Chuyên gia kinh tế cảnh báo: Lạm phát sẽ kéo dài nhiều thập kỷ, kỷ nguyên vàng của các ngân hàng trung ương sẽ kết thúc?
Thời đại lao động giá rẻ sẽ nhường chỗ cho những năm tháng thiếu nhân công. Các ngân hàng trung ương thế giới đang phải nín lặng lắng nghe.
Khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm vào tháng 3/2020, tỷ lệ lạm phát dường như đang trở về 0. Điều này khiến cựu quan chức NHTW Anh Charles Goodhart dự đoán rằng lạm phát sẽ đạt từ 5% đến 10% vào năm 2021 và tiếp tục ở mức cao.
Ông Goodhart lập luận rằng một cơn địa chấn đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Các biện pháp kích thích tài khóa và sự phục hồi hậu đại dịch sẽ chỉ diễn ra chóng vánh. Tình trạng dư thừa lao động sẽ kéo dài giữ cho giá cả và tiền lương giảm trong nhiều thập kỷ sẽ nhường chỗ cho thời đại thiếu nhân công do giá cả leo thang.
Nhà kinh tế học 85 tuổi dự đoán rằng lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ ổn định ở mức 3% đến 4% vào cuối năm 2022 và duy trì ở mức đó trong nhiều thập kỷ, cao hơn so với mức 1,5% trong thập kỷ trước đại dịch.
Thuyết của ông Goodhart về sự thay đổi nhân khẩu học gây sức ép lên lực lượng lao động và đẩy giá cả lên cao đã thu hút sự chú ý của các NHTW Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Các NHTW lớn bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cảnh báo về lạm phát gia tăng và đang lên kế hoạch cố gắng ngăn chặn vấn đề.
Một số chuyên gia cho rằng lý thuyết mà ông Goodhart là điều đang khiến các ngân hàng trung ương lo lắng. Trong khi đó, số khác bày tỏ nghi ngờ rằng liệu bức tranh lạm phát dài hạn có thảm khốc như ông Goodhart mô tả hay không.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7,5% trong tháng 1, mức cao nhất trong 40 năm. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát trong tháng 2 đạt 5,8%, theo dữ liệu được công bố tuần trước. Xung đột ở Ukraine có khả năng khiến lạm phát tăng cao hơn do giá năng lượng, hàng hóa, thực phẩm toàn cầu tăng cao.
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ, Anh và eurozone.
Nhà kinh tế học Goodhart đã phác thảo lý thuyết của mình trong cuốn sách có tựa đề "The Great Demographic Reversal" (tạm dịch: Sự đảo ngược nhân khẩu học vĩ đại) với đồng tác giả Manoj Pradhan và được xuất bản vào tháng 9/2020.
Ông lập luận rằng lạm phát thấp từ những năm 1990 không phải do chính sách nhạy bén của ngân hàng trung ương, mà là do hàng trăm triệu nhân công giá rẻ của Trung Quốc và Đông Âu được bổ sung vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, dân số trong độ tuổi lao động ở các nền kinh tế phát triển đã bắt đầu thu hẹp và tỷ lệ sinh cũng giảm. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 30 năm tới.
Theo ông, khi lao động trở nên khan hiếm hơn, công nhân sẽ yêu cầu lương cao hơn, từ đó khiến giá cả tăng lên. Các doanh nghiệp sẽ sản xuất và đầu tư nhiều hơn tại địa phương để bù đắp tình trạng thiếu lao động. Điều đó sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất và quyền thương lượng của công nhân.
Tiết kiệm toàn cầu sẽ giảm khi người cao tuổi chi tiêu nhiều hơn sản xuất, đặc biệt là chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Ông Goodhart dự đoán tất cả điều đó sẽ đẩy lãi suất tăng.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển khác.
Tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở Mỹ và châu Âu trong năm nay đã khiến tiền lương tăng cao. Tại Đức, tình trạng thiếu lao động trầm trọng đến mức chính phủ đang tìm cách thu hút 400.000 người nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm.
Ở Trung Quốc, khi lực lượng lao động thu hẹp và ít lao động nông thôn chuyển đến thành phố hơn, chi phí lao động đã tăng lên. Khi lực lượng lao động được dự kiến là sẽ giảm khoảng 100 triệu người trong vòng 15 năm tới, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã cho dịch cuốn sách của Goodhart và đã có 50.000 bản in ở nước này.
Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của ECB, cho biết: "Tôi rất coi trọng những điều Charles nói. Charles muốn cảnh báo rằng chúng ta không nên coi thường thế giới trong tương lai sẽ giống như trong quá khứ gần đây".
Joe Zhang, cựu chuyên gia kinh tế tại ngân hàng trung ương Trung Quốc, chỉ ra bằng chứng cho luận điểm của ông Goodhart là các công ty Trung Quốc hiện đang chịu đựng chi phí và tiền lương cao hơn bằng cách giảm lợi nhuận. Ông hy vọng các công ty sẽ sớm bắt đầu tăng giá hàng xuất khẩu và tăng lương hơn nữa để thu hút công nhân quay trở lại các nhà máy.
Nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, vào giữa tháng 2 cho biết, lạm phát có thể vẫn ở mức cao ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Ông chỉ ra những thay đổi trong nền kinh tế thế giới như vai trò của Trung Quốc và dân số già.
Bà Schnabel của ECB cho biết cuốn sách của ông Goodhart ban đầu đã vấp phải sự hoài nghi. Trọng tâm của sự phê bình đối với luận điểm của ông Goodhart là những quốc gia có nhiều người nghỉ hưu và ít lao động như Nhật Bản lại có tỷ lệ lạm phát rất thấp.
Ông Goodhart lập luận rằng người lao động có khả năng sẽ không tiết kiệm đủ cho thời gian nghỉ hưu và họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn là sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ông dự đoán nguồn tiết kiệm sẽ ngày càng cạn kiệt, kết hợp với việc doanh nghiệp gia tăng chi phí để đảm bảo chuỗi cung ứng và bù đắp nhân công, sẽ đẩy lãi suất tăng cao. Và ngay cả ở Nhật Bản, ông cho biết có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu tăng.
Ông Goodhart dự đoán rằng với khoản nợ toàn cầu ở mức kỷ lục và giá cả tăng cao, các ngân hàng trung ương sẽ phải vật lộn để kiềm chế lạm phát. Ông nói, kỷ nguyên vàng của các chủ ngân hàng trung ương đang kết thúc và "cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều".
Theo WSJ
Giải mã số phận du thuyền của giới tài phiệt Nga sau khi tịch thu: Liệu có thể bán và tiền sẽ về tay ai?
https://cafef.vn/chuyen-gia-kinh-te-canh-bao-lam-phat-se-keo-dai-nhieu-thap-ky-ky-nguyen-vang-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-se-ket-thuc-20220311072544068.chn