Chuyên gia tìm ra "vũ khí" khiến Việt Nam thành công: Chỉ số sống còn vượt cả Mỹ, châu Âu

03/02/2022 12:44 PM | Xã hội

Một "bí ẩn" của đại dịch đã được giải mã khi nhìn vào câu chuyện ở Việt Nam, Đan Mạch.

"Vũ khí" của Việt Nam

Trước năm 2020, Việt Nam có vẻ đặc biệt mong manh yếu đuối trước một đại dịch. Đất nước Đông Nam Á với gần 100 triệu dân xếp hạng thấp trên thang đánh giá quốc tế về mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và có số giường bệnh tương đối khiêm tốn.

Thế nhưng, Việt Nam lại nổi lên như một câu chuyện chống dịch thành công ngay thời điểm đầu. Rất lâu sau khi Covid-19 lây lan ở nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì được mức độ lây nhiễm và tử vong thấp, ngay cả khi các nước giàu có với hệ thống y tế mạnh như Mỹ và phần lớn châu Âu phải chật vật.

Một nghiên cứu mới đây về mức độ sẵn sàng trong đại dịch ở 177 quốc gia và vùng lãnh thổ có vẻ đã tìm ra yếu tố chủ chốt trong thành công của Việt Nam: Đó là niềm tin.

Thomas Bollyky, một trong các tác giả nghiên cứu, cho hay, nếu xét theo nguyên lý truyền thống về mức độ sẵn sàng thì Việt Nam đáng ra đã thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19.

"Điều mà Việt Nam có, và dường như có thể lý giải phần nào cho những gì đã xảy ra, là họ có niềm tin rất cao vào chính phủ - thuộc nhóm cao nhất thế giới", Bollyky - học giả về y tế toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định.

Lòng tin là yếu tố sống còn

Nghiên cứu nói trên đã qua bình duyệt và được đăng tải hôm 1/2 trên tạp chí y khoa hàng đầu Lancet, sau 10 tháng nghiên cứu của Bollyky, cộng sự của ông - học giả Erin Hulland thuộc Đại học Washington và một nhóm các nhà khoa học khác.

Mục đích của nghiên cứu là nhằm trả lời câu hỏi vốn được coi là "bí ẩn dịch tễ học" của Covid-19: Vì sao virus corona chủng mới lại tấn công một số nước mạnh hơn nhiều so với các nước khác?

Trong bối cảnh các nước đã tính tới đại dịch kế tiếp và nhiều hiệp ước được vạch ra để tăng cường năng lực chuẩn bị đang được bàn thảo, câu hỏi này ngày càng khẩn thiết.

Tuy nhiên, khi xem xét dữ liệu khắp thế giới, các nhà khoa học phát hiện ra, những mô hình truyền thống về năng lực chuẩn bị cho đại dịch không phù hợp với những gì họ trông thấy.

"Chúng tôi không tìm thấy sự liên quan giữa các hệ quả của Covid với nền dân chủ, chủ nghĩa dân túy, mức độ hiệu quả của chính phủ, các thang đo lường về năng lực chuẩn bị cho đại dịch, chăm sóc sức khỏe toàn dân, bất bình đẳng kinh tế hay niềm tin vào khoa học", ông Bollyky nói.

Những yếu tố kể trên được xem là chủ chốt cho các bảng xếp hạng trước thời kỳ đại dịch, ví dụ như Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GHSI). Theo dữ liệu GHSI năm 2019 thì Anh và Mỹ được xem là các quốc gia có mức độ chuẩn bị cao nhất trong bối cảnh xảy ra sự kiện thảm họa sinh học, chẳng hạn như đại dịch - còn Việt Nam chỉ đứng thứ 74 trên tổng số 117 nước được xếp hạng.

Thay vào đó, những tín hiệu khả quan hơn có vẻ lại song hành với lòng tin - khi người dân tin tưởng cao vào chính phủ và tin tưởng lẫn nhau. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu khảo sát từ Gallup và World Values Survey để đo lòng tin.

Chuyên gia tìm ra vũ khí khiến Việt Nam thành công: Chỉ số sống còn vượt cả Mỹ, châu Âu - Ảnh 1.

Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội vào giai đoạn cao điểm của dịch. Ảnh: AP/Hau Dinh

Rebecca Katz, giám đốc Trung tâm An ninh và Khoa học Sức khỏe Toàn cầu thuộc Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, đồng thời là chuyên gia có liên quan tới nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu là minh chứng cho điều mà nhiều người vẫn tranh luận.

"Niềm tin vào chính phủ và sức mạnh của gắn kết cộng đồng là những yếu tố sống còn trong ứng phó y tế công cộng", Katz chia sẻ với WaPo.

Joshua Sharfstein thuộc Đại học Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg nhận định, nghiên cứu cho thấy "cuộc chiến giữa con người với virus gây bệnh được điều đình bởi các chính phủ".

"Nếu người dân không tin tưởng vào những gì chính phủ nói thì nhiều khả năng họ sẽ không giữ thái độ đề phòng cần có", Sharfstein nói.

Các tác giả nghiên cứu đã đi đến kết luận khi xét tới tỷ lệ lây nhiễm được chuẩn hóa trên khắp thế giới. Khi nhìn vào những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, ví dụ như tuổi thọ của dân số, các nhà nghiên cứu phát hiện những dấu hiệu rõ nét cho thấy chính phủ một số nước đã làm tốt hơn các nước khác.

Hãy thử nhìn vào trường hợp của Mỹ. Nước này có tỷ lệ lây nhiễm đã được chuẩn hóa tệ thứ hai trong số nhóm các nước thu nhập cao. Tính toán tỉ lệ lây nhiễm đã được chuẩn hóa so với số tử vong thì Mỹ nằm ở giữa nhóm - điều này cho thấy hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ tương đối mạnh, kể cả khi người dân dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Chính phủ Mỹ thì chật vật thuyết phục người dân áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus, từ giãn cách xã hội cho tới can thiệp y tế như tiêm phòng. Nhiều khảo sát chỉ ra rằng nước Mỹ có mức độ tin tưởng vào chính phủ tương đối thấp so với các nước khác thuộc nhóm thu nhập cao, trong khi mức độ phân cực chính trị lại lớn.

"Lòng tin vào chính phủ của bạn hoặc lòng tin vào người khác liên quan mật thiết tới tỷ lệ tiêm phòng", Bollyky nói, "Nó cũng liên quan tới sự giảm bớt về tính lưu động - một chỉ số đo lường các chính sách giãn cách xã hội".

Theo ước tính của nghiên cứu, nếu mọi quốc gia đều có mức độ tin tưởng vào chính phủ tương tự như Đan Mạch (xét trong nhóm các nước thu nhập cao), thì số người nhiễm bệnh đã giảm bớt 13%.

"Còn nếu người dân tin tưởng lẫn nhau ở mức độ tương tự thì con số này còn lớn hơn: 40%, tức là đã bớt được khoảng 440 triệu người nhiễm bệnh trong vòng 21 tháng triển khai nghiên cứu", Bollyky nhấn mạnh.

Theo Thi Anh

Cùng chuyên mục
XEM