Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam

18/04/2019 14:32 PM | Kinh tế vĩ mô

"Trong quý I/2019 số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể không ngừng tăng lên, phần lớn rơi vào DNNVV, có nghĩa là họ vẫn khó khăn, luôn khó khăn về nhiều mặt", bà Phạm Chi Lan nói với Trí Thức Trẻ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan là một trong những khách mời của Giao lưu trực tuyến: Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho DNNVV" do Báo Trí Thức Trẻ tổ chức. DNNVV (SME) theo quan điểm của vị chuyên gia này, có thể xem là "dễ bị tổn thương" và "xếp dưới đáy" trong việc tiếp cận các nguồn lực.

Lo ngại về số doanh nghiệp phá sản tăng nhanh 

Theo số liệu được phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tín dụng cho SME trong 2 tháng đầu năm đã có sự giảm nhẹ so với năm 2018, khoảng 0,04%. NHNN dự kiến hết quý I, mức tín dụng này sẽ dao động quanh 1%, tương đương cùng kỳ 2018 (1,6%).

Tín dụng cho SME tăng thấp được NHNN giải thích là do ảnh hưởng của Tết Dương lịch và Âm lịch. Theo đó, các doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ, tiền về trả nợ ngân hàng và ít vay hơn. Mặt khác, thông lệ ở quý I tín dụng sẽ thấp hơn, doanh nghiệp sẽ hoạt động mạnh và tăng tốc ở các quý sau.

Lập luận của NHNN, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, có thể phần nào phản ánh được bức tranh của thị trường. Nhưng nhìn sâu hơn, bà cho rằng có 2 vấn đề cần lưu tâm từ những con số này.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam  - Ảnh 1.

Ảnh: Tuấn Mark

Thứ nhất là trong quý I, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động đã tăng lên. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 14.761 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

"Phần lớn những doanh nghiệp này rơi vào nhóm quy mô nhỏ và vừa. Nghĩa là DNNVV vẫn khó khăn về nhiều mặt. Số lượng giải thể nhiều hơn nên việc họ có tăng nhu cầu tín dụng là khó. Họ đang lo giải quyết các tồn tại để đóng cửa doanh nghiệp", bà Chi Lan nhận định.

Thứ hai, theo bà Lan, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang muốn "bật lên" và nỗi lo lắng thường trực về hai mặt lợi – hại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, DNNVV – đối tượng dễ bị thua thiệt nhất lẽ ra phải tận dụng tối đa cơ hội. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có vẻ vẫn đang thể hiện "thông lệ thư thả" dịp đầu năm và tăng tốc ở các quý sau khiến bà Lan tỏ ra lo lắng.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam  - Ảnh 2.

Ảnh: Tuấn Mark

"Càng về sau tôi càng nghĩ người làm kinh doanh phải tận dụng tối đa, không cho mình nghỉ ngơi quá nhiều. Thế mà năm nay DNNVV không có bước bật lên, thể hiện qua tín dụng như thế này khiến tôi không an tâm", bà Lan chia sẻ.

DNNVV chỉ được hưởng "mẩu vụn" của chiếc bánh thị trường

Trong vô số khó khăn mà DNNVV gặp phải thì tiếp cận tín dụng đứng vị trí số 1. Điều này diễn ra ngay cả khi chỉ tiêu lạm phát ổn định, theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

Theo bà Lan, tiếp cận tín dụng và mức lãi suất phụ thộc nhiều vào doanh nghiệp và sự đánh giá của ngân hàng. Tuy nhiên, rất ít DNNVV được phía ngân hàng đánh giá cao hoặc đối với một số ít, đáp ứng được chuẩn ưu đãi của ngân hàng về tín dụng, lãi suất nhưng cũng có thể dễ dàng bị ngừng, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho doanh nghiệp.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam  - Ảnh 3.

Ảnh: Tuấn Mark

"Muốn cho người ta làm ăn dài hạn, có tầm nhìn nhưng nếu lãi suất bấp bênh, chập chờn sẽ khiến doanh nghiệp khó lòng đi xa hơn", bà nói.

Nhưng bên cho vay, là ngân hàng, cũng có thế khó của họ. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh hàng hoá đặc biệt – dù lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro, do vậy, việc cho các đối tượng như DNNVV vay, cũng cần xem xét kỹ lưỡng.

Bài toán đặt ra theo đó như một vòng luẩn quẩn và cốt lõi của nó, phải có một giải pháp tổng thể, mà theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đó là phải đổi mới, thay đổi tư duy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Chúng tôi khao khát cả chục năm nay là phải có một công cuộc đổi mới lần 2 ở nước ta", bà Lan nói.

"Nhìn chung ở Việt Nam, ưu tiên số 1 là DNNN, kế đến là doanh nghiệp FDI rồi mới đến khối tư nhân. Khi đi đàm phán WTO, nhiều nhà đàm phán nước ngoài phàn nàn với tôi về điều khoản bình đẳng giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội địa sao khó thế nhưng tôi nói với họ là không cần. FDI ở Việt Nam được ưu đãi, còn nếu đòi được như doanh nghiệp Việt Nam, có nghĩa là họ sẽ bị đối xử tệ", bà Lan chia sẻ.

Hơn thế, khối tư nhân trong nước hiện cũng bị chia ra làm hai: doanh nghiệp lớn và nhỏ, tạo ra thế phân bậc đối xử.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam  - Ảnh 4.

Ảnh: Tuấn Mark

"Thật sự là điều đáng buồn. Chúng tôi cả đời chiến đấu cho khối tư nhân chỉ mong đến lúc khố này mạnh mẽ, có các tập đoàn lớn, làm nòng cốt, cùng nhau hưởng lợi. Nhưng những ông lớn lại một mình một sân, các ông bé trở thành tầng lớp cuối cùng…

DNNVV, chiếm 98% số doanh nghiệp cả nước, thực sự không còn gì, họ chỉ ăn được mẩu vụn của thị trường, chứ không phải chiếc bánh thị trường chia thành miếng".

Số liệu cũng cho thấy quy mô của các DNVNN ngày một nhỏ đi cả về lao động lẫn vốn mà theo cách ví von của TS. Trần Đình Thiên là "li ti hoá". Với sự "teo tóp" này, rất khó để các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ được, trong điều kiện môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh khắc nghiệt hơn.

Do vậy, bà Lan tha thiết sớm có một cuộc thúc đẩy cải cách thể chế một cách đồng bộ và nghiêm túc trong khâu thực hiện. Việc phân bổ nguồn lực cho các thành phần kinh tế phải được thay đổi, dựa theo tiêu chí hiệu quả cũng như tín hiệu thị trường, thay vì thứ tự ưu tiên như trước.

Mặt khác, bà cũng liên tục đề cập đến tính quan trọng của sự minh bạch, từ chính sách đến thực hiện chính sách. Bà cũng nói rằng DNNVV cũng cần phải nâng cao sức bật của nội lực, để có thể mạnh mẽ, phát triển trong tương lai.

Bài: Đức Minh - Đồ hoạ: Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM