Chuyện người mù đốt đèn lồng và 3 nguyên tắc khôn ngoan của người Do Thái trong đàm phán kinh doanh
Trong lúc đàm phán, ấn tượng mà người Do Thái để lại cho các đối tác là: Bất cứ chuyện gì họ cũng muốn làm cho thật rõ ràng.
Chọc giận đối phương là một mánh khóe trong đàm phán của người Do Thái
Khi đàm phán, người Do Thái luôn đến đúng hẹn, thái độ khi gặp mặt cũng hết sức hòa nhã. Tuy nhiên, một khi tiến hành đàm phán, họ lại tỏ ra hết sức xem trọng vấn đề tiền bạc, một đồng một cắc cũng phải tính toán so đo, chỉ vì một chi tiết nhỏ nhặt chưa được làm rõ trong bản hợp đồng, họ cũng có thể tranh cãi với đối tác đến đỏ mặt tía tai.
Trong lúc đàm phán, ấn tượng mà người Do Thái để lại cho các đối tác là: Bất cứ chuyện gì họ cũng muốn làm cho thật rõ ràng. Thông thường, đàm phán với người Do Thái, kết quả của ngày đầu tiên chỉ là một cuộc cãi vã. Chiêu thức ấy vẫn được người Do Thái áp dụng trong cuộc đàm phán ngày hôm sau.
Nếu đối thủ không giữ được bình tĩnh, anh ta sẽ càng trở nên nôn nóng hấp tấp. Lúc này, người Do Thái sẽ lập tức chộp lấy cơ hội, tìm cách chọc giận đối phương thêm lần nữa buộc họ phải đàm phán với mình trong lúc không được bình tĩnh.
Mặc đù bên ngoài trông họ cũng đang vô cùng tức giận, nhưng thực tế thì họ lại vô cùng bình tĩnh. Chính xác hơn là họ đang dùng kế "khích tướng" để đánh đòn tâm lý với đối phương.
Dưới sự khiêu khích có chủ ý của người Do Thái, đôi bên đi đến ký kết hợp đồng trong tình trạng còn đang tranh cãi, nóng nảy và phần thua thiệt đương nhiên thuộc về đối phương.
Đứng trên góc độ của đôi phương để suy xét vấn đề
Mặt khác, người Do Thái cho rằng, bất luận đôi bên tranh cãi đến mức độ nào, đều cần phải giữ lại đôi chút thể diện cho đối phương.
Bởi vì, trong cách nhìn của họ, nếu để đối phương cảm thấy mất mặt trong cuộc đàm phán, dẫn đến tổn thương tình cảm, thì dù là một cuộc giao dịch tốt, khả năng để lại những hậu họa là khó lòng tránh khỏi, ảnh hưởng xấu đến lần giao dịch sau.
Quan điểm và cách vận dụng của người Do Thái đối với vấn đề tâm lý trong đàm phán, một lần nữa đã thể hiện được trí tuệ của người Do Thái.
Có một câu chuyện ngụ ngôn Do Thái hết sức thú vị như sau:
Có một anh mù xách đèn lồng, bước đi trong đêm tối đen như mực. Một người từ phía trước đi lại, thấy anh ta mù thì ngạc nhiên hỏi: "Anh là người mù, tại sao lại còn đốt đèn?"
Anh mù bình thản trả lời: "Tôi thắp đèn, để người không mù có thể nhìn thấy được tôi".
Đó là trí tuệ đã được người Do Thái hun đúc trong mấy ngàn năm lưu tán của dân tộc mình. Do Thái là một dân tộc nhỏ yếu, để tự bảo vệ được mình, họ chỉ có thể dựa vào phương pháp "người mù thắp đèn lồng", để người thống trị nhìn thấy được giá trị của mình, từ đó mới có được hi vọng tiếp tục sinh tồn.
Người Do Thái cho rằng, đàm phán là để hợp tác. Đánh đổ bất kỳ bên nào, đều không phải là mục đích của việc đàm phán. Vì vậy, trong lúc đàm phán, họ sẽ luôn đứng trên góc độ của đối phương để suy xét vấn đề, đồng thời chủ động quan tâm đến đối phương, thắp lên một ngọn "đèn lồng" cho đối phương. Cũng chính nhờ vào điều này, người Do Thái thường rất dễ giữ được tình hữu nghị với đối tác trong những cuộc đàm phán, thúc đẩy đàm phán nhanh chóng đi đến thành công.
Nên đàm phán với người có quyền đưa quyết định
Trong đàm phán người Do Thái luôn chủ trương, chỉ nên bắt tay với người có quyền đưa ra quyết định. Trong mắt của người Do Thái, cấp bậc của người đàm phán càng cao, càng có nhiều khả năng đáp ứng yêu cầu của mình.
Vì sao? Vì người ở cấp bậc cao sẽ có cái nhìn bao quát vấn đề hơn và xử lý tốt những tranh chấp có thể xảy ra. Vả lại, do có quyền quyết định lớn hơn, họ sẽ mạnh dạn đưa ra những quyết định mạo hiểm hơn.
Vì vậy, khi muốn gặp gỡ một người nào đó, người Do Thái trước tiên sẽ tìm hiểu rõ: Người này là ai? Giữ chức vị gì? Có thể đưa ra những quyết định gì?
Một khi đã nắm rõ những vấn đề trên đây, người Do Thái sẽ rất lễ độ nhưng cũng không kém phần thẳng thắn đặt câu hỏi với đối tác của mình: "Anh có thể cải thiện tình hình này được không", "Anh có thể giúp tôi giải quyết vấn đề này được không?" hoặc là "Anh có đủ thẩm quyền để thực thi những việc mà tôi đề xuất hay không?"...
Nếu đáp án là phủ định, họ sẽ lập tức tìm cách ngừng cuộc đàm phán, đi tìm một đối tác khác có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của họ
Khi đàm phán, chắc chắn sẽ không có một người nào có được quyền quyết định tuyệt đối. Vì vậy, chúng ta chi có thể hi vọng được bắt tay với một người có được quyền lực tương đối. Một khi đã ký kết giao ước, người Do Thái sẽ nghiêm túc chấp hành, nỗ lực thực hiện lời hứa với thái độ chân thành.