Chuyên gia cảnh báo: Mắc sốt xuất huyết, tuyệt đối không làm 1 việc kẻo "bệnh nặng thêm đấy"!

26/07/2017 19:55 PM | Sống

Người ta thường khuyên không được xông hơi, xông bằng lá xông trong bệnh này. Đã thiếu máu, cơ tim bị viêm, lại xông hơi thoát dịch thì bệnh lý nặng thêm, gây hậu quả đáng tiếc.

Năm 1971, tôi gần chục tuổi, ốm nặng, phải đi bệnh viện. Sốt cao, da khô, li bì, gọi không nói, hỏi không thưa. Bố mẹ sợ quá đưa đi cấp cứu, được nhập viện truyền dịch ngay. Tôi được chẩn đoán là bị bệnh Sốt xuất huyết . Khi hạ sốt, toàn thân xuất huyết dưới da và chảy máu mũi ào ào. Nhờ sự tận tình của nhân viên y tế, bệnh cũng qua.

Sau này, tôi biết đại dịch sốt xuất huyết đầu tiên ở Việt Nam là từ những năm đó, tỷ lệ tử vong cao lắm. Tỷ lệ tử vong theo y văn là 2,5 %, thậm chí còn hơn thế, đến 5%, 10% hay 20 %. Thử tưởng tượng, mười người nhập viện mà chết 1,2 người thì khủng khiếp lắm.

Tuy nhiên, những tiến bộ y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã làm giảm tỷ lệ tử vong rất đáng kể. Tỷ lệ tử vong thực tế giờ đây thấp hơn những con số thống kê cũ nhiều lần. Nhưng chỉ lơ là chủ quan là dịch bùng phát và sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra.

Xin nói những nhận biết về bệnh này, ngõ hầu để hiểu rõ về bệnh và có cách phòng, chống, chữa tại gia và an tâm cùng nhau chống lại bệnh.

Có bao nhiêu loại sốt xuất huyết?

Ngày xưa, tên bệnh là Sốt xuất huyết, có hai triệu chứng chính là sốt cao và xuất huyết, nên tên bệnh là thế. Sau thêm nữa là Sốt xuất huyết do virus.

Bệnh cảnh sốt và xuất huyết ở nhiều nhóm bệnh do nhiều loại virus sinh ra, như: sốt Nephropathia Scandinavia, Bắc Âu; Sốt Lassa, virus Marburg, Bệnh virus Ebola, sốt xuất huyết Bolivia, Hantavirus ở Triều Tiên, sốt xuất huyết Crimea… và sốt xuất huyết Dengue. Ở Việt Nam, chủ yếu là sốt xuất huyết do virus Dengue, nên còn gọi là Bệnh Dengue xuất huyết.

Virus Dengue truyền qua vật chủ là Muỗi vằn Aedes Aegypti, có bốn chủng gần gũi nhưng lại khác nhau về mặt kháng nguyên là DEN-1, DEN-2, DEN-3và DEN-4. Virus này thuộc chi Flavivirus.

Chuyên gia cảnh báo: Mắc sốt xuất huyết, tuyệt đối không làm 1 việc kẻo bệnh nặng thêm đấy! - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, chủ yếu là sốt xuất huyết do virus Dengue, nên còn gọi là Bệnh Dengue xuất huyết.

Thời gian ủ bệnh tính từ lúc bị muỗi đốt đến khi phát bệnh là 3-6 ngày, có khi kéo dài đến 15 ngày.

Khởi phát giống bệnh do nhiều loại virus khác: Đau họng, viêm kết mạc, chảy nước mắt, đau khớp, viêm cơ vân, cơ trơn nên hay đau cơ, nhất là cơ lưng kèm sốt cao 39 độ C– 40 độ C.

Các triệu chứng kèm theo: Khát nước, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, da khô, có khi vã mồ hôi nóng lạnh bất thường. Xét nghiệm có bạch cầu không cao, tiểu cầu giảm, rối loạn các chỉ số máu đông máu chảy.

Sau ba đến năm ngày là hạ sốt, đôi khi một hai ngày sau có thể sốt lại một, hai ngày trước khi hết sốt hẳn ( nếu ghi biểu đồ nhiệt độ tạo thành chữ V= Virus ).

Nếu không có xuất huyết thì gọi là Dengue Cổ điển, thường xảy ra ở những người mắc bệnh lần đầu. Ở những người đã một lần mắc bệnh do virus Dengue, thì lần tái nhiễm virus khác chủng, dễ gặp bệnh cảnh xuất huyết, gọi là Dengue Xuất huyết.

Bệnh hay gặp ở trẻ em tuổi đến trường. Nhưng hiện nay, tỷ lệ người lớn mắc bệnh cũng không hiếm. Đôi khi, người lớn lại có bệnh cảnh nặng nề hơn trẻ em.

Sốt xuất huyết: cấm xông lá lẩu, bệnh nặng thêm đấy

Có một câu nói chuẩn là khi đã xuất huyết là hết sốt. Xuất huyết có thể ở nhiều nơi, ở dưới da thành chấm, thành mảng, có khi đỏ toàn chi thể, căng như bắp chuối đỏ lừ, rất sợ. Xuất huyết tiêu hóa khi đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen có máu hay ồ ạt toàn máu loãng.

Xuất huyết niêm mạc gây chảy máu chân răng, chảy máu cam . Xuất huyết ở phụ nữ như chảy máu âm đạo kéo dài và nhiều…

Chuyên gia cảnh báo: Mắc sốt xuất huyết, tuyệt đối không làm 1 việc kẻo bệnh nặng thêm đấy! - Ảnh 2.

Xuất huyết tiêu hóa khi đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen có máu hay ồ ạt toàn máu loãng.

Những dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng cần theo dõi tại các cơ sở y tế vì kèm theo nó là dấu hiệu của sốc và mất nước, thiếu hụt lượng máu lưu hành.

Khác với nhiễm vi khuẩn, để điều trị có thể dùng các cách: Sát trùng, kìm khuẩn và dùng Kháng sinh (Antibiotic) đặc hiệu để giết vi khuẩn. Nhiễm virus thì khó chữa hơn. Các biện pháp trên thường ít có hiệu quả.

Khi nhiễm virus, phản ứng của cơ thể như sốt, xuất huyết viêm mỏi cơ, đau đầu, chóng mặt… đều là các dấu hiệu của kháng thể con người chống lại các kháng nguyên từ virus.

Nên, bệnh chính xác là tự khỏi, việc chữa chạy của nhà y chỉ là điều trị triệu chứng, đau đâu chống đó và đề phòng những biến chứng tiêu cực nhất. Trong sốt xuất huyết, dùng các thuốc chống virus cho hiệu quả kém. Không có thuốc đặc hiệu diệt virus dengue.

Nguyên nhân tử vong trong bệnh sốt xuất huyết liên quan đến nhiều yếu tố: xuất huyết gây chảy máu, tan vỡ hồng cầu; do thoát mạch, cô đặc máu, đông máu nội mạch lan tỏa, thiếu hụt lượng máu lưu hành.

Đặc biệt, sốc trong sốt xuất huyết ngoài các nguyên nhân trên còn do cơ tim bị viêm nên chức năng của tim bị ảnh hưởng rất nhiều, dễ phản ứng xấu. Dễ tụt huyết áp kéo dài, hôn mê khó hồi phục. Trong trường hợp này, việc cấp cứu tại bệnh viện là yêu cầu tuyệt đối.

Truyền dịch điện giải, truyền máu tươi, khối tiểu cầu… dùng corticoide chống viêm, trợ tim, sinh tố, an thần và các biện pháp theo dõi chặt chẽ phòng biến chứng sốc nặng có thể ngăn nguy cơ tử vong rất nhiều.

Người ta thường khuyên không được xông hơi, hay xông bằng lá xông trong bệnh này. Đã thiếu máu, cơ tim bị viêm, lại xông hơi thoát dịch thì bệnh lý nặng thêm, gây hậu quả đáng tiếc.

Cũng có một số người cho rằng xuất huyết không uống thuốc cảm. Điều này được giải thích như sau: Trước đây, thuốc cảm thường là Aspirin, hay thuốc APC. . . là những thuốc có hoạt chất có tính chống lắng đọng tiểu cầu, làm cho quá trình thông thoáng của lòng mạch dễ dàng hơn.

Nếu dùng trong bệnh lý sốt xuất huyết, tiểu cầu đã giảm, đã thiếu lại tăng kết dính thì việc tăng chảy máu dễ xảy ra, không tốt.

Với những thuốc trị cảm sốt dòng paracetamol (Acetaminophen ) thì không có tác dụng phụ này, nên trong sốt xuất huyết có thể sử dụng.

Chuyên gia cảnh báo: Mắc sốt xuất huyết, tuyệt đối không làm 1 việc kẻo bệnh nặng thêm đấy! - Ảnh 3.

Diệt muỗi bằng phun thuốc là quan trọng, nhưng hay hơn nữa là tìm và loại bỏ những nơi có thể dành cho muỗi đẻ trứng.

Có nên dùng kháng sinh trong sốt xuất huyết không? Theo tôi là cũng có thể. Có thể dùng kháng sinh bổ sung trong ba ngày từ khi bắt đầu hạ sốt.

Lý do: Lúc này cơ thể rất yếu , suy giảm hệ thống miễn dịch, hệ thống phòng chống viêm nhiễm kém, nên việc bội nhiễm do các loại vi khuẩn cơ hội là nguy cơ có thật. Cung cấp một lượng kháng sinh vừa phải có tác dụng đề phòng bội nhiễm là việc làm có thể chấp nhận được.

Không có muỗi thì không có sốt xuất huyết

Vì sao hàng năm dịch sốt xuất huyết tái đi tái lại? Chủ yếu là do sự phòng bệnh không tốt. Muỗi là loài động vật đông hạng nhất, có ở khắp nơi. Trong những ngôi nhà hiện đại, muỗi có thể đẻ trứng ở những nơi ít ngờ nhất: đất ẩm ban công, ống bơ đọng nước cũ, máng xối, hay bất cứ vũng nước đọng nhỏ nào.

Vì thế, diệt muỗi bằng phun thuốc là quan trọng, nhưng hay hơn nữa là tìm và loại bỏ những nơi có thể dành cho muỗi đẻ trứng.

Một ngôi nhà khô ráo thoáng đãng, không có nước tù, nước đọng, không có nơi ẩm ướt thường xuyên thì không có muỗi.

Không có muỗi, không có sốt xuất huyết, điều đó là chắc chắn.

Với người nhà bị sốt xuất huyết, thái độ xử trí đúng là: Đưa đi khám bệnh tại cơ sở y tế gần nhất. Tuân thủ đơn thuốc, uống nhiều nước, nhất là dung dịch điện giải, nước sinh tố. Ăn nhẹ, thường khuyên ăn cháo thịt nạc, ít mỡ dễ tiêu.

Nếu có các triệu chứng xấu như xuất huyết nhiều nơi, ồ ạt, vã mồ hôi lạnh, mêt mỏi quá mức hay ý thức u ám lơ mơ, nhất thiết phải đưa đi bệnh viện để cấp cứu.

Theo Phạm Ngọc Thắng

Cùng chuyên mục
XEM