Chuyên gia và ngân hàng nhìn nhận thế nào về việc giãn quy định siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn?
Một ý kiến được nhiều người đồng thuận đó là mặt bằng lãi suất sẽ khó bị đẩy lên do áp lực cân đối nguồn vốn trung, dài hạn được giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn có quan điểm phản bác điều này.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2020.
Theo đó, các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình: Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết 30/9/2023 là 34%; từ ngày 1/10/2023 là 30%. Như vậy so với Thông tư 22, NHNN đã lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm.
Đánh giá về quyết định trên của NHNN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, việc lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là phù hợp với tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp đều có nhu cầu lớn hơn về vay vốn trung, dài hạn để tận dụng ưu đãi lãi suất tương đối hấp dẫn. Về phía ngân hàng, thanh khoản đang dồi dào nên các giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là vướng mắc hiện nay, nhưng việc lùi lộ trình sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các tổ chức tín dụng nếu muốn họ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.
Ở góc nhìn các ngân hàng thương mại, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, nhận xét, "khi mà tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến các hoạt động kinh tế có thể còn kéo dài, dòng tiền và thu nhập chưa phục hồi được thì tiền gửi không sẵn có nhiều như trước đây, trong khi đó nhu cầu được cơ cấu lại nợ, hoặc được cấp tín dụng trở lại với thời gian dài hơn là hợp lý. Do đó, tỷ lệ tín dụng trung, dài hạn trong tổng tín dụng của các ngân hàng có thể tăng lên, tạo áp lực cho các ngân hàng trong tuân thủ tỷ lệ cho vay trung dài hạn so với vốn huy động ngắn hạn nếu không có sự điều chỉnh".
Cũng theo ông Trung, việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, một mặt không tạo áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy quy mô huy động vốn, theo đó mặt bằng lãi suất không phải chịu áp lực bị đẩy lên. Mặt khác, việc giãn tiến độ sẽ hỗ trợ các ngân hàng mạnh dạn hơn trong cơ cấu lại hoặc cấp tín dụng trung, dài hạn trở lại. Được biết tại Vietcapital Bank tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tính đến hết ngày 20/8 là 21%.
Ông Lê Hải, Quyền Tổng giám đốc ABBank cũng đồng tình rằng việc giãn lộ trình áp dụng đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn của NHNN là một chính sách mang tính kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn và hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Ngoài ra, chính sách này của NHNN cũng có tác động giúp ổn định mặt bằng lãi suất huy động, cho vay trên thị trường trong giai đoạn chúng ta đang dồn sức hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cập nhật về hoạt động của ABBank, ông Lê Hải cho biết, tỷ trọng vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn luôn được duy trì ở mức 33%-35%, thấp hơn ngưỡng dự kiến NHNN áp dụng theo thông tư 22, và sẽ tiếp tục được cải thiện hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến tín dụng những tháng đầu năm chậm lại trong khi huy động vẫn có sự tăng trưởng.
Trong khi đó ở góc nhìn khác biệt, TS. Phan Minh Ngọc lại cho rằng, để đánh giá đúng mực hành động giãn lộ trình này, trước tiên cần nhận thức việc đưa ra lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là điều cần thiết, có ý nghĩa và tác động tích cực đến sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc giãn lộ trình sẽ dẫn đến rủi ro là tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, dù là chỉ thêm 1 năm, có thể tăng lên mức nguy hiểm (cho sau này). Hơn nữa việc không khống chế mức trần ấy rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng "lên thì dễ mà xuống thì khó", khi đến thời hạn hiệu lực mới, các ngân hàng sẽ lại "kêu" với NHNN rằng họ không thể đảm bảo đúng tỷ lệ như quy định vì khó khăn, rốt cuộc NHNN sẽ rất có thể lại phải giãn/hoãn lộ trình thêm lần nữa với những lý do tương tự trong mấy năm gần đây?
Về tác động lên lãi suất, vị chuyên gia cho rằng, với lo ngại bị siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn dẫn đến mặt bằng lãi suất chung tăng lên thì không hoàn toàn đúng mà phải xem xét trong bối cảnh động. Khi lãi suất huy động dài hạn tăng (với giả sử NHNN giữ nguyên cung tiền) sẽ kích thích người gửi tiền chuyển sang gửi dài hạn hơn là ngắn hạn, làm nguồn cung vốn dài hạn tăng lên trong khi giảm nguồn cung vốn ngắn hạn. Kết quả là lãi suất huy động dài hạn có xu hướng giảm đi trong khi lãi suất huy động ngắn hạn có xu hướng tăng lên (với giả sử nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không đổi). Bởi vậy mặt bằng lãi suất giảm hay tăng hầu như không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là bao nhiêu, có bị siết hay không, nó chỉ phụ thuộc phần lớn vào cung tiền của NHNN mà thôi.
Còn để giúp ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay thì điều tiên quyết là NHNN phải hạ lãi suất chính sách. Điều này đã được NHNN thực hiện thời gian qua nhưng mới chỉ là mức độ rất khiêm tốn, trên danh nghĩa là chính.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, theo TS. Phan Minh Ngọc không có gì đảm bảo rằng ngân hàng thương mại sẽ chuyển phần tiết kiệm về chi phí vào khoản cho vay doanh nghiệp. Vì vậy, để tránh khả năng trục lợi, NHNN sẽ phải yêu cầu ngân hàng thương mại đưa ra các bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa giãn lộ trình giảm tỷ lệ này với việc giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp. Nhưng có lẽ việc này là bất khả, dù ngân hàng thương mại tự giác thực hiện.