Chuyện giành sự sống cho bệnh nhân phi công người Anh số 91
Stephen Cameron, phi công người Anh 43 tuổi, bệnh nhân 91 mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM luôn bị tiên lượng nặng, có lúc phổi chỉ 10% hoạt động được.
Tuy nhiên, sự bình phục của bệnh nhân này liên tục lập “kỳ tích” qua từng ngày: Phổi hoạt động trên 40%; cai ECMO; cử động chi; xoay đầu; mỉm cười; tự cầm ly uống nước…Thành công bước đầu đặc biệt quan trọng này có đóng góp rất lớn của các bác sỹ, trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành.
Hàng chục bác sỹ, y tá ngày đêm cứu chữa
Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân 91 đang có sự hồi phục diệu kỳ. Nam phi công tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng gan, thận đã phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt bệnh nhân đã cai được ECMO, điều này xóa bỏ dự đoán “ngừng ECMO, bệnh nhân sẽ chết” được đưa ra trước đây.
"Ngoài việc tìm kiếm thuốc và các phương pháp điều trị cho phi công người Anh rất công phu, có thể thấy 65 ngày bệnh nhân 91 nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng là chuỗi ngày các nhân viên y tế ở đây mất ăn mất ngủ. Bên trong phòng cách ly áp lực âm, 24/24 giờ nhân viên y tế đều phải túc trực, sẵn sàng xử trí các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra đối với bệnh nhân này. Trong tuần đầu tiên chạy ECMO, chúng tôi gần như thức trắng liên tục, thỉnh thoảng chợp mắt một lúc rồi choàng tỉnh dậy, bởi chúng tôi mơ thấy bệnh nhân gặp sự cố".
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Tại phòng áp lực âm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bệnh nhân 91 đang điều trị, lúc nào cũng có đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng túc trực thăm khám, chăm sóc. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ của người bệnh, ê kíp chăm sóc đều ghi lại cẩn thận. Hôm 2/6, bệnh nhân có tỉnh táo, có phản xạ ho mạnh hơn và lần đầu tiên, bệnh nhân đã mỉm cười, bắt tay các y bác sĩ, rơi nước mắt khi được hỏi thăm. “Lúc đó chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Sau bao ngày cận kề lằn ranh sinh tử, hôm nay anh đã có thể mỉm cười rất tươi, đôi mắt mở to”, một điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân 91 kể.
Chiều tối 22/5, bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Lúc đó, phi công người Anh nằm trên băng ca, trên người chằng chịt dây nhợ cùng với hệ thống máy lọc, ECMO… Các nhân viên y tế khẩn trương đưa bệnh nhân vào lối đi riêng về khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay trong đêm, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức hội chẩn để đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 được bác sĩ Dương Thị Bích Thủy, Hà Thị Hải Đường, Nguyễn Văn Thành Được, Dư Lê Thanh Xuân cùng 16 điều dưỡng khoa này phụ trách ngày đêm. Điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân này, từ chỗ phổi gần như đông đặc, xơ cứng cả hai lá…, bệnh nhân đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên như ngưng lọc máu liên tục, tỉnh, cử động đầu chi… Hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang cho thấy, hơn 1/2 phổi bên trái đã cải thiện gần như hoàn toàn, phổi phải cũng bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp.
Theo bác sỹ chăm sóc bệnh nhân 91, hành trình hơn 2 tháng “chiến đấu” COVID-19, bệnh nhan từng trải qua những thời điểm thập tử nhất sinh, rồi tìm thấy hy vọng ở cuối đường hầm, sức sống nơi anh đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, khiến những y bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID - 19 vui mừng, phấn chấn.
Trực tiếp theo dõi và điều trị cho Bệnh nhân 91 ngay từ ngày chuyển về nơi mới, Bác sỹ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Dù có thể cai được ECMO, bệnh nhân vẫn phải phụ thuộc rất lâu vào thở máy. Sau đó, cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, phải cần nhiều thời gian hơn. Bây giờ, việc ưu tiên hàng đầu là cần hạn chế những nguy cơ cũng như các biến chứng do phải duy trì việc sử dụng ECMO kéo dài. Dù thế nào đi chăng nữa, bệnh viện vẫn sẽ cố hết sức, làm hết khả năng để điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân”.
Những ngày không quên
Là một trong 3 bác sỹ được BV Chợ Rẫy “biệt phái” sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ kỹ thuật ECMO điều trị bệnh nhân 91 trong 3 tuần, BS Huỳnh Thị Thu Hiền, khoa Hồi sức Cấp cứu kể: Ngày 6/4, chị vừa trực xong ca đêm, chưa kịp thay đồ về nhà thì được lệnh điều động sang BV Bệnh Nhiệt đới gấp. Ngay lập tức, BS Hiền và một đồng nghiệp lên đường. “Khi đó, chúng tôi đã xác định đến nơi là phải đặt ECMO cho bệnh nhân ngay, nhưng quả thật không thể ngờ được bệnh nhân này có quá nhiều biến cố đến như vậy. Đây là bệnh nhân ECMO phổi nặng nhất từ trước đến giờ mà tôi từng gặp”, BS Thu Hiền nhớ lại.
Theo bác sỹ Hiền, bệnh nhân kháng thuốc chống đông máu nên ngay trong ngày đầu tiên đặt máy, máu đã đông đặc, khiến các bác sỹ phải thay màng ECMO trong ngày. Sau đó, tình trạng huyết khối trong hệ thống dây dẫn lại xuất hiện, buộc các bác sỹ phải thay ống canuyn (dụng cụ mở khí quản cho bệnh nhân).
Ba tuần “trực chiến” tại BV Bệnh Nhiệt đới là quãng thời gian đáng nhớ đối với bác sỹ Hiền cũng như nhiều người khác, bởi bệnh nhân 91 liên tục gặp những biến cố phải xử lý gấp. Bệnh nhân nằm trong phòng áp lực âm, sự chuẩn bị điều kiện về vật dụng bảo hộ để chăm sóc cũng cực hơn so với chăm sóc các bệnh nhân khác. Các bác sỹ từ BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ phải trực luân phiên đảm bảo liên tục 24/24 tiếng, phối hợp cùng các BS trong viện chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ngày, bác sỹ phải vào đánh giá sức khỏe bệnh nhân 3-4 lần. Những hôm bệnh nhân chuyển nặng, bác sỹ gần như ở luôn trong phòng với bộ đồ bảo hộ kín mít.
65 ngày bệnh nhân 91 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới cũng là ngần ấy thời gian BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trực tiếp theo dõi, chăm sóc người bệnh. Không ít lần bác sỹ Phong cùng nhiều đồng nghiệp “đứng tim” theo diễn tiến sức khỏe xấu đi của bệnh nhân. Đỉnh điểm là lúc phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn hoạt động được 10%. Lúc đó, các bác sỹ phải tìm mọi cách để nâng chức năng hoạt động của phổi lên 20%, rồi 30%.
“Khi nghe tin bệnh nhân phi công hoàn toàn tỉnh táo, các y bác sĩ từng điều trị cho phi công người Anh rất phấn khởi. Điều đó thật kỳ diệu, như một kỳ tích trong y khoa. Ngày bệnh nhân chuyển qua BV Chợ Rẫy, cảm giác của chúng tôi hơi buồn. Hy vọng bệnh nhân người Anh có thể sớm hồi phục được sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường”, bác sỹ Phong cho biết.
BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy khẳng định: “Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để tiếp tục cứu chữa cho phi công này”.
Tổng lãnh sự Anh cảm ơn bác sỹ Việt Nam
Trong thư gửi Chủ tịch UBND TPHCM, ông Ian Gibbons MBE, Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM bày tỏ lòng biết ơn các đơn vị của thành phố đã tích cực cứu chữa bệnh nhân 91. Ông Ian Gibbons nói lời cảm ơn đặc biệt đối với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dành mọi điều kiện tốt nhất cho phi công người Anh.
"Các bác sĩ và điều dưỡng đã làm việc không mệt mỏi và không tiếc công sức để cứu sống anh Stephen Cameron (bệnh nhân 91). Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với Bộ Y tế và bệnh viện trong quá trình Stephen được điều trị; cập nhật thông tin liên tục cho gia đình và bạn bè của anh. Nói một cách chân thành, chúng tôi cảm ơn tất cả các bác sỹ, chuyên gia, điều dưỡng, đã tham gia điều trị ca này…", bức thư nhấn mạnh.
Báo chí nước ngoài đánh giá Việt Nam đang cố gắng hết sức để cứu phi công người Anh, ca ngợi các biện pháp "mạnh tay" của chính phủ trong phòng chống dịch COVID - 19 thành công. Hãng Reuters nhấn mạnh, Việt Nam "không tiếc bất cứ thứ gì để cứu sống người đàn ông 43 tuổi". Báo New York Times nhìn nhận: "Các bác sĩ tại Việt Nam đang cố gắng để phi công người Anh không trở thành ca tử vong đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này".