Chuyên gia lý giải nguyên nhân bùng phát bệnh truyền nhiễm tại châu Á

11/03/2020 20:19 PM | Xã hội

Tốc độ phá rừng nhanh, tình trạng đô thị hóa và xây dựng đường sá tràn lan được cho là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm tại châu Á, trong đó có COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, các chuyên gia y tế và môi trường ngày 11/3 đã đưa ra nhận định về nguyên nhân làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm tại châu Á.

Tốc độ phá rừng nhanh, tình trạng đô thị hóa và xây dựng đường sá tràn lan được cho là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm trên khắp châu Á, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona ( SARS-CoV-2 ) gây ra.

Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, dịch COVID-19 đã khiến hơn 119.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, đồng thời cướp đi sinh mạng của hơn 4.200 người.

Các dịch bệnh do các chủng virus corona gây ra là những bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người . Đơn cử như Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát tại Trung Quốc năm 2003 có nguồn gốc từ loài cầy hương và Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) được lây truyền từ lạc đà, hay cúm gia cầm.

Giám đốc phụ trách vấn đề động vật hoang dã thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Doreen Robinson cho biết các bệnh lây truyền từ động vật sang người đang có xu hướng gia tăng, khi thế giới tiếp tục chứng kiến sự tàn phá chưa từng có mà các hoạt động của con người gây ra đối với môi trường sống hoang dã.

Bà nhấn mạnh: "Con người và thiên nhiên là một phần của một hệ thống được kết nối, và chúng ta cần phải hiểu nó hoạt động như thế nào để đảm bảo không đẩy mọi thứ đi quá xa và chúng ta không phải đối mặt với những hậu quả ngày càng tiêu cực."

Theo một báo cáo năm 2016 của UNEP, dân số tăng nhanh cùng với tình trạng biến đổi khí hậu đang gây áp lực lớn hơn đối với đất đai, khi nạn phá rừng, đô thị hóa, đẩy mạnh nông nghiệp và hoạt động khai thác tài nguyên lại tạo thêm cơ hội khiến các mầm bệnh phát tan và lây truyền từ động vật sang con người.

UNEP cho biết khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm ở người là bệnh lây truyền từ động vật. Trong đó, 75% tất cả các bệnh truyền nhiễm mới bùng phát chủ yếu do những thay đổi trong việc sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Labyrinth Global Health Karen Saylors, việc thay đổi phương thức sử dụng đất như phát quang rừng để làm đường hoặc xây các khu đô thị tạo ra một phản ứng dây chuyền với những tác động sinh thái, kinh tế xã hội, con người và quần thể động vật trong khu vực. Nhu cầu về đất trồng trọt và chăn thả gia súc, cùng với hoạt động khai thác tài nguyên cũng đã dẫn tới sự biến đổi môi trường mạnh mẽ.

Trong khi đó, quá trình đô thị hóa đã khiến mật độ dân số gia tăng tại các thành phố, làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Điều này đặc biệt đúng với khu vực châu Á, nơi các thành phố đông đúc lại được quy hoạch kém, trong khi tình trạng bất bình đẳng được nới rộng, khiến những nơi nay trở nên mong manh hơn trước các dịch bệnh.

Các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc đã mở rộng cách tiếp cận đối với sức khỏe toàn cầu bao gồm "sức khỏe hệ sinh thái", trong đó xem xét ảnh hưởng của khí hậu cũng như động thực vật hoang dã.

Theo tổ chức theo dõi rừng toàn cầu Global Forest Watch, các vùng nhiệt đới mất 12 triệu hécta cây che phủ trong năm 2018 do hỏa hoạn và phát quang rừng, trong đó Brazil, Indonesia và Malaysia là ba trong số những nước chịu thiệt hại lớn nhất.

Tuy nhiên, các chính phủ ở Đông Nam Á đang ngày càng công nhận rằng các cộng đồng địa phương là những người quản lý rừng tốt.

Giám đốc điều hành Trung tâm Con người và rừng (RECOFTC) David Ganz nhấn mạnh "sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật cũng như sức khỏe của rừng."

Theo ông, việc trao quyền sở hữu đất đai cho người dân địa phương thông qua hoạt động lâm nghiệp lấy người dân làm trung tâm có thể góp phần giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh do nạn phá rừng./.


Chuyên gia lý giải nguyên nhân bùng phát bệnh truyền nhiễm tại châu Á - Ảnh 1.

Theo Phương Oanh

Cùng chuyên mục
XEM