Chuyên gia tự bẻ khớp tay suốt 60 năm liền chỉ để chứng minh một điều nho nhỏ

05/12/2017 16:35 PM | Sống

Từ khi còn là một thanh niên, Unger đã bị mẹ nhắc về việc bẻ khục tay có thể gây viêm khớp. Bắt đầu từ đó, ông đã nảy ra ý tưởng: Unger chỉ bẻ khục một bên tay trái của mình và làm điều đó mỗi ngày trong khi để nguyên tay bên phải.

Đôi khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi hoặc có vẻ căng cứng, bạn vẫn thường vặn mình và nghe thấy những tiếng lục khục trong khớp. Một số người còn có thói quen bẻ khục ở tay, mà dường như chỉ để “cho vui”.

Nhưng có một quan niệm cho rằng bẻ khục như vậy có thể gây ra chứng viêm khớp. Liệu điều đó có đúng hay không? Những tiếng “lục khục” và đôi khi là “răng rắc” có hại đến khớp của bạn?

Tiếng lục khục hay răng rắc phát ra khi bẻ khớp có hại hay không?

Nguồn gốc của những tiếng lục khục

Có 2 cảm giác mà mọi người sẽ gặp, sau khi những tiếng lục khục của khớp vang lên: Hoặc là bạn sẽ thoải mái hơn, hoặc là bạn sẽ thấy đau. Nếu bẻ khục khiến bạn đau, tốt hơn hết bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra. Còn nếu không, những tiếng lục khục ở vai, cổ hoặc lưng hầu như chẳng có hại gì.

Tại sao các khớp lại kêu lên như vậy? Thực ra, giữa các khớp xương có một không gian chứa chất hoạt dịch, là một chất lỏng giúp giảm ma sát giữa các khớp xương khi chúng chuyển động. Chất hoạt dịch chứa lẫn trong đó cả các bong bóng khí (bao gồm oxy, nitơ và CO2).

Khi bạn bẻ khục hoặc xoay khớp, điều chính xác bạn làm là kéo giãn các khoảng trống chứa chất hoạt dịch. Không gian mở rộng sẽ tạo ra lực hút giống như chân không. Các bong bóng khí ở giữa bị phồng lên và chúng nổ “lục khục”, đó là tiếng nổ mà bạn nghe thấy.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác cho rằng, thực ra tiếng lục khục là do các bong bóng khí hình thành chứ không phải phát nổ. Có nghĩa là khi bạn kéo giãn khớp xương, khoảng trống lớn hơn khiến không khí chiếm chỗ nhiều hơn và hình thành bong bóng. Khi bóng bóng hình thành, chúng cũng có thể phát ra tiếng lục khục.

Các nhà khoa học vẫn tranh cãi xem giả thuyết nào là đúng. Họ đã sử dụng cả máy siêu âm để theo dõi những bong bóng trong chất hoạt dịch của khớp. Câu trả lời nghiêng về phía giả thuyết các bong bóng hình thành. Bởi tiếng lục khục đã phát ra sau khi siêu âm nhìn thấy bong bóng khí.

Những bong bóng trong chất hoạt dịch là nguồn gốc của tiếng lục khục khi bẻ khớp

Nhưng dù thế nào, có một sự thật là khi tiếng lục khục vang lên rồi, những lần bẻ khớp liên tiếp theo đó sẽ không khiến tiếng động xuất hiện nữa. Bạn phải chờ ít nhất 20 phút để các bong bóng trở lại trạng thái ban đầu.

Một điều nữa là khi bạn bẻ khục càng nhiều, khớp sẽ càng trở nên lỏng lẻo hơn. Và khi khớp lỏng lẻo hơn, bạn sẽ càng dễ dàng nghe thấy những tiếng lục khục.

Liệu sự lỏng lẻo của khớp có tại thành rắc rối, và dẫn đến chứng viêm khớp sau này hay không? Nhiều khả năng câu trả lời là “Không”. Hãy xem xét đến các phát hiện của bác sĩ Donald Unger, được cho là nhà nghiên cứu hàng đầu về chuyện bẻ khớp. Ông đã làm một thí nghiệm suốt 60 năm trên chính bản thân mình để xem bẻ khớp có hại hay không.

Từ khi còn là một thanh niên, Unger đã bị mẹ nhắc về việc bẻ khục tay có thể gây viêm khớp. Bắt đầu từ đó, ông đã nảy ra ý tưởng: Unger chỉ bẻ khục một bên tay trái của mình và làm điều đó mỗi ngày trong khi để nguyên tay bên phải.

Thí nghiệm này của ông kéo dài hàng thập kỷ, cho tới nay đã hơn 60 năm, nhưng cả hai bên tay của Unger vẫn chẳng hề bị viêm khớp. Công trình khoa học độc đáo này đã mang về cho Unger một giải Ig Nobel .

Bác sĩ Donald Unger, người đã bẻ khớp suốt 60 năm để chứng minh nó không gây viêm

Trên khía cạnh nghiên cứu chính thống, hầu hết thử nghiệm y khoa cũng đều đồng ý với nhận định của Unger, rằng không có mối liên hệ nào giữa hiện tượng bẻ khục và viêm khớp. Một nghiên cứu năm 2010 được thực hiện trên 215 người cho thấy thói quen bẻ khục không phải là một yếu tố nguy cơ cho việc phát triển bệnh viêm khớp trong tay.

Thậm chí, đáng ngạc nhiên hơn là những người không bẻ khục lại có tỷ lệ viêm khớp cao hơn những người làm điều này. Một nghiên cứu quy mô nhỏ hơn năm 1975, thực hiện trên những bệnh nhân trong nhà dưỡng lão cũng không tìm thấy sự liên quan giữa bẻ khục và căn bệnh.

Mặc dù vậy, có một nghiên cứu khá đáng chú ý vào năm 1990. Nó được thực hiện trên 300 người và kết luận rằng bẻ khục tay trong thời gian dài có thể dẫn tới sưng và giảm sức cầm nắm. Thế nhưng, từ đó tới nay chưa có nghiên cứu mới nào xác nhận lại kết quả này.

Còn cả những tiếng khục khác nữa

Như chúng ta đã nói, những tiếng lục khục khi bẻ khớp đến từ sự hình thành hoặc vỡ của bong bóng trong chất hoạt dịch. Nhưng đôi khi nó có thể bị nhầm lẫn với một số âm thanh khác cũng phát ra từ cơ thể bạn, gần các khớp xương.

Thứ nhất, đó có thể là tiếng bật của dây chằng. Dây chằng hoạt động như các dải cao su trải dài giữa các cơ và xương để kết nối chúng lại. Khi bạn cử động khớp, dây chằng cũng dịch chuyển và thỉnh thoảng nó có thể tạo ra âm thanh lục khục nhưng trầm hơn bẻ khớp.

Bạn có thể dễ dàng nghe thấy tiếng dây chằng khi xoay cổ chân, lúc đứng lên hoặc ngồi xuống hay khi leo cầu thang bộ.

Nếu những tiếng động đi kèm với cảm giác đau, bạn nên đi khám

Thứ hai, còn một tiếng kiểu lục khúc khác nhưng có vẻ rít hơn là nổ giòn giống bẻ khớp. Thực ra, nó nghe giống “răng rắc” hơn, là âm thanh khi xương ma sát vào sụn. Tiếng ma sát này thường được nghe thấy nhất ở đầu gối, nhưng chúng cũng vô hại.

Nói tóm lại, bạn không cần phải lo lắng về những âm thanh “lục khục” hay “răng rắc” nào phát ra từ các khớp xương của mình. Trừ khi các tiếng động này đi kèm cảm giác đau, bạn nên đến bệnh viện. Còn nếu không, đó thực ra là cách mà cơ thể bạn hoạt động, hết sức bình thường.

Tham khảo Vox

Theo zknight

Cùng chuyên mục
XEM