Chuyện lớn về "nhà rác" ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, hiện tượng Gomi Yashiki (nhà rác) ngày càng phổ biến trong bối cảnh nhiều người sống tách biệt với xã hội hoặc mắc các bệnh tâm thần.
Trong một ví dụ điển hình, ông Hideyuki Aizawa (62 tuổi) đã bị chính quyền TP Nagoya yêu cầu rời khỏi nơi ở của mình tại quận Naka để họ xử lý rác.
Những hình ảnh được chia sẻ trên truyền hình cho thấy rác bên trong căn hộ 3 tầng của ông Aizawa nhiều đến mức tràn ra đường.
Giới chức TP Nagoya ước tính phải mất 3 tuần để dọn sạch rác trong căn hộ rộng 180 m2 của ông Aizawa.
Ông Aizawa thuê căn hộ nói trên từ mẹ mình vào năm 2000 và bắt đầu thói quen "trữ rác" ngay khi chuyển vào ở.
Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Aizawa có mối quan hệ chẳng lành với hàng xóm, những người liên tục trình đơn yêu cầu giới chức thành phố can thiệp để xử lý rác trong căn hộ của ông.
Hình ảnh những căn nhà ngập ngụa rác thải đang ngày càng phổ biến tại Nhật Bản. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Người đàn ông 62 tuổi này phớt lờ mọi lời kêu gọi tự dọn rác của giới chức cho đến khi bị hàng xóm khởi kiện và nhận phán quyết bất lợi từ Tòa án quận Nagoya sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm.
Bà Makoto Watanabe, giảng viên ngành truyền thông tại Trường ĐH Hokkaido Bunkyo, khẳng định khái niệm "nhà rác" tuy còn khá mới mẻ nhưng sẽ nhanh chóng phổ biến tại Nhật Bản.
Nguyên nhân là ngày càng có nhiều người sống cô độc hay mắc các bệnh tâm thần nhưng không được giúp đỡ.
"Ở Nhật Bản, chúng ta thường không can thiệp vào cuộc sống của người khác, kể cả người nhà. Mọi người cứ im lặng trong khi vấn đề ngày càng tồi tệ và rác cứ thế chất thành đống" - bà Watanabe giải thích.
Năm ngoái, tính riêng phường Adachi ở thủ đô Tokyo đã ghi nhận 31 đơn than phiền về "nhà rác". Trong khi đó, khoảng 250 khu vực khác trên khắp Nhật Bản cũng báo cáo các vấn đề tương tự.