Chuyên gia Việt khẳng định viễn cảnh máy móc thay thế con người là rất xa vời
Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến viễn cảnh những nhà máy toàn robot thay vì công nhân đang dần trở thành hiện thực. Và người ta bắt đầu lo sợ về một tương lai mà ở đó ngày càng nhiều người sẽ trở nên thất nghiệp
Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 có thật sự đáng lo ngại hay không, đặc biệt tại Việt Nam, nơi số lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tỉnh khoảng 1,1 triệu người?
Một lần nữa, chủ đề này được tiếp tục mang ra thảo luận tại diễn đàn Youth Speak do Aiesec tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua.
Trước hết hãy điểm qua các cuộc cách mạng công nghiệp đã từng diễn ra trong lịch sử loài người. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra nhờ sự xuất hiện của máy hơi nước, cuộc cách mạng lần hai liên quan đến động cơ chạy điện, lần ba là sự xuất hiện của máy tính và Internet thì đến lần thứ tư này, hệ thống máy móc điều khiển tự động, robot, trí thông minh nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)… sẽ là những chủ đề chính.
Ở Việt Nam, đây chưa thế gọi là cuộc cách mạng, vì những ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện mới chỉ xuất hiện manh nha trong một số ngành nhỏ, chưa xảy ra phản ứng dây truyền theo kiểu Domino. Tuy nhiên trên thế giới, những công nghệ này đã len lỏi vào cuộc sống hằng ngày.
Ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc giải pháp phần mềm IBM Việt Nam cho biết, tại Mỹ các trường đại học thường có trợ giảng giúp đỡ giáo sư giải đáp thắc mắc của sinh viên. Cách đây 2 năm, một trường đại học tổ chức bỏ phiếu, chọn ra trợ giảng tuyệt vời nhất. Các sinh viên đều nhất trí đó là trợ giảng tên X, người luôn đưa ra lời đáp trong vòng nửa tiếng sau khi được hỏi, dù là đêm hay ngày; câu trả lời luôn sâu sắc và đầy đủ thông tin.
“Tuy nhiên điểm kỳ lạ là chưa có sinh viên nào từng gặp trực tiếp vị trợ giảng này, và về sau mọi người mới phát hiện ra đó là cỗ máy sử dụng AI của IBM”, ông Vũ tiết lộ.
Cũng theo ông nhiều người nghĩ các cỗ máy chỉ thay thế lao động chân tay, chứ không thay thể được lao động trong các ngành nghệ thuật sáng tạo, nhưng điều này không đúng. Có những trailer phim được sản xuất hoàn toàn bằng máy thay vì sự can thiệp của con người, hay tại IBM máy móc có thể tự đưa ra công thức nấu ăn dựa trên những nguyên liệu thuần Việt.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng nhiều thành phần, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ quản lý robot, máy móc thế nào?”, ông Vũ đặt câu hỏi. “Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và robot sẽ thay đổi. Trước đây họ ký hợp đồng lao động nhưng giờ chỉ cần trả chi phí ban đầu mua robot, về sau hoạt động có vấn đề phát sinh thì xử lý thế nào? Đây là là những công việc mới và cần phải thực hiện”, ông Vũ khẳng định.
“Nhiều người lo lắng cỗ máy thay thế con người nhưng ở IBM, chúng tôi quan niệm các cỗ máy có thể thay thể một số công việc của con người chứ không thay thế con người. Trong tất cả các công việc bạn làm, dù là môi giới chứng khoán, buôn bán bất động sản, gia sư… có những phần thay vì trước đây bạn lo từ A tới Z thì nay robot sẽ làm thay các bạn, còn các bạn tập trung vào công việc khác, mang lại nhiều giá trị hơn và làm cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Cũng khẳng định viễn cảnh máy móc thay thế con người là rất xa vời, nhưng anh Lê Công Thành, Giám đốc Topica AI Edtech Labs lại đưa ra một góc nhìn khác. Theo anh, điểm con người ưu việt hơn máy móc chính là ở hệ thần kinh với khả năng suy luận. Máy móc hiện có thể nghe, nhìn, nói nhưng không thể hiểu được hoàn toàn ngôn ngữ tự nhiên của con người, do đó các tác vụ máy móc giải quyết cũng chỉ dừng lại ở mức cơ bản.
Anh Thành cho biết trong AI, người ta chia thành một số lĩnh vực cụ thể. Lĩnh vực đầu tiên là superhuman, tức máy làm gì cũng như siêu nhân, giỏi vượt trội so với con người. Ví dụ hiện nay có những cuộc thi đấu cờ vua, chỉ máy đấu với nhau, nước đi “như tiên đánh cờ” hay năm ngoái máy tính của Google thắng áp đảo vua cờ vây thế giới với các nước đi rất “thần thánh”. Tuy nhiên ở mảng này, các bài toán đặt ra rất hạn chế, chỉ xoay quanh chơi game, đánh cờ.
Lĩnh vực thứ hai là strong human, máy làm gì cũng giỏi ngang con người. Cụ thể, IBM đã có hệ thống nhận diện giọng nói, khi phát ra một đoạn hội thoại, máy có thể đoán xem nội dung trong hội thoại ấy là gì. Ở một số bang bên Mỹ đã cho phép ô tô tự lại chạy ra đường. Hệ thống này còn lái tốt hơn con người dù chỉ hoạt động trên camera cảm biến để nhìn mọi thứ xung quanh. Nhưng giống như lĩnh vực superhuman, ở đây máy móc cũng chỉ giải quyết một lớp bài toán rất nhỏ.
“Đa phần máy móc hiện nay chỉ giải quyết bài toán ở lĩnh vực subhuman, nghĩa là kém hơn con người. Máy móc không thể phân tích, thấu hiểu ngôn ngữ như con người, nếu không Facebook đã gợi ý chính xác 100% những gì bạn mong muốn cho các bên quảng cáo rồi”.
“Những người làm AI vẫn đang đi tìm định luật mô phỏng sự thông minh, giống như định luật vật lý Newton tìm ra ngày xưa. Từ giờ đến lúc đó AI vẫn còn phải đi một ngưỡng xa nên việc tự động hóa thay thế con người cũng còn xa”, anh Thành kết luận.