Chuyên gia quản lý doanh nghiệp Đỗ Hòa: Việt Nam hiếm có doanh nghiệp mang tầm vóc khu vực, bởi chúng ta thường quản lý theo kiểu thuận tiện, thay vì khoa học

11/09/2019 12:30 PM | Kinh doanh

Với quản lý doanh nghiệp kiểu thuận tiện, nhà quản lý không phải lao động nhiều – nhân viên chẳng phải vắt óc sáng tạo, nhưng kèm theo đó là sự thiếu hiệu quả khiến doanh nghiệp không thể lớn hơn nữa, thậm chí có khi còn suy thoái rồi chết đi hoặc phải bán cho người khác.

Sau nhiều năm làm nghề, cũng như kinh qua các tập đoàn khác nhau cả trong và ngoài nước, ông Đỗ Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị, Chủ tịch Group Quản lý Doanh nghiệp, đã có nhiều nhận định thú vị trong Tọa đàm ‘Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý trong vận hành doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao trong kinh doanh’, do Tạp chí TheLeader tổ chức.

"Bản thân tôi, sau thời gian dài làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam, sau đó được mời làm quản lý ở một vài công ty lớn tại Việt Nam, đã thấy: khoảng cách giữa việc áp dụng khoa học quản trị tại các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam rất xa.

Cho nên, tôi lập nên Group Quản lý Doanh nghiệp chính với tham vọng: muốn góp một tiếng nói để giúp Việt Nam hình thành nên cái gọi là chuẩn mực về quản trị - quản lý doanh nghiệp. Mặc dù, điều này rất rất khó thực hiện vì nó phụ thuộc nhiều vào các quy định của nhà nước, nhưng nếu chờ nhà nước thì đến bao giờ? Theo tôi, cá nhân – chủ doanh nghiệp nào biết cái gì thì nói cái đó, nhằm khuấy phong trào lên", ông Đỗ Hòa chia sẻ về mục đích sáng lập ra CLB Quản lý Doanh nghiệp.

Cũng theo ông, hiện nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam vẫn hết sức mù mờ về việc ‘như thế là nào là quản lý khoa học?’. Quản lý khoa học tức là mỗi một ngành hàng khác nhau thì có cách quản lý tương ứng phù hợp, phụ thuộc vào từng đặc điểm riêng của ngành hàng; hoặc mỗi công ty có một chiến lược phát triển khác nhau thì quản lý khác nhau, để giúp công ty đi đúng theo định hướng đó; mỗi mô hình kinh doanh khác nhau cũng có cách quản lý phù hợp riêng biệt.

Nhưng hiện tại, ở Việt Nam, người ta đang chuộng kiểu quản lý thuận tiện hơn. Tức là, các nhà quản lý áp dụng một công thức quản lý cho tất cả các ngành hàng, cho tất cả các chiến lược và mô hình kinh doanh; tất nhiên, dù có đa dạng hóa ngành hàng hoặc thay đổi chiến lược, mà đều ‘rập khuôn’ cùng một kiểu quản lý thì không phù hợp và tạo ra hiệu quả cao.

"Trình độ quản lý khoa học giữa các công ty quốc tế và Việt Nam còn một khoảng cách rất xa, mà không biết bao giờ mới có thể rút ngắn được", ông Đỗ Hòa nhận định.

Nền kinh tế Việt Nam càng vào giai đoạn hội nhập – cạnh tranh quyết liệt, thì kiểu quản lý thuận tiện đó càng lộ ra những yếu điểm chết người, khi tốn chi phí cao mà công việc lại chậm chạp, tính sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp không có, thiếu hiệu quả. Không ít doanh nghiệp Việt lớn lên rồi dần đi xuống hoặc phải bán mình cho các đối tác nước ngoài trước khi kịp lớn. Chúng ta không có những tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực là bởi cung cách quản lý kiểu thuận tiện thay vì khoa học, làm hạn chế khả năng của mình, ông Đỗ Hòa cho biết.

Vấn đề nữa, khi nhiều chủ doanh nghiệp nhận thấy sự thiếu hiệu quả của kiểu quản lý thuận tiện đó và muốn thay đổi, thì không thể thay đổi được.

"Không sửa được bởi vì sao? Bởi kiểu quản lý thuận tiện đã trở thành văn hoá doanh nghiệp mất rồi! Nhiều doanh nghiệp đã phát triển lâu trong guồng quay đó, kiểu quản lý thuận tiện trở thành tư duy làm việc chung của cả hệ thống trong vài chục năm, nên không thể sửa được.

Mình thay đổi cái gì là anh em quản lý cấp trung ở phía dưới phản đối, không chấp nhận sự thay đổi. Vì cách quản lý thuận tiện khiến họ dễ dàng, thoải mái trong việc quản lý hơn là kiểu quản lý khoa học. Doanh nghiệp càng có bề dày lịch sử thì sức ỳ càng lớn!", ông Hòa tiếp tục bàn luận.

Chuyên gia quản lý doanh nghiệp Đỗ Hòa: Việt Nam hiếm có doanh nghiệp mang tầm vóc khu vực, bởi chúng ta thường quản lý theo kiểu thuận tiện, thay vì khoa học - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hòa đang chia sẻ những kinh nghiệm quản trị và quản lý doanh nghiệp với các thành viên trong CLB Quản lý Doanh nghiệp.

Nhiều chủ doanh nghiệp không muốn tiêu nhiều tiền, nhưng lại muốn lộ trình doanh nghiệp phải phát triển đi lên và cách quản lý thuận tiện đó sàn lọc con người đến mức độ: chỉ có những con người "gọi dạ, bảo vâng" mới tồn tại được trong hệ thống đó và họ phát triển đi lên thành tập đoàn như vậy.

Bây giờ, ngay cả khi người chủ doanh nghiệp nhận thấy vấn đề và muốn thay đổi, nhưng mà không thể làm gì, vì cái dàn quản lý cấp trung của họ chỉ có trình độ và suy nghĩ như vậy. Họ không chịu thay đổi từ quản lý theo những nguyên tắc có sẵn qua động não, sáng tạo, quen kiểu sếp bảo sao tôi làm vậy, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh lần nữa. Không ít doanh nghiệp Việt có tiền mà không thể thay đổi và chuyển hướng được!

"Nếu chờ nhà nước định hình về một chuẩn quản trị - quản lý doanh nghiệp và ban hành xuống, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có. Thế nên các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, cùng với báo chí Việt phải làm sao đó để đưa những tiêu chuẩn này vào đời sống doanh nghiệp, thì Việt Nam mới phát triển nhanh, bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không, khi doanh nghiệp Việt hoạt động kém hiệu quả thì phải bán cho nước ngoài, hoặc dần dần bị thui chột và có khi chết luôn, Việt Nam mình mất các cơ hội phát triển", ông Đỗ Hòa đề nghị.

Về khái niệm quản trị và quản lý, theo ông Đỗ Hòa, do đó đều là những khái niệm của phương Tây nên khi áp dụng vào Việt Nam rất khó để rạch ròi. Thêm nữa, do cấu trúc sở hữu tại Việt Nam là công ty gia đình rất nhiều, tức là người chủ sở hữu doanh nghiệp cũng đồng thời nắm quyền điều hành doanh nghiệp; nên thường công tác quản lý và quản trị thường được kết hợpx với nhau, bóc tách rất khó. Người chủ doanh nghiệp khi thì làm vai trò này, khi lại đóng vai trò kia.

Nhà quản lý thường có tính cách cứng rắn, mạnh mẽ, quyết định nhanh và tương đối hiếu thắng thì mới có thể điều hành tốt sự vụ hàng ngày. Còn nhà quản trị thường có tính cách giỏi lôi kéo, thu hút, gần gũi và thấu hiểu. Nhà quản lý thường gây xích mích, mâu thuẫn, tạo ra áp lực để thúc đẩy nhân viên và doanh nghiệp luôn tiến về phía trước; có trách nhiệm tổ chức, khai thác nguồn lực mà nhà quản trị giao phó. Nhà quản trị đóng vai trò giải toả, hoà giải, kết nối, giúp doanh nghiệp có sự cân bằng cần thiết, như giải quyết xung đột mà nhà quản lý gây ra trong suốt quá trình điều hành doanh nghiệp.

Còn với công ty niêm yết, quản trị công ty phải theo luật thì nhà đầu tư mới tin tưởng, quản lý và quản trị phải bóc tách được để có sự minh bạch, rõ ràng. Nếu không, có thể có kẻ lợi dụng làm lợi cho mình và làm thiệt hại cho các nhà đầu tư khác cùng các bên liên quan. Ngoài ra, ông chủ của các công ty niêm yết có thể kiêm nhiệm cả việc quản lý lẫn quản trị, nhưng khi phát biểu phải rõ ràng là mình đang đại diện cho vai trò nào.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM