Chuyên gia: Những người cần biết đến kiến thức tài chính nhất thường có nhu cầu học hỏi thấp nhất

30/05/2024 16:46 PM | Kinh doanh

Theo các chuyên gia, quan niệm giáo dục tài chính là "đặc quyền của người giàu" cần được tích cực giải quyết.

Chuyên gia: Những người cần biết đến kiến thức tài chính nhất thường có nhu cầu học hỏi thấp nhất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những điểm chính được nêu ra tại cuộc thảo luận thuộc khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nâng cao Năng lực Tài chính đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra ở TP. HCM tuần trước, do NordCham, Home Credit Vietnam và Decision Lab phối hợp tổ chức.

Với chủ đề "Hỗ trợ người Việt Nam cải thiện phúc lợi tài chính", mục đích của Hội nghị là thảo luận về tình hình tài chính hiện tại, những thách thức mà người tiêu dùng Việt Nam phải đối mặt và cách xây dựng khả năng phục hồi tài chính thông qua đổi mới đa ngành, giáo dục và hợp tác.

Phiên thảo luận đầu tiên đề cập tới cách doanh nghiệp, chính phủ và các công ty tài chính có thể phối hợp nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho người lao động và cộng đồng. 5 điểm chính được rút ra bao gồm:

Thứ nhất, nhân viên hiểu rõ về tài chính cá nhân tại nơi làm việc - bao gồm thuế thu nhập và bảo hiểm xã hội - thường quản lý ngân sách gia đình tốt hơn. Vì vậy, các công ty có thể đóng góp vào việc nâng cao kiến thức tài chính bằng cách giáo dục nhân viên về cách tính lương và các khoản đóng góp của họ.

Thứ hai, giáo dục tài chính hiện đang bị phân tán ở các lĩnh vực và cơ quan khác nhau. Có những chương trình riêng rẽ hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau, nhưng không có chương trình nào được tổ chức ở quy mô lớn hoặc triển khai xuyên suốt các ngành nghề hay cộng đồng.

Thứ ba, nghiên cứu cho thấy mọi người sẽ nhanh chóng quên đi những kiến thức đã học trong các khóa đào tạo nếu không được củng cố thường xuyên. Họ có xu hướng quay lại hành vi trước đó sau khoảng 12-18 tháng.

Chuyên gia: Những người cần biết đến kiến thức tài chính nhất thường có nhu cầu học hỏi thấp nhất- Ảnh 2.

Các diễn giả trong phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Nâng cao Năng lực Tài chính.

Thứ tư, phụ nữ phải đối mặt với những thách thức riêng: Gần 2/3 (62%) không cảm thấy sự thấu hiểu từ ngành dịch vụ tài chính. Hiện nay, các nguồn lực hướng đến phụ nữ và những ưu tiên của họ đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Thứ năm, những người cần giáo dục tài chính nhất lại thường có nhu cầu thấp nhất về vấn đề này. Giáo dục tài chính thường được coi là đặc quyền của "người giàu". Vì vậy, trong tương lai, vấn đề "nhận thức" này cần được tích cực giải quyết trong các chiến dịch giáo dục về tài chính.

Trong phiên thảo luận thứ hai, các diễn giả đã chỉ ra rằng mặc dù kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, thu nhập của các hộ gia đình nhìn chung vẫn thấp, và một tỷ lệ đáng kể trong tổng thu đang được chi trả cho các chi phí sinh hoạt cơ bản. Điều này khiến việc tiết kiệm ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một số bài học được rút ra bao gồm:

Đầu tiên, trước khi đầu tư vào các tài sản dài hạn như bất động sản, người tiêu dùng cần đảm bảo các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng đầy đủ. Những nhà đầu tư lần đầu thường có xu hướng quá lạc quan và mong muốn theo đuổi các tài sản rủi ro hơn, hoặc đặt tất cả trứng vào một giỏ. Chính sự thiếu hiểu biết về tài chính và thiếu tính đa dạng này khiến họ gặp rủi ro lớn hơn khi thị trường chuyển biến tiêu cực.

Chuyên gia: Những người cần biết đến kiến thức tài chính nhất thường có nhu cầu học hỏi thấp nhất- Ảnh 3.

Các diễn giả trong phiên thảo luận thứ 2.

Thứ hai, các tài sản truyền thống, bao gồm bất động sản và tài khoản tiết kiệm, đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn và khó tiếp cận hơn do giá ngày một tăng và lãi suất giảm. Vì vậy, người Việt bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư khác như chứng khoán. Tuy nhiên, những người có kiến thức tài chính kém đều thiếu sự hiểu biết đúng đắn về các loại hình tài sản này.

Thứ ba, người tiêu dùng cần hiểu rõ các rủi ro tiềm ẩn cũng như lợi nhuận có thể đạt được trước khi đầu tư. Trong khi đó, các bên cho vay cần minh bạch và tiết lộ thông tin liên quan để người tiêu dùng có thể quyết định sáng suốt.

Cuối cùng, các sản phẩm tài chính đang gặp tình trạng khó tiếp cận, đặc biệt là với người dân ở nông thôn. Các công ty tài chính tiêu dùng có thể đổi mới để tiếp cận những cộng đồng chưa và ít được phục vụ bởi ngân hàng.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM