3 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, người dân và sinh viên ở Hà Nội cuống cuồng lo chống dịch

23/07/2017 10:50 AM | Xã hội

Trước tình hình diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội ngày một gia tăng, trong đó có 3 người tử vong khiến nhiều người dân và sinh viên Hà Nội cuống cuồng lo chống dịch.

Phun thuốc diệt muỗi từng ngõ ngách ở Hà Nội để chống dịch

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người mắc và gặp phải những biến chứng nặng. Tính đến thời điểm này, riêng Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, mỗi tuần Hà Nội còn ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tích luỹ từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 6.000 trường hợp mắc phải căn bệnh này.

Sáng 22/7, nhiều nhân viên y tế quận Hoàng Mai đi đến từng hộ gia đình phun thuốc diệt muỗi.
Sáng 22/7, nhiều nhân viên y tế quận Hoàng Mai đi đến từng hộ gia đình phun thuốc diệt muỗi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nam bệnh nhân (54 tuổi ở Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân tử vong ngày 14/7 tại nhà, do sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. Trước đó, bệnh nhân này đã từng được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và một bệnh viện khác, tất cả các xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Hồi đầu tháng 5/2017, một nữ sinh trường Đại học Ngoại thương (thuộc quận Đống Đa) cũng bị tử vong do sốc nhiễm khuẩn vì sốt xuất huyết. Gần đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân 51 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) cũng tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 14/7.

Phun muỗi từng ngõ ngách, đường phố.
Phun muỗi từng ngõ ngách, đường phố.
Hay khu vực nhà vệ sinh.
Hay khu vực nhà vệ sinh.

Chỉ trong thời gian ngắn nhưng số người mắc bệnh sốt xuất huyết ngày một gia tăng tại Hà Nội khiến nhiều người dân và sinh viên không khỏi lo lắng. Sáng ngày 22/7, theo ghi nhận của chúng tôi tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều nhân viên y tế đã trực tiếp đến từng hộ dân, khu dân cư phát hiện có người mắc sốt xuất huyết để phun thuốc diệt muỗi.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhung (ở đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) lo lắng cho biết, thời gian gần đây nhiều người dân trong khu phố bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Riêng nhà chị đã phải lau dọn bể nước, vệ sinh lại toàn bộ khu vực quanh nhà cũng như cống thoát nước để tránh muỗi.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ngày một gia tăng khiến người dân không khỏi lo lắng.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ngày một gia tăng khiến người dân không khỏi lo lắng.
Nhân viên y tế đến từng hộ dân để phun thuốc diệt muỗi.
Nhân viên y tế đến từng hộ dân để phun thuốc diệt muỗi.
Nhiều người bày tỏ lo lắng vì số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
Nhiều người bày tỏ lo lắng vì số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.

"Khi phát hiện có người mắc bệnh sốt xuất huyết, ở phường cũng thường xuyên phát loa thông báo người dân đề phòng, giữ vệ sinh chung cũng như cử nhân viên y tế xuống phun thuốc diệt muỗi ở tất cả các ngõ ngách", chị Nhung chia sẻ.

Là khu ngõ "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết, ông Hà Văn Thạo, tổ trưởng tổ 63, phường Tương Mai cho biết, trong ngõ 22 phố Lương Khánh Thiện nơi gia đình ông đang sinh sống có nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết.

Ông Thạo cho biết, khu ngõ ông nhiều gia đình bị sốt xuất huyết.
Ông Thạo cho biết, khu ngõ ông nhiều gia đình bị sốt xuất huyết.

"Cách đây hơn 2 tuần, số người mắc sốt xuất huyết trong khu ngõ khá nhiều, có gia đình bị tới 2-3 người. Riêng nhà tôi có con gái và cháu trai bị sốt xuất huyết phải điều trị mất 1 tuần mới khỏi. Một số nhà có người mắc phải đi bệnh viện, có người gọi nhân viên y tế đến nhà chăm sóc, khám bệnh", ông Thạo nói.

Khu vực lô cốt được dọn dẹp sạch sẽ, rác để đúng nơi quy định.
Khu vực lô cốt được dọn dẹp sạch sẽ, rác để đúng nơi quy định.
Khu ngõ phố Lương Khánh Thiện sạch sẽ để tránh dịch bệnh.
Khu ngõ phố Lương Khánh Thiện sạch sẽ để tránh dịch bệnh.

Theo ông Thạo, ngay sau khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, phía phường đã cử nhiều máy phun đến để diệt muỗi đồng thời kêu gọi mọi người dân trong khu phố dọn dẹp giữ vệ sinh chung.

"Phường đã phát giấy tờ cảnh báo người dân cũng như loa thông báo về lịch cụ thể phun thuốc chống muỗi tới từng hộ gia đình. Máy bơm thuốc diệt muỗi được bơm từng ngõ ngách của các hộ dân. Ngoài ra, một lô cốt được cho là nơi cư trú của rất nhiều muỗi chúng tôi cũng đã xử lý sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh quanh khu dân phố", ông Thạo cho hay.

Tổ trưởng tổ dân phố 63 cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn đang rất "nóng" về phòng chống dịch sốt xuất huyết, riêng ở tổ dân phố ông vẫn đang tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Sinh viên lo lắng vì dịch sốt xuất huyết gia tăng

Trong số những ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị có rất nhiều sinh viên. Sống trong phòng ẩm thấp nhưng nhiều người không thường xuyên dọn dẹp hay có thói quen ngủ không buông màn nên bị muỗi cắn dẫn đến mắc chứng bệnh sốt xuất huyết. Điển hình như trường hợp bạn Nguyễn Đình T. (21 tuổi, một sinh viên một trường đại học tại quận Đống Đa) đang điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

T. đang được bác sĩ chăm sóc do sốt xuất huyết.
T. đang được bác sĩ chăm sóc do sốt xuất huyết.

T. cho biết, phòng cậu có 4 người thì cả 4 cùng mắc sốt xuất huyết, hiện T. và 1 bạn nữa đang điều trị tại đây, hai bạn còn lại thì điều trị tại Bệnh viện Đống Đa. Theo T., ở trọ bị muỗi đốt thường xuyên nên các thành viên trong phòng chủ quan bật quạt ngủ nhưng không mắc màn nên bị muỗi đốt đã bị nhiễm bệnh cùng nhau.

Tại nhiều khu vực khác, các sinh viên cũng từng mắc sốt xuất huyết nhiều. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Phạm Thị N. (sinh viên năm 4, Trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết, ở ký túc xá của trường nên riêng phòng của cô có tới 4 người bị mắc sốt xuất huyết.

N. cho biết, phòng trọ của cô có 4 người mắc sốt xuất huyết.
N. cho biết, phòng trọ của cô có 4 người mắc sốt xuất huyết.

"Ban đầu phòng mình có 1 bạn lên cơn sốt cao sau đó khám thì biết bị sốt xuất huyết, do sốt cao nên bạn về quê điều trị. Sau đó, 3 bạn cùng phòng lần lượt lên cơn sốt rồi cũng bị sốt xuất huyết", N. kể.

Theo N., trước đó, do phòng ký túc nóng, mỗi sinh viên một giường nên không bao giờ buông màn vì chật chội, nóng bức. Nhưng sau khi bạn cùng phòng bị sốt xuất huyết, N. và các bạn đều buông màn trước khi đi ngủ.

Bạn H. sinh viên năm 3 chia sẻ.
Bạn H. sinh viên năm 3 chia sẻ.

"Giờ dịch sốt xuất huyết nhiều sợ rồi, trước hay nghĩ sinh viên chả sợ gì cả. Nhưng sau đó nghĩ lại nếu ốm đau, bệnh tật, lại không có bố mẹ, người thân bên cạnh nên mọi người trong phòng bảo nhau cùng giữ vệ sinh chung. Phía nhà trường cũng thường xuyên loa thông báo cũng như phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh", N. chia sẻ.

Cũng như N., bạn Trần Thị H. (sinh viên năm 3) cũng bày tỏ lo lắng khi dịch sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Bản thân H. ở ký túc xá đông người ra vào nên thường xuyên thu dọn vệ sinh đồ trong nhà cũng như mắc màn mỗi khi đi ngủ.

"Trước hầu như các bạn trong phòng mình đều không buông màn, thờ ơ với dịch bệnh nhưng khi nghe tin về tình hình dịch sốt xuất huyết các bạn đều buông màn trước khi đi ngủ. Mỗi người ý thức trong vệ sinh nhà ở sạch sẽ không để bi muỗi đốt thì sẽ không mắc bệnh", H. nói.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 22/7, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các công trường xây dựng, các khu nhà trọ và sinh viên là vấn đề vô cùng nhức nhối và khó khăn trong việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội

Ông Cảm cho rằng, tại các công trường xây dựng việc vệ sinh nơi ở rất khó, vì đặc thù công việc của họ nay chỗ này, mai chỗ khác. Còn tại các khu trọ và sinh viên cũng vậy, do điều kiện sống còn thấp, nên việc giữ vệ sinh, thực hiện phòng chống sốt xuất huyết theo đúng khuyến cáo của ngành y tế còn hạn chế.

"Chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt hành chính những công trình xây dựng, khu nhà trọ không thực hiện quy định về phòng chống dịch. Thực tế, vừa mới tuần trước chúng tôi phạt một công trường xây dựng ở quận Hoàng Mai, với mức 1,5 triệu đồng vì không thực hiện đúng quy định phòng chống dịch đã ban hành", ông Cảm cho hay

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Để phòng chống tốt và hiệu quả nhất, cần sự chủ động vào cuộc của người dân, cộng động trong việc diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, cụ thể:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Theo Định Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM