'Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam'

06/05/2020 11:31 AM | Xã hội

Theo Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ, Chính phủ và người dân Italy đánh giá cao kết quả chống COVID-19 của Việt Nam, còn chuyên gia y tế cũng bày tỏ nhiều sự ngạc nhiên.

Italy hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 . Nước này là ổ dịch lớn nhất châu Âu và là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm bệnh.

Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Italy cho biết, tình hình dịch COVID-19 tại Italy diễn biến khó lường, có tác động tiêu cực đến cộng đồng người Việt sở tại và ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Italy trong thời gian qua.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro nhận quà hỗ trợ từ Việt Nam.

Kết quả đáng kinh ngạc

- Việt Nam vừa hỗ trợ hơn 500.000 khẩu trang phòng khuẩn cho 5 nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề bởi COVID-19, trong đó có Italy. Điều này rất có ý nghĩa, thiết thực đối với người dân Italy hiện nay, thưa Đại sứ?

Dư luận Italy đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam. Thủ tướng Giuseppe Conte đã gửi thư cảm ơn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio (hôm 17/4) cũng bày tỏ sự cảm ơn Việt Nam, sau khi chuyến bay VN9054 vận chuyển thiết bị y tế hỗ trợ của Việt Nam cho Italy hạ cánh tại sân bay Malpensa, Milan.

Bộ Ngoại giao Italy nhấn mạnh sự hỗ trợ này, đồng thời khẳng định ý nghĩa thiết thực của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Italy hiện vẫn đang diễn biến phức tạp.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Italy thông báo, lô hàng 88.000 khẩu trang và các vật dụng y tế do các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam quyên góp, ủng hộ cũng đã được chuyển tới Italy.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 2.

Ngày 10/4, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ tặng khẩu trang cho bệnh viện trẻ em Fate Bene.

Ngoài số khẩu trang mà Chính phủ ta trao tặng, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Hội Hữu nghị Việt Nam - Italy cũng vận động các hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân (như công ty Prowtech International Vina, công ty Sunflower, Cơ quan Du học Uni Italy tại Việt Nam...) ủng hộ Italy gần 30.000 khẩu trang và một số vật tư y tế chống dịch như màng chắn mica, đồ bảo hộ… là những vật dụng thiết yếu, hữu ích nhất trong lúc này.

Người Việt Nam chúng ta thường nói "của ít, lòng nhiều", "một miếng khi đói bằng một gói khi no", chúng ta đã ủng hộ, bày tỏ đoàn kết và chia sẻ với Italy trong những ngày khó khăn nhất trong lịch sử Italy, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Hiện vật ủng hộ đã được chuyển trực tiếp tới Cơ quan Bảo vệ dân sự các địa phương, các bệnh viện, nhà dưỡng lão, sở cảnh sát... những nơi tuyến đầu chống dịch nơi dễ bị tổn thương nhất bởi dịch COVID-19.

Chính phủ và người dân Italy đánh giá cao kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đây là một kết quả làm ngạc nhiên nhiều người dân tại Italy, trong đó có cả các chuyên gia y tế nước này, trong bối cảnh Italy là nước có số ca thiệt mạng lớn thứ 2 trên thế giới.

Dư luận nước sở tại cho rằng, lý do quan trọng nhất cho thành công của Việt Nam là phản ứng nhanh nhạy và kịp thời của Chính phủ ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Hệ thống chính trị giúp cho các quyết định then chốt được đưa ra một cách nhanh chóng và các nguồn lực xã hội được tập trung cho công tác phòng chống dịch một cách triệt để, với sự đồng thuận xã hội cao.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 3.

"Kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam làm ngạc nhiên nhiều chuyên gia y tế Italy," Đại sứ Việt Nam tại Italia Nguyễn Thị Bích Huệ

Các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý, cân bằng đã được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ tại Việt Nam cũng rất tốt. Đây là yếu tố quyết định trong việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế so với các quốc gia khác.

- Đại sứ có thể chia sẻ về tình hình dịch COVID-19 tại Italy hiện nay?

Tính đến ngày 4/5, Italy ghi nhận trên 210.717 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 28.884 ca thiệt mạng. Trên 70% số ca nhiễm và 78% ca thiệt mạng tập trung chủ yếu tại 4 vùng phía Bắc là Lombardia, Piemonte, Emillia Romagna và Veneto.

Italy đã bước qua đỉnh dịch, số ca nhiễm bệnh và thiệt mạng hàng ngày đang giảm nhưng chưa ổn định. Đầu tháng 5, nước này sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn 2 cuộc chiến chống dịch COVID-19.

- Italy đã và đang thực hiện các biện pháp như thế nào để ngăn chặn tình hình dịch COVID-19, thưa Đại sứ?

Chính phủ Italy có những biện pháp cẩn trọng ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Ngày 30/1, Italy phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên là 2 khách du lịch đến từ Trung Quốc .

Sau đó, Italy đã ngừng đường bay thẳng đến và đi với Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế để có thể kích hoạt các biện pháp chống dịch.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 4.

Italy đã bước qua đỉnh dịch, số ca nhiễm bệnh và thiệt mạng hàng ngày đang giảm nhưng chưa ổn định

Đến ngày 25/2, Italy áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại 2 vùng Lombardy và Veneto, như đóng cửa trường học, cửa hàng, bảo tàng, các hoạt động không thiết yếu, kiểm dịch với tất cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân…

Chính phủ Italy cũng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ với những người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, trong đó có phạt tiền và giam giữ đến 3 tháng, huy động cảnh sát và cả quân đội đảm bảo thực thi lệnh phong tỏa.

Italy áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 10/3 và đã được gia hạn một lần hôm 4/4. Chính phủ Italy đang tiến tới gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất từ ngày 4/5. Tuy nhiên, trường học sẽ chỉ mở cửa lại từ tháng 9.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khó khăn do đại dịch, Chính phủ Italy đã đưa ra gói hỗ trợ "Cura Italy" trị giá 550 tỷ Euro, trong đó bao gồm hỗ trợ việc làm trị giá 600 Euro/người lao động, bảo lãnh vay vốn trị giá từ 25.000 Euro đến 5.000.000 Euro cho các doanh nghiệp.

- Theo Đại sứ, khó khăn của Italy trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là gì?

Rõ ràng, COVID-19 tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu và các ngành dịch vụ (du lịch, thời trang , hội chợ triển lãm…) như Italy.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 5.

Italy bắt đầu bước vào giai đoạn 2 cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất của Italy cũng như của nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là cân bằng giữa "cuộc chiến" chống dịch với khôi phục sản xuất, phục hồi nền kinh tế sau phong tỏa.

Tại Italy, những vùng có tiềm lực kinh tế nhất, có nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ nhất cũng là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Do đó, Chính phủ Italy cũng đưa ra nhiều biện pháp rất nghiêm nghặt, nhằm đảm bảo khoảng cách công cộng, trong các nhà máy, công sở…

Ưu tiên bảo hộ công dân Việt Nam

- Đại sứ có thể cho biết tình hình Cộng đồng người Việt Nam tại Italy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?

Cộng đồng người Việt Nam tại Italy gồm khoảng 5.000 kiều bào hiện đang định cư, có quốc tịch và khoảng 700-800 sinh viên, lưu học sinh. Dịch COVID-19 diễn biến rất nhanh và nguy hiểm, hoàn toàn khác với nhận định ban đầu của nhiều người là giống như cúm mùa thông thường, do đó cộng đồng người Việt Nam nói riêng và toàn xã hội Italy nói chung đã bị bất ngờ.

Nếu như Trung Quốc chỉ thực hiện phong tỏa tại tỉnh Hồ Bắc, Italy buộc phải thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt trên toàn quốc. Đó là điều chưa bao giờ từng xảy ra tại Italy kể từ sau Thế chiến II. Cùng với những thiệt hại nghiêm trọng về người, dịch bệnh tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, khiến cuộc sống khó khăn hơn, kiều bào từ bất ngờ chuyển sang lo lắng.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 6.

Các bác sĩ Italy vẫn đang nỗ lực hết mình cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, bà con tỏ ra rất bình tĩnh, thận trọng, đoàn kết và sẻ chia. Điều đó một phần do cộng đồng người Việt Nam đều đã có cuộc sống ổn định từ lâu, được đảm bảo chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết.

Đối với sinh viên, các em đang phải sống xa gia đình , xa Tổ quốc, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nhất các em mới sang, còn chưa quen với cuộc sống sở tại, hoặc đang theo học các chương trình tiếng Anh và không nói được tiếng Italy thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn hơn.

Các em sống trong ký túc xá gặp khó khăn về điều kiện vật chất để đảm bảo tuân thủ cách ly, các em thuê nhà sống bên ngoài lo lắng dễ bị “cô độc”. Một số em đã quyết định rời Italy trước khi các đường bay về Việt Nam bị tạm dừng.

COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người, không chỉ người Việt. Riêng các em sinh viên, do sống xa gia đình, ngoài khó khăn chung còn là sự lo lắng của gia đình ở xa. Tuy nhiên các em đã tỏ ra rất bình tĩnh, thông qua sự kết nối với Đại sứ quán, với cộng đồng. Hiện không có trường hợp nào bị mắc bệnh.

- Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã thực hiện các biện pháp như thế nào để hỗ trợ công dân Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19, thưa Đại sứ?

Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã thực hiện các hành động, biện pháp khác nhau, trong đó bảo hộ công dân được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở giai đoạn này.

Theo đó, Đại sứ quán đã lập đường dây nóng bảo hộ công dân, liên tục cập nhật tình hình liên quan đến dịch bệnh để truyền tải các thông tin, thông báo của Chính quyền Italy tới cộng đồng, sinh viên Việt Nam một cách kịp thời. Đồng thời đưa các thông tin, khuyến cáo của Chính phủ Việt Nam liên quan đến công dân, nhất là các thủ tục nhập cảnh về Việt Nam.

Trong bối cảnh phong tỏa, việc quan trọng là mỗi người dân cảm thấy không bị “bỏ rơi”, nhất là các em sinh viên. Vì vậy, việc kết nối là rất quan trọng. Thông qua việc đăng ký sinh viên trước dịch, Đại sứ quán đã lập được bản đồ sinh viên, tổ chức sinh viên theo 14 cụm, kết nối các cụm trực tuyến với Đại sứ quán.

Đại sứ quán cũng phối hợp với Hội sinh viên, Cộng đồng thiết lập các đầu mối hỗ trợ phiên dịch cho từng cụm/vùng khi có người cần trợ giúp với bác sĩ, bệnh viện. Khi có công dân Việt Nam có vấn đề về sức khỏe , Đại sứ quán đã trợ giúp kết nối với các bác sỹ để thực hiện các thủ tục cần thiết.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã gửi công hàm, thư đến các cơ quan chức năng sở tại đề nghị quan tâm hỗ trợ cho cộng đồng, sinh viên Việt Nam tại Italy, đặc biệt là tới các trường đại học, khu ký túc xá, thị trưởng các thành phố nơi có nhiều sinh viên Việt Nam.

Nhiều ký túc xá, thị trưởng, chủ tịch vùng đã đáp ứng tích cực đề nghị của Đại sứ quán, như Trường Đại học Messina, nơi có đông sinh viên Việt Nam nhất tại Italy, đã cung cấp cho các em sinh viên Việt Nam trong ký túc xá 2 bữa ăn/ngày kể từ ngày 26/3 để các em không phải đi ra ngoài.

Đại sứ quán cũng vận động quyên góp khẩu trang, phối hợp cùng các cơ quan chức năng và đối tác ở 2 nước để vận chuyển số hàng này sang Italy và đến nay đã chuyển hàng ngàn khẩu trang tới cộng đồng, cho sinh viên.

Video: 51 công dân Việt Nam từ Italy về Đà Nẵng

Ngoài ra, Đại sứ quán cũng đã hỗ trợ đưa công dân có nguyện vọng về nước, đặc biệt là với việc làm đầu mối tại Roma, tổ chức chuyến bay đưa 52 công dân ta về nước an toàn ngày 18/4 vừa qua với sự hợp tác của VNAirlines và sự tài trợ của Tập đoàn dầu khí và năng lượng Italy ENI.

Trước đó, Đại sứ quán đã cử 2 cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ cho 15 sinh viên mắc kẹt có thể chuyển chuyến bay về nước, tạm ứng tiền vé máy bay cho 1 sinh vên.

- Công tác phối hợp với các cơ quan trong nước để hỗ trợ công dân Việt Nam diễn ra thế nào, thưa Đại sứ?

Công tác phối hợp với các cơ quan trong nước có ý nghĩa rất quan trọng việc hỗ trợ công dân, trực tiếp là với Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự). Các cơ quan trong nước thường xuyên chuyển cho các Cơ quan đại diện các thông tin về chính sách biện pháp chống dịch của Chính phủ ta, tình hình dịch bệnh trong nước... để kịp thời thông tin tới cộng đồng, sinh viên. Đặc biệt là các khuyến cáo về xuất nhập cảnh tại Việt Nam.

Ngược lại, Đại sứ quán duy trì báo cáo tin ngày, báo cáo chuyên đề về tình hình dịch bệnh, chính sách và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sự tác động của dịch bệnh với kinh tế, xã hội của Italy, tình hình cộng đồng và sinh viên Việt Nam.

Đại sứ cũng trả lời phỏng vấn báo chí, gửi thông điệp bình tĩnh và thận trọng tới cộng đồng người Việt. Đặc biệt với gia đình các em sinh viên tại Việt Nam.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 7.

Nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Italy đóng gói khẩu trang để phân phối cho cộng đồng sinh viên và đối tác tại địa bàn.

Công tác phối hợp trong ngoài thể hiện rõ ràng nhất là khi chúng tôi cùng phối hợp với trong nước để đưa 52 công dân về nước ngày 17/4, khi được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, sự tài trợ của Công ty dầu khí năng lượng quốc gia Italy (ENI) và sự hợp tác của Vietnam Airlines.

Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, gần như 24/24 giữa Đại sứ quán với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, với Vietnam Airlines và ENI Việt Nam, chúng ta đã không thể triển khai kế hoạch trong thời gian "kỷ lục", chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ với khối lượng công việc rất nhiều, trong bối cảnh phong tỏa toàn quốc, trong đó những có việc chưa từng có tiền lệ.

- COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực. Đại sứ có thể cho biết kế hoạch sắp tới để khôi phục lại quan hệ thương mại 2 nước?

Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Dự kiến GDP của Italy năm 2020 sẽ giảm 9,1% và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Italy trong Quý I năm 2020 chỉ đạt 1,15 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Italy đạt 758,6 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tình trạng sụt giảm chung của xuất khẩu Việt Nam sang các nước thuộc khối EU.

Đại sứ quán Việt Nam tại Italy luôn là cầu nối giao thương, để kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh mới. Ví dụ như đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh, các công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Các xu hướng thay đổi sắp xếp lại nguồn cung, dịch chuyển đầu tư sau COVID-19 cũng là những vấn đề chúng tôi cần nghiên cứu, làm rõ, chia sẻ với doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội.

 Chuyên gia y tế Italy kinh ngạc về kết quả phòng chống COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 8.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ tiếp kiến Tổng thống Sergio Mattarella tại Phủ Tổng thống Quirinale, Thủ đô Roma.

Italy đang chuẩn bị cho “giai đoạn 2” trong cuộc chiến với COVID-19. Hiện tại, các hoạt động sản xuất dần dần được mở cửa trở lại, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu sẽ được nối lại và những công việc hỗ trợ thủ tục cần thiết được Đại sứ quán hết sức quan tâm.

Thông tin tốt lành nhất là ngay trong dịch bệnh, 2 nước vẫn hoàn thành tốt các thủ tục để táo Italy được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với trong nước và phía Italy để sớm nối lại các hoạt động dự kiến như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế để đưa ra các biện pháp cụ thể. Đại sứ quán cũng sẽ chủ động liên hệ lại với các đối tác Italy để nối lại các chương trình và lên kế hoạch quảng bá thương mại đầu tư dự kiến.

- Xin cảm ơn Đại sứ!


Theo Kông Anh

Cùng chuyên mục
XEM