Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Công ty tôi đầu tư góp vốn để tái cấu trúc các công ty khác
Trả lời câu hỏi vì sao dòng tiền của công ty còn đang gặp khó mà lại để dành tiền đi giúp đỡ doanh nghiệp khác, ông Nghĩa khẳng định: “NHP không gặp khó khăn về tiền."
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch HĐQT của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã chứng khoán: NHP) vừa lên tiếng về các khoản đầu tư góp vốn của công ty này.
Trước đó, như chúng tôi đã đề cập, trong quý 3/2016, số tiền thu được từ việc phát hành tăng vốn của NHP được dùng để bù đắp cho 70 tỷ đồng mà doanh nghiệp dùng để đầu tư góp vốn. Tại thời điểm cuối quý 3, NHP có 80 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh và 96 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Cũng có thể thấy hoạt động đầu tư góp vốn của NHP diễn ra rất sôi động khi các doanh nghiệp được NHP đầu tư thay đổi liên tục.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, đây đều là các doanh nghiệp tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn vì không có đủ vốn để tái cấu trúc, phục hồi khả năng kinh doanh. Và do đó, hoạt động đầu tư của NHP nhằm mục đích tái cấu trúc các doanh nghiệp, tham gia vào quản trị điều hành chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.
Trả lời câu hỏi vì sao dòng tiền của công ty còn đang gặp khó mà lại để dành tiền đi giúp đỡ doanh nghiệp khác, ông Nghĩa khẳng định: “NHP không gặp khó khăn về tiền. Chúng tôi hiện đang làm gấp rưỡi công suất so với cùng kỳ năm trước vì đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Cái khó khăn của NHP là không tìm được đủ nhân công để làm việc 3 ca/ngày.”
Chủ tịch của NHP cũng cho biết, quý 4 là cao điểm về doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bao bì như NHP, và công ty này có thể đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016. Theo BCTC quý 3/2016, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của NHP đạt 4,2 tỷ đồng.
Về vấn đề NHP trả cổ tức sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn, trong khi hành động này sẽ khiến cho số tiền chi trả cổ tức tăng lên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ban lãnh đạo công ty quyết định làm như vậy để khiến cho cổ phiếu trở nên hấp dẫn và cổ đông hiện hữu đồng ý mua cổ phiếu phát hành thêm. Trong tháng 9, NHP đã phát hành cổ phiếu và tăng số cổ phiếu lưu hành lên gần 27,6 triệu đơn vị. Sau đó, vào tháng 10, công ty thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 1,89%.
Cổ phiếu NHP đã có một đợt giảm sốc từ 17.000 đồng về 3.300 đồng nhưng trong 3 phiên gần đây, cổ phiếu tăng trần liên tục với khối lượng tăng mạnh. Đóng cửa ngày 29/11, NHP có giá 4.200 đồng.