Chuyên gia Đài Loan bày cách nâng tầm thương hiệu cho DN Đồng Tháp: Bọc hàng đem bán gọi là "sản phẩm", thiết kế bao bì sang xịn mịn gọi là "thương phẩm"

09/08/2019 21:38 PM | Kinh doanh

"Cầu vàng đã được bắc đến tận Đồng Tháp. Hãy bước lên cầu và có khi bạn còn tìm được kim cương" – Cố vấn cấp cao Ngọc Hải của SVF đã khuyến khích các doanh nhân trẻ ở Đồng Tháp như thế, khi mang các chuyên gia Đài Loan về với Đồng Tháp.

Với kỳ vọng thúc đẩy tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo; trao đổi nguồn lực thiết kế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển sản phẩm; nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) và Trung tâm thiết kế sáng tạo Đài Loan (TDC) tổ chức hội thảo "Nâng tầm giá trị thương hiệu bằng thiết kế sáng tạo" vào đầu tháng 8 vừa qua.

Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia.

"Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, yêu cầu của thị trường ngày càng cao - người tiêu dùng càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm. Theo đó, ngoài chất lượng tốt, giá thành hợp lý, sản phẩm còn phải có kiểu dáng, thiết kế bao bì đẹp thì mới có thể cạnh tranh.

Tôi mong muốn thông qua hoạt động kết nối với các chuyên gia thiết kế sáng tạo đến từ Đài Loan, các đơn vị sản xuất Đồng Tháp sẽ nhận được những góp ý thiết thực từ kinh nghiệm thiết kế quốc tế cũng như bám sát xu hướng tiêu dùng, để phát triển sản phẩm đất Sen Hồng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế", ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ trong Hội thảo.

Chuyên gia Đài Loan bày cách nâng tầm thương hiệu cho DN Đồng Tháp: Bọc hàng đem bán gọi là sản phẩm, thiết kế bao bì sang xịn mịn gọi là thương phẩm - Ảnh 1.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (áo trắng) đang trao hoa cho các đại diện đến từ Đài Loan và SVF.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Nhã Quyên – Giám đốc phát triển hệ sinh thái tại SVF nhấn mạnh: vấn đề mà các cơ sở sản xuất địa phương như Đồng Tháp luôn tìm cách cải thiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn, đó là hoàn thiện sản phẩm bao bì để nâng cao giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh. Sau những chuyến đi khảo sát và trải nghiệm thực tế tại Đài Loan, tiếp cận với những thiết kế sáng tạo của họ, SVF xác định kinh nghiệm của người Đài Loan có thể giúp các doanh nghiệp Việt – đầu tiên là ở Đồng Tháp, bước ra cánh cổng thế giới.

Phần mình, các chuyên gia đến từ Đài Loan cho rằng, hầu hết các vấn đề hạn chết của thiết kế bao bì hiện tại ở Đồng Tháp xoay quanh bố cục phân bố chưa hợp lý, quá nhiều thông tin tập trung và chất liệu bao bì chưa tạo được cảm giác trang trọng, đồng thời thiết kế chưa truyền tải được thông điệp của sản phẩm.

"Với một mặt hàng, nếu ta chỉ bọc lại và đem bán được tiền, đó gọi là ‘sản phẩm’; nếu ta đóng gói có chiến thuật, ứng dụng thiết kế bao bì đặc biệt, nâng tầm giá trị và trải nghiệm của người sử dụng, thu hút và khiến người mua sẵn sàng mua với giá thành cao hơn, đấy được gọi là ‘thương phẩm’.

Từ những sản phẩm thân thuộc như gạo, muối và trà, khi thay đổi thiết kế bao bì sẽ tạo cho khách hàng trải nghiệm đặc biệt (nhìn, chạm hoặc sử dụng), đều có thể trở thành sản phẩm cao cấp và nâng giá trị lên nhiều lần", ông Ping Nan Wang - đại diện công ty Upcreative, nêu vấn đề cụ thể.

Chuyên gia Đài Loan bày cách nâng tầm thương hiệu cho DN Đồng Tháp: Bọc hàng đem bán gọi là sản phẩm, thiết kế bao bì sang xịn mịn gọi là thương phẩm - Ảnh 2.

Hầu hết những thiết kế bao bì và mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp Đồng Tháp còn cũ kỹ - thiếu sáng tạo.

Ngoài bao bì, thì thiết kế sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm cũng mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho các mặt hàng. Ví dụ: Thành viên của TDC - XD Design đã mang đến những sản phẩm có thiết kế độc đáo như máy chiếu có đế xoay 360 độ, nhang muỗi điện tử, thức uống dinh dưỡng chế biến từ mộc nhĩ - một loại nấm bình thường nhưng sau khi được chế biến thành "thương phẩm" đã có giá trị rất cao.

Hay Griddesign Studio, họ đã tận dụng những đặc trưng tự nhiên của nguyên liệu vô cùng bình thường như tre nứa, lau, đay…; để chế tác nên những sản phẩm nội thất cao cấp hoặc những vật dụng trang trí đắt tiền.

Ông Oliver Lin - Phó Giám đốc điều hành TDC, chuyên gia với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, người đã góp phần to lớn vào việc thúc đẩy phát triển thiết kế sáng tạo tại Đài Loan cho rằng: những vấn đề Đồng Tháp hay Việt Nam gặp phải cũng là những vấn đề Đài Loan đã gặp cách đây 20 năm, nên họ hoàn toàn không bất ngờ và tin tưởng sẽ giúp các doanh nghiệp Đồng Tháp có thể cải thiện được sản phẩm.

Theo đó, dựa trên thực tế của từng doanh nghiệp tại Đồng Tháp, các chuyên gia đến từ Đài Loan đã đề xuất định các hướng thiết kế cho sản phẩm, hướng dẫn cải thiện về thiết kế và chất liệu bao bì như định vị logo, tỷ lệ giữa các thông tin, hình ảnh sản phẩm, màu sắc đặc trưng cho ngành hàng, tối giản hóa thiết kế…

"Cầu vàng đã được bắc đến tận Đồng Tháp. Hãy bước lên cầu và có khi bạn còn tìm được kim cương" – ông Hoàng Minh Ngọc Hải - Cố vấn cấp cao SVF mảng thương mại, Giám đốc Ngân hàng số Ngân hàng TMCP An Bình, kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM