Chuyện ông Thắng “bao đồng”

17/08/2022 08:49 AM | Sống

Hơn 16 năm qua, 1 người đàn ông ở Đà Nẵng đã tặng quan tài miễn phí, hỗ trợ lo hậu sự cho cả trăm người khốn khó. Ông lão “bao đồng” này còn mang mảnh đất dưỡng già 275 m2 của mình làm nghĩa trang chôn cất 66 mảnh đời bất hạnh.

Chuyện ông Thắng 16 năm "đeo ách giữa đàng"
Chuyện ông Thắng 16 năm "đeo ách giữa đàng"

Đó là ông Nguyễn Xuân Thắng (66 tuổi, ngụ khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - người được bà con nơi đây thường gọi với cái tên trìu mến "ông lão nghĩa hiệp". Bởi, vốn làm nghề dịch vụ mai táng nhưng hễ ai đến mua hòm mà kể gia cảnh khó khăn là ông… tặng luôn. Còn những người xấu số chết sông, chết biển, tai nạn... chưa hoặc không có người thân đến nhận, ông sẵn sàng đưa về nhà tẩm liệm, mai táng tươm tất tại mảnh đất dưỡng già của mình.

"Quỹ quan tài" trả ơn cuộc đời

Sau nhiều lần lỡ hẹn vì ông Thắng bận đi "công tác" với cái nghề chẳng bao giờ được cười với khách, cuối cùng tôi cũng được "diện kiến" ông lão "bao đồng" này vào một ngày mưa giữa tháng 8. Trong căn nhà tình nghĩa cũ kỹ, lợp tôn chắp vá, bằng chất giọng hào sảng, ông Thắng bồi hồi kể về cái nghiệp lo hậu sự cho người dưng của mình.

Những năm 1990, gia cảnh khó khăn nên cả nhà ông Thắng phải lên Tây Nguyên lập nghiệp. Tha hương cầu thực hơn chục năm nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn bám riết. Năm 1999, ông Thắng dắt díu vợ con về lại quê Đà Nẵng mưu sinh với đủ thứ nghề, trong đó có cả việc bốc hài cốt.

"Lúc mới làm nghề 'phục vụ' người chết này tôi cũng sợ lắm, nhưng bụng đói thì đầu gối phải bò, riết rồi thành quen và bén duyên với nó từ lúc nào không hay luôn", ông Thắng cười nói.

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, người lập ra "quỹ quan tài" để hỗ trợ hòm miễn phí cho những người chết có hoàn cảnh khó khăn

Hồi đó, nhà ông Thắng nghèo lắm, 2 vợ chồng là "thợ đụng", lại nuôi 6 đứa con, nên cái ăn cái mặc luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2005, ông Thắng được nhà nước hỗ trợ tiền để xây lại căn nhà cho có nơi đàng hoàng sinh sống. Từ đó, ông tận dụng căn nhà tình nghĩa này để mở cơ sở dịch vụ mai táng. Cuộc sống cũng dần đỡ vất vả hơn...

Thấm thía cảnh cơ hàn, khổ cực của dân lao động nghèo, lại thêm nhiều lần chứng kiến những người neo đơn, nghèo khó "ra đi" mà không có chiếc hòm để khâm liệm tử tế, ông Thắng đã phát tâm lập ra "quỹ quan tài".

"Cũng một kiếp người nhưng thấy nhiều số phận bi đát quá, nên tôi quyết định trích phần lớn lợi nhuận từ nghề mai táng để hỗ trợ hòm miễn phí cho họ. Nghĩa tử là nghĩa tận; khi mình khó khăn xã hội giúp mình được, giờ mình giúp lại người khác được gì thì làm thôi, xem như để trả ơn cuộc đời", ông Thắng bộc bạch.

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 2.

Gặp người nghèo qua đời, ông Thắng liền mang chiếc quan tài hơn chục triệu đồng đến hỗ trợ miễn phí

Hôm tôi đến, đúng lúc ông Thắng đang cùng một số "chiến hữu" trong hội từ thiện địa phương bàn tính chuyện lo đám tang cho một người nghèo vừa mất. Ông Nguyễn Đức Phẩm (72 tuổi) - Đại diện Hội người cao tuổi khối Khánh Sơn, kiêm Tổ trưởng tổ 34, phường Hoà Khánh Nam, cho biết: "Trên đời này hiếm có người như chú Thắng lắm. Làm cái nghề mai táng này, người ta kỵ nhất là làm cho những đám chết ngoài biển vì sau này… khó lấy tiền. Nhưng chú Thắng thì ngược lại. Nhiều lần tôi chứng kiến những người chết không tìm được thân nhân hoặc gia đình không kịp đến nhận, thì chú ấy lại đưa về nhà mình để khâm liệm".

Nhấp chén trà đang uống dở, ông Phẩm kể, một buổi chiều năm 2006, có thi thể nam thanh niên dạt vào bờ biển quận Liên Chiểu, trên người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Sau khi khám nghiệm pháp y xong, cơ quan chức năng đã gọi cho mấy dịch vụ mai táng nhưng vì chưa tìm được thân nhân nên không một cơ sở nào nhận lo chôn cất.

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 3.

Ông Thắng cùng những người bạn hoạt động chung trong hội từ thiện địa phương

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 4.

Mỗi đám tang, ông Thắng đều hỗ trợ 1 xe tang và 1 ông tổng miễn phí. Đồng thời, xác minh nếu gia cảnh người mất khó khăn thật thì sẽ tặng họ thêm chiếc quan tài

Trời chạng vạng tối, tin đến tai ông Thắng. Mặc kệ trời đang mưa tầm tã, ông điện ngay cho gần chục anh em, tức tốc khiêng chiếc quan tài hơn 13 triệu đồng chạy nhanh đến hiện trường. Tất tả lo hậu sự cho nạn nhân xấu số xong xuôi, mọi người về đến nhà đã 11 giờ khuya, ai nấy đều ướt đẫm. Cái nghiệp chôn cất người dưng vận vào người ông Thắng cũng từ ngày đó!

Đang lúi húi chuẩn bị áo quan bằng gỗ để ông Thắng mang tặng, nghe nhắc đến việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của chồng, bà Huỳnh Thị Sanh (69 tuổi) cũng góp chuyện: "Hồi đó, đang ngồi ăn cơm với vợ con, nghe tin báo ngoài biển có xác chết là ổng liền kêu anh em vác cỗ quan chạy ra để tẩm liệm. Đó là lần đầu tiên ổng miễn phí hòm cho người ta. Tôi vẫn còn nhớ như in, đám tang đó hết tổng 18,5 triệu đồng. Nhưng sau này khi có người nhà đến nhận, ổng chỉ xin lại 5 triệu đồng để trả nhân công thôi. Biết tâm nguyện của chồng muốn giúp người quá cố nên tôi cũng ủng hộ. Hi vọng ông ấy luôn khỏe mạnh, có thể lo cho nhiều hoàn cảnh khốn khó, bất hạnh là tôi mừng rồi".

Hơn 17 năm theo cái nghiệp "đeo ách giữa đàng", ông Thắng đã lo hậu sự chu tất cho cả trăm người khó. Đến giờ, ông cũng không thể nhớ hết đã tặng bao nhiêu quan tài và cho những ai, đến từ phương nào. Hễ cứ thấy người chết nào khó khăn, không quản ngày đêm, mưa gió, ông lập tức khiêng cỗ quan đến hỗ trợ. Nhiều trường hợp, khi tới đám tang quá nghèo, ông rút ngay tiền "tạm ứng" để gia đình đi chợ trước. Khi xong đám, gia chủ trả tiền, thấy thương, ông lại cho ít tiền…

Chị Trần Thị Quỳnh (22 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu), con gái của một người quá cố được ông Thắng hỗ trợ quan tài miễn phí xúc động bày tỏ: "Chú Thắng là ân nhân của gia đình em. Lúc cha mất, nhà em nghèo quá, may nhờ chú Thắng hỗ trợ mà tang sự của cha em được chu toàn. Em chẳng biết làm sao để báo đáp, chỉ biết cảm ơn tấm lòng nhân ái của chú ấy".

Lấy đất dưỡng già chôn cất người dưng

Thấy ông Thắng hay "lo chuyện thiên hạ", nhiều người nghĩ ông giàu lắm nên chăm làm việc thiện để có tiếng thơm. Nhưng mấy ai biết dù là chủ của một dịch vụ tang lễ với hàng chục nhân công, tuy nhiên hiện vợ chồng ông vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa xập xệ.

Việc có tiền dư trong túi đối với ông lão nghĩa hiệp này là hiếm, nhiều lắm chỉ vài trăm ngàn để phòng đổ xăng, hút thuốc, có hôm còn vài chục bạc đi đường gặp người nào thương hại là ông cũng móc túi cho luôn.

Tôi hỏi ông kinh doanh vậy không sợ lỗ hả, ông Thắng cười xòa: "Lỗ chi lỗ, lấy đám bình thường bù đám khó. Tôi lời ít lắm, đủ trả cho nhân công thôi. Con cái giờ trưởng thành hết, 2 vợ chồng tôi cũng già rồi, giờ đâu cần gì nhiều, tới bữa ăn lưng chén cơm, quần áo mặc vài ba bộ đổi qua đổi lại là đủ, chứ tiền nhiều chết cũng có mang theo được đâu".

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 5.

Gia đình ông Thắng hiện vẫn sống trong ngôi nhà đại đoàn kết do Nhà nước hỗ trợ. Phía trước nhà được ông dành một khoảng rộng để đặt 5 - 6 chiếc quan tài

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 6.

Những việc làm tình nghĩa, nhân văn của ông Nguyễn Xuân Thắng đã nhận được sự khen thưởng từ ngành chức năng

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 7.

Ngoài việc hỗ trợ lo ma chay, mồ mả cho người chết, ông Thắng còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện của địa phương

Ở hiền gặp lành, năm 2013, ông Thắng may mắn trúng vé số được gần 400 triệu đồng. Sau đó, ông liền trích một khoản ra sửa lại căn nhà đang dột nát, một phần ông mua 275m2 đất ở ngoại ô thành phố chờ dưỡng già còn bao nhiêu ông dốc hết làm từ thiện, giúp người hoạn nạn, mua gạo phát cho bá tánh,…

"Vợ chồng tôi mưu sinh bằng dịch vụ mai táng, dù không giàu nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn rất nhiều so với những người nghèo. Trúng số là lộc trời ban, nên mình phải san sẻ bớt chứ giữ cho riêng mình thì cũng không tồn tại được...", ông Thắng tâm sự.

Tỉ mẫn dở cuốn sổ ghi chép các hoàn cảnh đã hỗ trợ cho tôi xem, ông Thắng bồi hồi nhớ lại, một ngày đầu năm 2014, ông Thắng nhận điện thoại đến làm đám ma cho một cậu thanh niên vừa tự tử, mà nhà nghèo đến mức không tiền mua đất để chôn. Thương xót quá, ông nghĩ ngay đến mảnh đất mình mới mua. Thế là, thi hài cậu thanh niên ấy là người đầu tiên được ông Thắng "đón" về an táng tại đây. Xong đám tang, ông cũng không lấy một đồng thù lao nào.

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 8.

Dần dà, 9 năm trôi qua, giờ đây mảnh đất dưỡng già của vợ chồng ông Thắng đã trở thành... nghĩa địa, chôn cất 66 ngôi mộ

Là người nhiều lần điện thoại báo cho ông Thắng về các trường hợp tử vong trong cảnh ngặt nghèo, ông Nguyễn Văn Thị - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), xúc động hồi tưởng lại việc 1 cô gái trẻ bị tàu hỏa tông chết vào cuối năm 2018. Nạn nhân rời quê Quảng Nam đi làm ăn và đã lâu không giữ liên lạc với gia đình. Lúc đó, vì không có cách gì để tìm người nhà của cô gái xấu số nên ông liền "cầu cứu" ông Thắng.

"Không chỉ hỗ trợ quan tài, lo hậu sự tươm tất, anh Thắng còn đưa nạn nhân về chôn cất trên đất nhà mình. Hành động nghĩa hiệp của anh ấy khiến tôi rất cảm kích. Ngoài việc lo tang ma chu đáo cho người nghèo, nhiều năm qua, anh Thắng còn thường xuyên hỗ trợ tiền tàu xe cho gia đình gặp nạn, phát gạo cho hộ nghèo, ủng hộ tiền mua xe lăn cho người khuyết tật, quỹ khuyến học,...", ông Thị chia sẻ.

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 9.

Thỉnh thoảng, ông Thắng lại ghé đến chăm sóc, thắp hương cho những ngôi mộ thân nhân ít lui tới

Chuyện ông Thắng “bao đồng” - Ảnh 10.

Ông Thắng bên ngôi mộ của cô gái trẻ qua đời trong vụ tai nạn tàu hỏa, được ông đưa về khu đất của mình để an táng

Đặc biệt, ông Thắng còn lập quỹ từ thiện riêng trong cơ sở của mình. Hơn 60 nhân công tự nguyện đóng góp 200.000 đồng/người mỗi tháng. Ban đầu, khi nghĩ tới chuyện lập quỹ, ông Thắng cũng đắn đo lắm, vì mọi người trong cơ sở cũng chẳng khấm khá gì, người lo mẹ già, kẻ nuôi con thơ,... Nhưng khi ông nói ra nguyện vọng của mình, không ngờ lại được tất cả anh em nhiệt tình hưởng ứng. Vậy là, nguồn quỹ ấy mỗi tháng được trích ra để phát gạo, nấu cháo, và một phần dùng làm đám tang cho người nghèo,...

Sau 9 năm, hiện "nghĩa trang tình người" của ông Thắng đã không còn chỗ trống với 66 ngôi mộ lớn nhỏ của người dưng, trong đó có cả những thi hài tứ cố vô thân. Họ hầu hết là những người tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên mảnh đất này, là bà con xóm nghèo, gặp nạn sông nước, tai nạn giao thông,... và được ông Thắng cùng các mạnh thường quân lo hậu sự chu tất.

"Nhìn họ gặp nạn mà không có người thân thích, tôi thương xót quá. Nghĩ thôi thì giúp họ được chừng nào hay chừng đó thôi. Bây giờ tôi chỉ mong có được một mảnh đất khác để có thể tiếp tục giúp đỡ thêm những người nghèo khi họ nằm xuống", ông Thắng trải lòng.

Theo Hà Nam

Cùng chuyên mục
XEM