Chuyên gia: Biển người ở chùa Hương chỉ một người nhiễm virus corona, hậu quả khôn lường
Chuyên gia lo ngại một số lễ hội chùa Tam Chúc, chùa Hương... chỉ cần một trong biển người đi dự bị nhiễm virus corona thì hậu quả sẽ khôn lường.
Liên quan đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc tạm dừng lễ hội trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh do virus corona là một việc làm đúng và cần thiết.
Ông Sơn phân tích lễ hội là nơi tập trung đông người, là môi trường thuận lợi để bùng phát bệnh khi có người nhiễm virus. Nếu điều này xảy ra sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn hơn nữa trong việc kiểm soát đối với căn bệnh này.
"Trong điều kiện, cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang cố gắng dập dịch nhanh chóng để cuộc sống sớm trở lại ổn định; một số nước cũng dừng các hoạt động lễ hội như một hình thức thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với bệnh dịch, thì việc tạm dừng tổ chức các lễ hội là hết sức cần thiết", Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định.
PSG.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, một số lễ hội đã khai mạc và hiện vẫn đang tiếp diễn như lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc... thì cần phải cân nhắc khả năng tạm dừng theo đúng khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Việc tạm dừng thể hiện trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội, của các địa phương đối với tính mạng, sức khỏe của nhân dân", vị chuyên gia văn hoá bày tỏ.
Chính vì thế, các địa phương, ban tổ chức lễ hội nên cân nhắc nghiêm túc, xem xét các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, ngành y tế để tạm dừng tổ chức lễ hội.
Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, trong giai đoạn hiện tại việc tạm dừng tổ chức các lễ hội để ngăn sự lây lan của virus corona là cần thiết.
"Tôi nghĩ việc tạm dừng các lễ hội có quy mô lớn trong giai đoạn này là cần thiết. Ví dụ Hội Nhà văn vừa thông báo tạm dừng đêm thơ rằm tháng Giêng...", nhà nghiên văn hóa Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ.
Ông Hoa cho lo ngại khi ở một số lễ hội lớn, tập trung một lượng người rất đông như lễ hội chùa Tam Chúc, chùa Hương... thì chỉ cần một trong biển người đi dự các lễ hội này bị nhiễm virus corona thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Do đó, nhà nghiên cứu văn hoá này đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế cần phối hợp để có hướng dẫn cụ thể chứ không thể dừng lại ở việc khuyến cáo.
Trong khi đó, TS Trần Đình Hằng - Phân viện Trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, đối với các lễ hội thì có 3 mức độ là đề nghị, khuyến cáo và nghiêm cấm.
Về mặt lý thuyết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không liên quan gì đến dịch cúm corona mà cơ quan chuyên môn chính là Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịp đầu xuân miền Bắc là nơi tổ chức nhiều lễ hội thì buộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải lên tiếng và đây là động thái tích cực.
TS Trần Đình Hằng cho rằng, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng thì các địa phương chỉ có tính chất tham khảo.
"Hiện nay thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế lên tiếng và Thủ tướng Chính phủ ra một lệnh thì tính hiệu lực mới cao và gần như là có tính cưỡng chế.
Khi mà cấm các lễ hội thì hậu quả như thế nào thì cả Chính phủ phải đứng ra giải quyết. Tình hình hiện nay, nếu như áp dụng như tuyên bố của WHO thì ta buộc phải cấm mà cấm thì trên cơ sở luận chứng của ngành y tế, ngành văn hóa thì Thủ tướng Chính phủ ra văn bản thì nó mới có hiệu lực", TS Trần Đình Hằng nói.
Theo TS Trần Đình Hằng, hiện nay một số lễ hội lớn đang diễn ra thu hút đông đảo người tham dự như lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc... Đây là những điểm lễ hội tiềm ần nguy cơ lây nhiễm virus corona rất cao và việc tạm dừng tổ chức với những lễ hội này là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng lệnh cấm lại là điều vô cùng khó.
"Tình hình hiện tại gấp quá thì chắc chắn không cấm được nên trong trường hợp này cần có sự tham gia của Bộ Y tế cần có các biện pháp chuyên môn để người tham dự lễ hội biết sợ, ngại khi xuất hiện ở đám đông trong bối cảnh cúm corona đang lây lan...
Bây giờ ngành Văn hóa ra khuyến cáo hạn chế hay không tổ chức lễ hội nữa thì cái hiệu lực rất khó có thể áp dụng được bởi kế hoạch họ lên hết cả rồi. Đó là chưa nói đến việc hủy tất cả lễ hội thì nó sẽ có những thiệt hại lớn trên rất nhiều phương diện do đó văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa đủ mà cần văn bản của Thủ tướng Chính phủ lúc đó tính hiệu lực mới cao", TS Trần Đình Hằng nhấn mạnh.
Sinh mệnh con người quan trọng nhất
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Trung ương Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ với công văn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
"Sinh mệnh của con người con người là quan trọng nhất và việc dừng cả các lễ hội trong giai đoạn này là ý kiến của nhiều người... Tuy nhiên, có một số lễ hội lớn mình không thể bỏ được do nguyện vọng tha thiết của người dân. Do đó, với những lễ hội này, chúng ta cần phải khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng để không để lây lan dịch bệnh", ông Nguyễn Túc nói.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá: "Hiện nay Chính phủ chưa ra lệnh cấm đường biên, dịch cúm corona rất nghiêm trọng nhưng ở Việt Nam thì chưa thành đại dịch nên khuyến cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là hợp tình, hợp lý.
Động thái này vừa nhắc nhở bà con ta phải thận trọng để tránh lây lan dịch bệnh ở chỗ đông người, vừa tôn trọng ý nguyện của người dân đi lễ hội đầu năm. Riêng tôi đồng tình với khuyến cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứ cấm luôn các lễ hội trong giai đoạn này chưa hay lắm và chắc chắn sẽ gặp phải sự phản ứng của người dân".
Theo ông Nguyễn Túc, vấn đề quan trọng nhất lúc này là ở các lễ hội thì công tác tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh corona cần phải được coi trọng.
Cũng nhấn mạnh đến vấn đề sức khoẻ người dân đi lễ hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ dù trong trường hợp nhận thấy hoàn toàn yên tâm, các địa phương, ban tổ chức lễ hội vẫn phải thông báo, tuyên truyền thường xuyên, rõ ràng cho người dự hội về biện pháp phòng, tránh nhiễm virus corona.
"Không vì theo đuổi lợi ích vật chất mà ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng", PGS Sơn khẳng định.
Ngày 30/1, Cục Văn hóa cơ sở có văn bản đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ báo cáo UBND tỉnh tạm ngừng tổ chức Lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh năm 2020 theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Quyết định của Cục Văn hóa cơ sở được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra và nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Cục Văn hoá cơ sở đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện, đảm bảo lễ hội năm 2020 diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh đúng quy định.