Chuyện lạ có thật: Giới đầu tư địa ốc vẫn “lướt cọc” kiếm tiền trăm những ngày cận Tết

11/01/2022 10:22 AM | Kinh doanh

Lạ là bởi, Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt; thị trường BĐS phía Nam với 4 tháng giãn cách kéo dài khiến tâm lý người mua BĐS bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh BĐS những ngày cận Tết, nhìn vào động thái “gom hàng” của giới đầu tư khiến những lo lắng về dịch bệnh gần như tiêu tan; và nhiều người tin rằng, rất có thể sẽ có “đợt sóng” mới vào đầu năm 2022, biết đâu diễn ra như cơn sốt đất đầu năm 2021.

Có nhiều lý do để khẳng định cho điều này. Điều dễ nhận thấy nhất, là thời điểm cận Tết nguyên đán, hoạt động gom hàng của giới đầu tư địa ốc vẫn khá hăng say. Những lô đất cọc rồi công chứng qua tay vẫn âm thầm diễn ra ở các khu vực vùng ven Sài Gòn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…

Điều đáng nói, ngay thời điểm cận Tết – giai đoạn mà ai cũng nghĩ là nghỉ ngơi, khó làm ăn được gì thì nhiều nhà đầu tư lâu năm vẫn âm thầm "gom hàng", thậm chí lướt cọc liên tục để hưởng chênh.

Mới chỉ "xuống cọc" 4 ngày cho lô đất tại Đồng Nai, anh Th đã thu về mức chênh 100 triệu đồng trên lô đất đó. Dùng số tiền nhận cọc đó, anh Th lại tiếp tục tái đầu tư ở lô đất khác. Mỗi lô đất, khi xuống cọc 100 - 200 triệu đồng, anh Th thu về số tiền tương đương trên số cọc.

"Ở một số khu vực, cũng chỉ nên lướt cọc thôi, để lâu cũng không phải phương án hay. Dĩ nhiên, nếu nhắm được khu đất thực sự đẹp, tiềm năng tốt thì để trung hạn thì mức sinh lời sẽ tốt hơn. Nói chung, đầu tư BĐS tuỳ cơ (tuỳ thị trường) mà ứng biến", nhà đầu tư này chia sẻ.

Thực ra, thời điểm cận Tết không chỉ mình anh Th miệt mài gom đất, lướt cọc, ghi nhận cho thấy có nhiều nhóm đầu tư, càng về cận Tết càng đi săn đất nhiều. Nhất ở là thời điểm này, khi mà tâm lý thị trường BĐS đã ổn định sau thời gian giãn cách kéo dài, nhiều NĐT đã "ra quân" mạnh mẽ hơn. Những lô đất nông nghiệp diện tích lớn có mức giá dao động từ 100 -900 ngàn đồng/m2 ở khu vực xa xa của các tỉnh vệ tinh Sài Gòn "lọt" vào tầm ngắm của nhà đầu tư. Với mức giá mềm trên dưới 1 tỉ đồng hàng ngàn m2, nhiều nhà đầu tư đã "mua nhanh bán nhanh" với mức chênh từ vài trăm triệu đồng/lô.

 Chuyện lạ có thật: Giới đầu tư địa ốc vẫn “lướt cọc” kiếm tiền trăm những ngày cận Tết  - Ảnh 1.

Giới đầu tư vẫn đổ về các tỉnh để mua bán thời điểm cận Tết

Ghi nhận cho thấy, tại khu vực Cẩm Mỹ, Định Quán (Đồng Nai), Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam (Bình Thuậ) hay Tân Uyên (Bình Dương)… những mảnh đất nông nghiệp, đất vườn được chào bán khá nhiều. Bên cạnh các nhà đầu tư (đa số đến từ Tp.HCM) gom để lâu mới bán thì những "pha lướt cọc" kiếm tiền trăm cũng âm thầm diễn ra tại các khu vực này.

Lô đất có diện tích 4,8 héc-ta (đất rẫy) tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được rao bán mức giá 4,8 tỉ đồng giữa tháng 12/2021; đến cuối tháng 12 nhà đầu tư đã "sang tay" cho một nhà đầu tư khác với giá 5,1 tỉ đồng. Với số tiền cọc xuống chỉ 200 triệu đồng, nhưng mức lời 300 triệu đồng trên giá trị miếng đất đã khiến một số nhà đầu tư "ham lướt sóng". Theo cách họ nói, khi mua BĐS phải nắm thời điểm thì dù để lâu hay lướt sóng đều có lời.

Trong khi đó, những nhà đầu tư trường vốn thì vẫn âm thầm tìm kiến đất nông nghiệp diện tích vài ngàn m2 với mức giá dao động từ 2-3 tỉ đồng/mảnh; có vị trí đẹp; gần chỗ dân cư ở… ngâm đó vài năm chốt lời.

Không chỉ đất nông nghiệp, ghi nhận cho thấy, đất thổ cư ở các khu vực như Đất Đỏ, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu); Chơn Thành, Đồng Xoài (Bình Phước); đất dự án tại Long An…có lượng nhà đầu tư vẫn tìm hiểu, săn hàng thời điểm cận Tết, đợi cơ hội chốt lời vào đầu năm 2022.

Theo ông Đoàn Thiên Việt, một nhà đầu tư kì cựu, cận Tết là thời điểm vàng để mua BĐS đầu tư. Nhiều NĐT vẫn miệt mài tìm mua thời điểm cận Tết. Nếu mua được BĐS rẻ hơn 20% thì qua Tết âm lịch có thể chốt lời được 25%, đó là khoản lời rất quan trọng đối với việc đầu tư ngắn hạn.

Theo nhà đầu tư, bên cạnh việc làm giá được nguồn hàng đang bị "áp lực" ra hàng cận Tết thì thời điểm này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn BĐS. Ông Việt cho rằng, khi đi mua BĐS, NĐT thường thích hoặc rất thích BĐS nào đó, có hành động trả giá rẻ rồi nhưng sợ người khác mua mất với giá cao hơn hoặc mua nhanh hơn. Tâm lý sợ không bán được ở người bán thì ngược lại tâm lý sợ không mua được ở người mua. Đặc biệt, NĐT thường có tâm lý là giá đã hợp lý rồi nhưng vẫn muốn mua rẻ hơn một chút. Vào những ngày cận Tết, không nhiều người đi mua mà lại có nhiều BĐS, thậm chí có những BĐS bán dưới giá kì vọng thì đây rõ ràng là cơ hội để người mua có nhiều sự lựa chọn, có thời gian lựa chọn và có quyền làm giá hơn.

Ngoài ra, cận Tết nhà đầu tư hưởng lợi từ việc thời gian công chứng dài. Thông thường khi mua bán thì 2 bên sẽ công chứng ngay trong 1 tuần, 10 ngày là xong thủ tục.

Khi mua BĐS những ngày cận Tết, khi càng gần Tết thì chắc chắn phải ra Tết mới công chứng. Một số chủ BĐS cần tiền nhiều thì muốn công chứng ngay cũng phải giảm giá thêm, một số chủ khác thì chỉ cần chốt vấn đề giá và nhận cọc coi như đã bán để truất nỗi ưu tư, thu được 1 số tiền cọc vừa đủ xoay sở giải quyết công việc. Vì thế, chỉ cần đặt cọc là NĐT đã xem như có được BĐS đó, tất nhiên thủ tục cọc phải chắc chắn cũng như số tiền cọc đảm bảo cho việc tiếp tục giao dịch.

Theo ông Đoàn Thiên Việt, trong mua bán, món hời không chỉ đến từ việc giá rẻ, mà nó còn đến từ việc thanh toán dài hạn. Thử nghĩ xem, nếu ta cọc và hẹn tầm 1-2-3 tháng sau đi công chứng, có phải ta đã được hưởng thêm món lời từ việc tăng giá của BĐS đó trong ngần ấy thời gian chỉ với số tiền đặt cọc hay không? Như vậy thì tỷ suất sinh lời rõ ràng đã có nhiều hơn hẳn việc mua bán công chứng và thanh toán trong tuần rồi.

Thực tế, có những NĐT thương thảo được với người mua tận 2 -4 tháng. NĐT thường thích việc thanh toán dài hạn, miễn giá BĐS mua vẫn tốt như mong đợi.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM