Chuyên gia Nguyễn Vân Hiền: Phòng tránh lừa đảo trên thị trường tài sản mã hoá còn quan trọng hơn giấc mơ tỷ phú hão huyền
Sở hữu lượng người tham gia thị trường tài sản số đứng vào hàng top thế giới nhưng Việt Nam lại đang rơi vào tình trạng nghịch lý: thiếu trầm trọng nhân lực am hiểu công nghệ blockchain, AI và những chuẩn mực đạo đức số.

Bà Nguyễn Vân Hiền – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII
Đề phòng những kẻ gian mượn danh AI để trục lợi
Bà Nguyễn Vân Hiền – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII cho biết Việt Nam hiện thuộc nhóm dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ sở hữu tài sản mã hoá. Tuy nhiên, sự bùng nổ này lại đi kèm với một thực tế đáng lo ngại: nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về tài sản mã hóa vẫn còn rất hạn chế.
Bà Hiền cũng nhấn mạnh tội phạm trong thị trường tiền mã hóa ngày nay vô cùng nguy hiểm. Chúng đã biến một công nghệ tiên tiến thành nơi rất dễ mất tiền với hơn 15 triệu token được phát hành và hầu như ai cũng có thể tạo ra token chỉ sau vài phút.
"Vì vậy các cách phòng tránh lừa đảo trên thị trường tài sản mã hoá còn quan trọng hơn giấc mơ tỷ phú hão huyền khi tại Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hoá, chiếm 17% dân số, theo Triple-A và con số này còn tăng với xu hướng chấp nhận tài sản mã hoá trong thời gian tới", bà Hiền nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Vân Hiền – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, khoảng trống kiến thức chính là cánh cửa cho các chiêu trò gian lận có đất sống, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản mã hóa.
Bà Hiền lấy ví dụ, trong làn sóng AI bùng nổ toàn cầu, hàng loạt token "ăn theo" các từ khóa như GPT, OpenAI, Bard được tạo ra và thổi giá nhờ các chiến dịch quảng bá rầm rộ. Sau khi giá trị đạt đỉnh, chúng bị bán tháo (pump and dump), khiến nhà đầu tư "ôm cú lỗ" nặng nề.
Theo báo cáo của Elliptic, tính đến tháng 5/2024, đã có 7.815 token mạo danh liên quan AI xuất hiện trên các nền tảng blockchain – dẫn đầu là BNB Smart Chain. Những token này không chỉ gây hiểu lầm mà còn thao túng thị trường bằng bot giao dịch AI – một hình thức "đánh nhanh rút gọn" đầy nguy hiểm.
Không chỉ bị mượn tên, AI còn bị sử dụng như một công cụ phục vụ tội phạm mạng. Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT có thể được dùng để viết mã độc, tìm lỗ hổng trong các ứng dụng phi tập trung (dApp), từ đó đánh cắp tài sản từ các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi).
Bên cạnh đó, botnet AI có thể tự động tạo và phân phối hàng chục nghìn bài đăng giả mạo trên mạng xã hội. Một hệ thống từng bị phát hiện đã sử dụng ChatGPT để tạo ra hơn 12.000 tweet lừa đảo liên quan tới tài sản mã hóa – một ví dụ cho thấy AI không chỉ bị lợi dụng, mà còn đang bị vũ khí hóa.
Lừa đảo xuyên biên giới: Không quốc gia nào có thể "đứng ngoài cuộc"

Bà Nguyễn Vân Hiền chia sẻ về chủ đề Khung pháp lý tài sản mã hóa
Theo đại diện ABAII, để đối phó với lừa đảo công nghệ cao, các quốc gia cần một hệ sinh thái phòng vệ hoàn chỉnh: từ nhân sự giỏi, pháp lý rõ ràng đến cơ chế hợp tác quốc tế. Đây không còn là cuộc chơi riêng lẻ, mà là một trận tuyến toàn cầu giữa những người tạo ra công nghệ và những kẻ đang lạm dụng nó.
Việt Nam đang ở điểm khởi đầu, nhưng đó lại là lợi thế khi chúng ta có thể học hỏi những bài học từ các nước đi trước. Theo bà Hiền, Thái Lan, từ năm 2018 đã thiết lập chuẩn chào bán tài sản mã hóa và công bố công khai để người dân dễ tra cứu. Mới đây, quốc gia này tiếp tục niêm yết Bitcoin ETF và cho phép người nước ngoài thanh toán bằng Bitcoin – những bước đi táo bạo nhưng bài bản.
Hay tại Hoa Kỳ, bà Hiền cho rằng chính sách tài sản mã hóa cũng đang chuyển hướng rõ rệt. Thay vì tập trung vào CBDC (tiền số ngân hàng trung ương), chính quyền Donald Trump lựa chọn thúc đẩy khu vực tư nhân thông qua stablecoin – loại tài sản mã hóa neo giá với USD. Chính sách mới này không chỉ định hình lại cục diện tại Mỹ mà còn tạo hiệu ứng domino tới các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa, do các doanh nghiệp được cấp phép tổ chức. Đây được xem là bước ngoặt pháp lý đầu tiên, tạo nền móng cho thị trường tài sản số phát triển minh bạch, có kiểm soát.
Theo bà Vân Hiền, khi bước vào "cuộc chơi toàn cầu" thì cần đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, hiểu công nghệ, có nền tảng đạo đức số vững vàng. Tuy vậy, tại Việt Nam hiện nay, việc đào tạo chuyên sâu về tài sản mã hóa vẫn còn manh mún, chủ yếu dưới hình thức hội thảo hoặc các lớp học ngắn hạn không mang tính hệ thống.
Đó cũng là lý do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII (thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam) đã triển khai nhiều khoá học liên quan đến blockchain và tài sản mã hoá.
"Trên thế giới, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã sớm xây dựng hệ thống khung pháp lý và chương trình đào tạo chính quy về tài sản mã hóa, nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia đủ năng lực phân tích, tư vấn và quản trị trong lĩnh vực mới này.
ABAII đang nỗ lực với các chương trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn và nhà đầu tư có năng lực đánh giá đúng – hành động đúng – và tuân thủ đúng trong lĩnh vực tài sản mã hoá", bà Hiền cho biết.