Chuyện lười của người Việt và triết lý lãnh đạo: Nhân viên làm việc kém, tất thảy đều tại sếp!
Nhận định của Shark Nguyễn Xuân Phú gần giống với cách nhìn của sếp Samsung khi cho rằng năng suất lao động người Việt Nam không thấp. "Năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo, tổ chức quản lý, sử dụng của doanh nghiệp, có thể nói ở đây là các CEO", ông Bang Hyun Woo nói.
Nhân viên lười và làm việc kém, tất thảy đều tại sếp!
Để có năng suất làm việc tốt thì phải có môi trường để nhân sự phát huy.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của người Việt năm 2016 đã thua cả Lào, chỉ bằng 7% của Singapore, và bằng 42,3% của Indonesia. Tuy nhiên, tại Diễn đàn CEO 2018 do VnEconomy tổ chức, nhiều ý kiến từ các CEO Việt và cả nước ngoài cho rằng năng suất làm việc của người Việt không thấp, mà do người sếp không biết cách đào tạo, quản lý.
"Năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo, tổ chức quản lý, sử dụng của doanh nghiệp, có thể nói ở đây là các CEO", ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc công ty Samsung Việt Nam chia sẻ.
"So sánh đầu vào của kỹ sư tại Việt Nam, có thể do cơ chế đào tạo tại Việt Nam nên trình độ và năng suất lao động hơi yếu hơn một chút so với các kỹ sư người Hàn Quốc. Sau quá trình đào tạo từ 1 đến 2 năm họ hoàn toàn đáp ứng và có trình độ, năng suất lao động tương đương với các kỹ sư người Hàn Quốc".
Chia sẻ tại sự kiện, Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse khẳng định: Nếu so sánh tổng quan các sản phẩm do Sunhouse sản xuất, thì đơn vị này có năng suất thuộc hàng cao nhất Việt Nam. Đấy cũng là lý do vì sao các sản phẩm của Sunhouse cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc.
"Xưa tôi phải đào tạo, sau mới nghĩ ra lý do vì sao tất cả không hiệu quả. Tôi chỉ đặt vấn đề tại sao người lao động phải làm việc chăm chỉ? Tại sao người quản lý phải làm việc? Mình là ông chủ lúc nào cũng nói công nhân lười nhưng tại sao họ lại lười".
"Cuối cùng tôi đi tập trung vào giải quyết gốc là làm thế nào để người lao động làm, và cuối cùng là tập trung vào thể chế, quy định, đồng lợi ích giữa công ty và người lao động, để tự họ làm, nên tôi rất nhàn và có thời gian đi dự các Talk", Shark Phú hài hước.
Shark Phú cho rằng người sếp phải làm sao để tạo động lực cho nhân viên phải làm, phải tư duy. Để họ hiểu rõ tại sao phải gắn với doanh nghiệp, và gắn với doanh nghiệp thì được cái gì.
"Không chọn người xuất sắc nhất làm CEO sẽ kìm hãm các bộ phận còn lại, có đổi mới máy móc cũng bằng thừa", Shark Phú nhấn mạnh vai trò của người CEO đối với năng suất lao động của nhân viên trong một ngữ cảnh khác.
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – kể lại câu chuyện của lãnh đạo Viettel nói về vai trò của người lãnh đạo. Theo đó, để tạo một môi trường làm việc tốt nhất, người lãnh đạo chỉ nên làm một việc: Nghĩ ra việc mình không làm được và giao cho cấp dưới làm. Năng suất cấp dưới sẽ rất cao và động lực làm việc cũng rất cao.
"Dù đầu tư robot đóng gói 500 triệu cũng không được quên con người vẫn là giá trị cốt lõi"
Cũng tại tọa đàm, mối quan hệ giữa công nghệ và năng suất lao động cũng được đưa ra. Theo đó, công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển và hạn chế sự can thiệp của con người trong bộ máy sản xuất và vận hành.
Chia sẻ về mối quan hệ này, ông Phạm Văn Tam – CEO Asanzo cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển tất phải áp dụng công nghệ để làm sản phẩm tốt hơn, hoặc để quản lý tốt hơn bộ máy công ty.
Mặc dù coi con người là giá trị cốt lõi, nhưng nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề đau đầu của ông chủ hãng Asanzo.
"Nhưng chắc chắn không thể quên được con người vẫn là cái cốt lõi", ông Tam khẳng định.
"Ví như bộ phận sản xuất có thể làm con robot đóng gói thay cho 10 người, đầu tư 500 triệu, chắc chắn đầu tư robot có lợi hơn. Nhưng bộ phận đóng gói trước đó cần qua một lớp đào tạo để chuyển đổi họ sang bộ phận khác".
Ông Tam cho rằng có những bộ phận vẫn cần sự can thiệp trực tiếp của con người như bộ phận bán hàng hoặc bộ phận logistics.
Mặc dù coi con người là giá trị cốt lõi, nhưng nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề đau đầu của ông chủ hãng điện tử này, khi tỷ lệ được chọn trong số những người ứng tuyển là rất thấp. Ngay cả đối với các bạn đã được lựa chọn thì việc đào tạo và huấn luyện cũng mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, mỗi năm Asanzo luôn có kế hoạch để phát triển các dòng sản phẩm mới cũng như mở rộng kinh doanh, thị trường, hệ thống phân phối, đại lý, trạm bảo hành. Đồng nghĩa, DN luôn cần một lượng nhân lực điện tử lớn trong tương lai.
Một giải pháp tiết kiệm thời gian và chủ động ông Tam đang đưa ra là nhanh chóng tiếp cận với giáo dục địa phương, biến cơ hội học tập thành môi trường "thực tập" để cùng bắt tay với nhà trường đón sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm ngoái, Asanzo đã ký kết gói tài trợ cho trường Đại học Bình Dương với tổng trị giá lên tới 4 tỷ đồng, trong đó 3 tỉ đồng tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho các bạn SV, 1 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư cho "Phòng thực tập điện tử", nhằm tạo nguồn nhân lực điện tử cho tập đoàn ngay từ các em sinh viên còn trên ghế nhà trường.