[Chuyện nghề] Tôi đã trở thành dịch giả tự do như thế nào: Hành trình để có “deal” dịch sách đầu tiên và cảm giác cầm trên tay cuốn sách ghi tên mình

23/04/2022 10:48 AM | Kinh doanh

Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đó chính là: Cầm trên tay cuốn sách do mình đứng tên là dịch giả, được giới thiệu với bạn bè, người thân, đồng nghiệp về nội dung cuốn sách.

Nhiều người thường nghĩ rằng cứ giỏi ngoại ngữ thì mới "làm được" dịch giả. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi là, giỏi ngoại ngữ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải rất, rất yêu nghề và chút "năng khiếu" về từ vựng, vốn từ - gọi nôm na là học văn giỏi. Vì nghề này vất vả vô cùng (về đầu óc) dù bạn chỉ làm tự do mà thôi.

[Chuyện nghề] Tôi đã trở thành dịch giả tự do như thế nào: Hành trình để có “deal” dịch sách đầu tiên và cảm giác cầm trên tay cuốn sách ghi tên mình - Ảnh 1.

Những tác phẩm kinh điển

Tôi bén duyên nghề vì vốn thích câu chữ từ nhỏ, phần nữa có lẽ thừa hưởng di truyền từ ông nội, cô ruột tôi. Tôi nghĩ vậy, vì ông nội tôi và cô tôi là những người làm nghề về văn học chữ nghĩa cũng có một chút thành tựu. Ông tôi là tác giả Cuốn ca dao tục ngữ Việt Nam. Cô làm ở nhà xuất bản giáo dục, cũng đứng tên một số đầu sách về tiếng việt, thành ngữ. Từ bé tôi đã thích đọc truyện và các tác phẩm văn học kinh điển. Nhiều cuốn sách nổi tiếng thế giới dạng "gối đầu giường" của nhiều người như Ruồi trâu, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bố già hay Thép đã tôi thế đấy… tôi đã đọc ít nhất 2 lần. Tôi cũng mê các tác phẩm văn học Việt Nam cách mạng nên gần như đã nằm lòng những cuốn như Gia đình má Bảy, Nỗi buồn chiến tranh... Niềm đam mê đọc sách lớn đến nỗi, hàng đêm sau khi học xong, để tránh việc mẹ kiểm tra chuyện đi ngủ, tôi thường chui vào chăn, bật một cái đèn pin và cứ thế đắm chìm trong thế giới của những trang sách.

Tôi đi thi học sinh giỏi và có giải từ cấp 1. Lên cấp 2, mẹ tôi vốn là một nhà giáo tân tiến – đã hướng tôi theo ngoại ngữ - tiếng Anh. Cấp 3 tôi vào lớp chuyên văn của trường chuyên tỉnh. Tôi chăm chỉ học ngoại ngữ từ cấp 2 đến hết những năm tháng đại học. Trong những năm tháng học đại học, công việc bán thời gian của tôi lúc đó là bắt đầu dịch các bài báo quốc tế và biên tập – viết lại thành bài đăng trên rất nhiều báo giấy và báo online. Đó chính là nền tảng để có được tôi ngày hôm nay – một dịch giả tự do.

Tôi nghĩ, "Dịch giả" – không như nhiều người hiểu lầm là dịch "word by word" – (tức là dịch theo từ vựng) mà là vừa phải dịch đúng, chuyển tải đúng nội dung của văn bản gốc, mà vừa phải hay, phải trúng phải đẹp về câu từ và thuần Việt. Chính vì vậy, mới có nhiều phiên bản khác nhau dịch từ một bản gốc. Nền tảng để làm được điều đó, theo kinh nghiệm của cá nhân, tôi nghĩ rằng đó là việc phải tích lũy vốn từ cả ngoại ngữ mình dịch, và cả vốn từ Việt hàng ngày, tích lũy từ đọc sách, xem ti vi, đọc tin tức chứ không chỉ dựa trên mỗi cuốn từ điển.

Bên cạnh đó, cần phải nắm rất rõ và vững ngữ pháp của ngoại ngữ, có kĩ năng tìm kiếm thông tin, giải thích điển tích, và kiến thức chuyên ngành (với bạn chỉ theo đúng một ngành/lĩnh vực nhất định: ngành ngân hàng, y tế, kỹ thuật…). Mỗi ngành sẽ có một số từ vựng chuyên môn nhất định, nếu dịch giả nắm không vững, không chịu khó tra cả từ điển ngoại ngữ/từ điển chuyên môn rất dễ dịch sai.

Lĩnh vực dịch cũng rất phong phú: Có thể là một tác phẩm văn học, một tài liệu kinh tế, hoặc một văn bản chuyên môn. Vì vậy, dịch giả có lẽ cũng là người có nền tảng kiến thức nhất định mới có thể làm tốt nghề.

Cơ duyên đến với cuốn sách đầu tiên

Tôi có cơ duyên đến với cuốn sách đầu tiên một phần nhờ vào kinh nghiệm dịch báo và biên tập bài từ những năm tháng ở trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi có thêm một thời gian làm cộng tác viên cho mục quốc tế ở một số báo điện tử. Đây là điều kiện cần để làm dày thêm CV xin nhận bản thảo.

Bất cứ bản thảo từ một nhà xuất bản sách nào dành cho dịch giả tự do cũng cần tối thiểu một số kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực dịch. Sau đó, bằng cách kiên trì liên lạc với một số nhà xuất bản với lời giới thiệu: "Tôi từng có kinh nghiệm dịch bài, dịch tin, tôi rất muốn dịch sách, liệu công ty có thể cho tôi một cơ hội để nhận bản thảo hay không". Với khoảng 5-7 nhà xuất bản tôi nhắn tin, tôi nhận được một nửa các phản hồi và yêu cầu dịch thử (test) từ nhà xuất bản.

Với các đầu sách, dịch giả tự do sẽ cần phải làm bài test tối thiểu từ 3 trang – 10 trang sách để biên tập viên kiểm tra xem kĩ năng, ngoại ngữ, ngôn ngữ, khả năng có thể đảm nhiệm loại hình lĩnh vực nào phù hợp. Tôi may mắn, do kinh nghiệm cùng với kiến thức về lĩnh vực kinh tế tài chính, đã được một nhà sách lựa chọn là dịch giả cho một cuốn sách về kinh tế và văn hóa doanh nghiệp sau bài test 10 trang.

Sau khi nhận đề nghị từ nhà xuất bản, tôi kí hợp đồng dịch giả lần đầu tiên cho cuốn sách đầu tiên của mình, với tâm trạng vô cùng hãnh diện, hồi hộp và cả lo lắng. Về phí dịch thuật cho dịch giả, cũng sẽ phân cấp cho nhiều trình độ dịch giả theo mức chi phí cho mỗi 1000 từ, dựa trên kinh nghiệm và kĩ năng của dịch giả. Con số này sẽ dao động tối thiểu khoảng 150.000 đồng/1000 từ dịch ngoại ngữ Anh – Việt. Với dịch giả Việt – Anh, mức phí tối thiểu sẽ cao hơn. Quả thật nếu so với ngành nghề khác thì đây là công việc "lương không cao", bởi vậy ai yêu nghề mới theo được nghề.

[Chuyện nghề] Tôi đã trở thành dịch giả tự do như thế nào: Hành trình để có “deal” dịch sách đầu tiên và cảm giác cầm trên tay cuốn sách ghi tên mình - Ảnh 2.

Một không gian tĩnh lặng để "hành nghề" (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, dịch giả tự do cũng cần phải quản lý thời gian rất tốt. Vì đa phần nhà xuất bản sẽ yêu cầu về thời gian hoàn thành bản thảo (deadline) tùy vào tính chất, độ khó của nội dung. Nếu quản lý không tốt sẽ rất dễ lụt dự án.

Với cuốn sách đầu tiên của mình, tôi đã phải làm việc khoảng 12 tiếng/ngày – phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm dịch sách, phần vì muốn dịch thật tốt để làm nền tảng cho những cuốn sách tiếp theo.

12 tiếng ăn ngủ với sách – từ điển – mạng tra điển tích/sự kiện. Đôi khi gặp những trang sách khó, cảm giác bất lực "bủa vây" đến nỗi tôi phải dừng làm việc một vài ngày để lấy lại năng lượng làm việc. Hoặc có những lúc, tôi cảm thấy vốn từ tiếng Việt của mình không thể chuyển tải đúng nghĩa của bản gốc, dù tôi hiểu nội dung gốc. Thời gian hoàn thành deadline giống như một cuộc chạy marathon: nỗ lực hết sức đến trang sách cuối cùng – cảm giác thành tựu khi gõ đến dòng cuối cùng và kết thúc bản thảo.

Những trải nghiệm về công việc

Là một dịch giả tự do, tôi có thể bắt đầu và kết thúc công việc mỗi ngày tùy ý. Tôi thích dậy sớm và làm một mạch suốt một vài giờ. Thậm chí tôi chia nhỏ số lượng trang sách tối thiểu cần phải hoàn thành mỗi ngày để đảm bảo mình không bị "lụt dự án". Việc dịch sách cần sự tập trung cao độ, vì thế góc làm việc của tôi cũng phải đảm bảo riêng tư, vừa tạo ra sự thoải mái để làm việc.

Tôi thường dịch thô trước một lần toàn bộ bản thảo, sau đó tôi sẽ biên tập lần thứ nhất, rồi biên tập lại lần hai để đảm bảo đúng ngữ nghĩa, không sai chính tả và kết quả đầu ra là một bản thảo có chất lượng thật tốt.

Trong quá trình dịch, nếu tôi thấy có các từ hay cụm từ mà bản thân không biết, tôi sẽ đánh dấu lại vào một tờ giấy riêng và sau đó sẽ tra cứu chúng sau. Tôi sẽ tra ngữ nghĩa, tra bối cảnh sử dụng cụm từ, tra cứu cách từ điển tiếng Anh diễn giải để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho bản thảo.

Và cuối cùng, một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đó chính là: Cầm trên tay cuốn sách do mình đứng tên là dịch giả, được giới thiệu với bạn bè, người thân, đồng nghiệp về nội dung cuốn sách. Tôi nghĩ có lẽ bất cứ dịch giả nào với cuốn sách đầu tiên của mình hoặc tất cả những cuốn sách mình đứng tên dịch giả sẽ có một thứ cảm giác: Thật tự hào, đó là "thành tựu của bản thân" – như tôi đã từng được trải nghiệm và sở hữu.

Bạn đọc thân mến!

Mỗi người chúng ta trong xã hội đều có một công việc.

Tôi là một biên tập viên ngày qua ngày làm việc với guồng quay của tin tức. Bạn là một bác sĩ phải chăm lo cho bệnh nhân, một kỹ sư ngày đêm dựng nên những công trình, một nhà giáo tâm huyết với lớp lớp thế hệ học trò, một người công nhân chăm chỉ trong nhà máy, một người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ bên một con phố nhỏ, một người bán cà phê, một trưởng phòng, một giám đốc công ty hay một người đang chập chững bước trên con đường khởi nghiệp…

Cuộc sống thật sinh động. Tôi và bạn đều có một công việc khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người đều có lý do riêng của mình để bắt đầu một thứ gì đó. Kể cả khi chúng ta có làm cùng một nghề, mỗi người đều nhận được những trải nghiệm rất khác nhau. Một lần nữa, không ai giống ai.

Có quá nhiều điều cần phải kể khi nhắc tới công việc của mình. Sao bạn không thử chia sẻ cho chúng tôi và mọi người cùng nghe?

Chủ đề: Cảm xúc, chia sẻ, trải nghiệm của bạn với nghề nghiệp của mình hoặc của bạn bè, người thân.

Hình thức: Thể hiện dưới dạng bài viết tối đa 2.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, phông chữ Unicode.

Tác giả bài viết gửi bài đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Ms Linh Chi - phamthilinhchi02@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên Nghề_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Văn A

Bài viết thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu nói trên, không sao chép bất kỳ tác phẩm nào từng được công bố. Những bài viết đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn sử dụng. Chúng tôi xin phép thay đổi tiêu đề tiêu đề bài viết, biên tập nội dung cho phù hợp với tiêu chí của trang. Chúng tôi sẽ phản hồi và gửi nhuận bút với những bạn đọc có bài viết phù hợp đã được chọn đăng.

Ban biên tập trân trọng cảm ơn!

Hà Trang

Cùng chuyên mục
XEM