Chuyện lạ: Khi người Trung Quốc chẳng mặn mà với… thư điện tử

13/07/2020 13:30 PM | Xã hội

Đây cũng là lý do khiến nhiều lao động Trung Quốc bị stress vì quá áp lực khi làm việc.

Trên thế giới hiện nay, những bức thư điện tử (email) đang được sử dụng vô cùng phổ biến, nhất là cho những người làm việc văn phòng. Tuy nhiên ở Trung Quốc, người dân lại chẳng mặn mà với loại hình liên lạc này dù nền kinh tế vô cùng phát triển.

Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?

Nếu bạn ở Trung Quốc, việc xuất hiện những hộp thư điện tử chẳng đâu vào đâu như zwpzjg@126.com là điều hoàn toàn bình thươngf vì rất nhiều người chẳng bao giờ kiểm tra hộp thư điện tử hay sử dụng email.

Chuyện lạ: Khi người Trung Quốc chẳng mặn mà với… thư điện tử - Ảnh 1.

Thông thường, người Trung Quốc hay sử dụng những ứng dụng liên lạc như WeChat để trò chuyện cũng như gửi các văn bản làm việc. Thậm chí tiền lương hay các chi phí cũng được thanh toán qua WeChat. Nghe có vẻ không chuyên nghiệp nhưng tính thực dụng, nhanh chóng và hiệu quả được người dân Trung Quốc đặt lên hàng đầu thay vì chú ý quá nhiều đến văn phong, tính lịch sự hay những yếu tố khác.

Trong khi đó tại Phương Tây, email vẫn được sử dụng vô cùng rộng rãi, nhất là cho các công việc văn phòng. Tại Anh và Mỹ, gửi email là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất, chiếm tương ứng 90,9% và 86% trong số các hoạt động online khác của nhân viên.

Thậm chí, việc gửi email tại Anh và Mỹ chiếm nhiều thời gian hơn các hoạt động lên mạng tìm kiếm thông tin sản phẩm, thanh toán trực tuyến, dùng mạng xã hội hay các hoạt động online khác.

Riêng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, viễn cảnh lại hoàn toàn khác. Nghiên cứu của Deloitte năm 2018 cho thấy người Trung Quốc dùng ít email hơn 22% so với bình quân thế giới. Trên thực tế, những ứng dụng như WeChat lại là phần mềm chủ đạo trong việc liên lạc công việc. Khoảng 79,1% số người dùng smartphone thường xuyên dùng các ứng dụng trên điện thoại, trong khi 84,5% người dùng ứng dụng liên lạc tại Trung Quốc sử dụng WeChat.

Một khảo sát khác năm 2017 của Penguin Intelligence cho thấy 88% người Trung Quốc dùng WeChat cho giao tiếp công việc hàng ngày. Tất cả những ứng dụng như điện thoại, tin nhắn, máy fax chỉ được 59,5% số người cho biết có sử dụng thường xuyên. Cá biệt chỉ có 22,6% số người được hỏi là dùng email.

Cô Eva Hsu, giám đốc một công ty kỹ thuật số tại Thượng Hải đã từng du học Mỹ cho biết mình đã làm việc ở Trung Quốc 6 năm và câu chuyện liên lạc giữa các đối tác vô cùng thú vị. Trong khi cô Hsu phải dùng email để nói chuyện với đối tác nước ngoài hay bạn bè quốc tế thì với các khách hàng Trung Quốc, WeChat gần như là lựa chọn duy nhất. Thậm chí các văn bản, tài liệu và thanh toán cũng được thực hiện luôn qua ứng dụng này.

Chuyện lạ: Khi người Trung Quốc chẳng mặn mà với… thư điện tử - Ảnh 2.

Tham chiến muộn

Với hàng tỷ người dùng tại thị trường Trung Quốc, WeChat đang nắm lợi thế kinh doanh vô cùng lớn. Tuy nhiên để hiểu tại sao người Trung Quốc thích ứng dụng liên lạc hơn là email thì phải quay ngược về những năm 1999.

Thời kỳ này, hãng Tencent cho ra mắt sản phẩm QQ, qua đó cho phép những người dùng máy tính có thể liên lạc trực tuyến trên nền màn hình. Lúc này, số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy Trung Quốc mới chỉ có 1,2 chiếc máy tính trên mỗi 100 người. Con số này là 1 máy tính trên mỗi 2 người tại Mỹ.

Thế nhưng bước sang thập niên 2000, cơn sốt các quán cà phê Internet lan sang Trung Quốc và nhanh chóng được giới trẻ đón nhận. Ứng dụng QQ nhanh chóng trở thành thứ không thể thiếu cho những người dùng máy tính nơi đây khi chúng bao gồm nhiều chức năng, từ liên lạc cho đến những trò chơi điện tử, âm nhạc hay thậm chí tạo nên một cộng đồng mạng xã hội sơ khai.

So sánh với email, QQ của Trung Quốc thời đó tiện dụng và thân thiện với người dùng hơn.

Trong cuốn sách "Supertrends of Future China", tác giả James Yuann có miêu tả các bạn trẻ Trung Quốc thời đó ra đường mà không có địa chỉ QQ thì cũng như người Phương Tây lái xe mà quên bằng lái vậy. Thậm chí nhiều doanh nhân còn in hẳn địa chỉ QQ lên danh thiếp để tiện liên lạc.

Tính đến năm 2012, QQ đã có 798 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Thế nhưng ứng dụng WeChat, vốn cũng được phát triển bởi Tencent vào năm 2011 mới là thứ dần thống trị mảng liên lạc ở Trung Quốc khi smartphone trở nên phổ biến hơn và dần thay thế máy tính cá nhân.

Chuyên gia tư vấn Matthew Brennan đã làm việc tại Trung Quốc từ năm 2004 cho biết việc có một địa chỉ email là điều phải có nếu muốn đăng ký một số dịch vụ trực tuyến ở Anh. Thế nhưng tại Trung Quốc, những ứng dụng như WeChat là điều không thể không có bởi chúng cho phép người dùng liên lạc, đặt bàn, thanh toán cùng vô vàn những tiện ích khác, nhất là khi hầu như tất cả bạn bè và mối liên hệ của bạn đều sử dụng chúng.

Chuyện lạ: Khi người Trung Quốc chẳng mặn mà với… thư điện tử - Ảnh 3.

Hiệu quả hơn email

Chuyên gia kinh tế Zhong Ling của trường Cheung Kong Graduate School of Business cho biết những ứng dụng như WeChat phù hợp với thói quen làm việc của người Trung Quốc hơn so với tính trang trọng của email. Thêm nữa, chúng giúp mọi người tiết kiệm thời gian hơn vào việc chăm chút, sửa câu chữ khi gửi thông tin.

Theo cô Ling, các tin nhắn qua ứng dụng WeChat mang tính hiệu quả và tạo sức ép cho người nhận trả lời nhanh chóng hơn so với email. Ranh giới giữa thời gian làm việc và riêng tư tại Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa nên các ông chủ thường xuyên gửi công việc qua tin nhắn bất kể thời gian, đồng thời muốn mọi chuyện được làm ngay chứ chẳng muốn chờ đợi.

Ngoài ra, với những đoạn hội thoại qua lại nhiều vòng thì các tin nhắn WeChat phù hợp hơn so với thư email trang trọng nhưng chậm hồi âm.

Tất nhiên, việc lạm dụng WeChat trong công việc cũng có tác dụng phụ. Ví dụ như nhân viên sẽ chẳng còn thời gian nghỉ ngơi riêng tư, áp lực công việc quá lớn hay khả năng lộ thông tin cá nhân cao.

Dẫu vậy, sự khác biệt về văn hóa vẫn khiến người Trung Quốc không mấy mặn mà với email. Trong khi người Phương Tây đòi hỏi văn phong lịch sự qua các dòng thư điện tử thì các quốc gia Châu Á lại thích sự nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Rất nhiều quốc gia như Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á đã nhảy cóc qua giai đoạn máy tính cá nhân để lên thẳng thời kỳ smartphone. Điều này khiến những ứng dụng xã hội và tin nhắn như WeChat, Facebook, Zalo… trở nên phổ biến hơn so với email", Chuyên gia tư vấn Alan Casey của Prophet nhận định.

AB

Cùng chuyên mục
XEM