy hoàng đó không kéo dài lâu nhưng đây vẫn là thành tích rất đáng tự hào của Bezos. Thậm chí, không ít chuyên gia còn dự đoán doanh nhân 53 tuổi này có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển Amazon, Bezos đã biến một website bán sách trở thành tập đoàn có giá trị gần 500 tỷ USD, gấp đôi đối thủ Walmart. Amazon hiện là cái tên khiến nhiều ông lớn ngành bán lẻ cả trực tuyến và truyền thống “khiếp sợ”, trong khi những ngành công nghiệp khác cũng đang phải dè chừng.

Thế nhưng, “cỗ máy hủy diệt” Amazon không phải lúc nào cũng là người chiến thắng. Thậm chí, nhà sáng lập Bezos còn là một “fan” lớn của thất bại. Ông tin rằng những thí nghiệm thất bại là “điều tồi tệ” cần thiết để tạo ra những phát minh thành công. Với Bezos, thất bại và phát minh là “cặp song sinh không thể tách rời”.

“Để đưa ra một phát minh bạn cần trải qua nhiều thử nghiệm. Nếu ngay từ đầu bạn đã biết ý tưởng đó hiệu quả thì nó không gọi là thử nghiệm. Hầu hết các tổ chức lớn đều đánh giá cao những ý tưởng sáng chế, nhưng lại không sẵn sàng chịu đựng những cuộc thử nghiệm thất bại để đưa ý tưởng thành hiện thực”, người đứng đầu gã khổng lồ về thương mại điện tử viết trong một lá thư gửi các cổ đông.

Cùng với Amazon, Bezos đã trải qua không phải một mà vô số thất bại. Trong đó có thể kể đến trang web đặt phòng khách sạn Amazon Destinations, trang web đấu giá Amazon Auctions và đặc biệt là smartphone mang tên Fire Phone.

Ra mắt vào tháng 6/2014, chiếc điện thoại này được Amazon đặt nhiều tham vọng cùng sự chờ đón của đông đảo những người yêu công nghệ. Đáng tiếc, Fire Phone nhanh chóng trở thành một thất bại mang tính lịch sử khi không đạt doanh số như mong đợi, nếu không muốn nói là ế nặng nề. Công ty phải ghi nhận khoản thua lỗ lên tới 170 triệu USD dựa theo báo cáo tài chính cuối năm 2014.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của Fire Phone, trong đó bao gồm chiến lược định giá. Điện thoại do Amazon sản xuất được đặt ở vị thế cạnh tranh với iPhone của Apple cũng như các smartphone cao cấp khác của Samsung khi mà người tiêu dùng vẫn chưa tìm ra được điểm nổi trội và khác biệt.

Cũng có ý kiến cho rằng, Fire Phone không thành công bởi nó được tạo ra cho Jeff Bezos, chứ không phải là cho khách hàng. Bezos giống như “giám đốc sản phẩm” của Fire Phone, đưa ra mọi quyết định liên quan đến sản phẩm ngay cả những điều nhỏ nhất.

Fire Phone được coi là thất bại lịch sử của Jeff Bezos và Amazon

Với Bezos, chẳng có thử nghiệm nào thất bại mà vui vẻ cả. Ông từng chia sẻ, “Tôi đã mất hàng tỷ USD vì thất bại tại Amazon”. Bezos cũng hài hước nói rằng cái cảm giác thất bại giống như “việc lấy tủy răng mà không gây tê”.

"Nếu bạn nghĩ rằng Fire Phone là một thất bại lớn của Amazon, thì chúng tôi còn đang hướng đến những thất bại còn lớn hơn. Đây không phải là một câu nói đùa. Một vài trong số chúng thậm chí sẽ khiến vụ thất bại của Fire Phone trở thành một đốm sáng nhỏ bé”, Bezos phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post.

Theo CEO Amazon, kích thước của sai lầm phải được gia tăng theo thời gian. Nếu nó không được như vậy, bạn sẽ không thể đưa ra một ý tưởng đột phá để thay đổi vị thế của công ty.

"Điều tuyệt vời nhất trong phương pháp này đó là chỉ có một số lượng nhỏ những kẻ chiến thắng sau khi thất bại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Khi nhìn lại những thành quả trong cuộc đời, chúng ta có thể thấy rất nhiều rủi ro được vượt qua, sự kiên trì, can đảm. Điều này đúng với mọi mô hình và mọi cấp độ. Bạn phải liều lĩnh để đón nhận thất bại, vì khi thất bại, chúng ta sẽ học một điều gì đó để tiếp bước cho thành công trong tương lai", ông nói.

Bên cạnh đó, "ông vua" ngành bán lẻ trực tuyến còn có một sở thích “lạ lùng” là tuyển dụng những người từng thất bại trong đúng ngành kinh doanh mà ông chuẩn bị tham gia. Việc chiêu mộ cựu giám đốc điều hành của Webvan là một ví dụ điển hình.

Webvan là công ty cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến và hoạt động trong những năm đầu của thời kỳ bong bóng dot-com. Công ty từng huy động 375 triệu USD tiền vốn, mở rộng tới 26 thành phố, ký hợp đồng 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống nhà kho công nghệ cao nhưng cuối cùng vẫn thất bại thảm hại.

Khi ra mắt dịch vụ giao hàng thực phẩm tươi sống Amazon Fresh, Bezos đã chọn chính nhà lãnh đạo cũ của Webvan để điều hành dự án. Ông tin rằng khi trải qua những thất bại lớn, họ sẽ hiểu ra điều gì là đúng và nên làm.

Xuất phát từ Bezos, tinh thần dám thất bại đã lan tỏa đến các nhân viên và trở thành văn hóa doanh nghiệp của công ty. Đó cũng chính là một trong những bí quyết giúp Amazon thành công như hiện nay.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM