Chuyên gia BĐS: “Doanh nghiệp địa ốc bỏ Tp.HCM đi vùng ven là xu hướng hoàn toàn dễ hiểu”
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, dịch chuyển cung – cầu, tìm sản phẩm thay thế ở các thị trường khác nhau là quy luật bình thường của thị trường BĐS.
Trong hội thảo mới đây, câu hỏi đặt ra, nếu các doanh nghiệp BĐS cứ "bỏ" Tp.HCM để đi làm dự án ở tỉnh lân cận, liệu thị trường BĐS TP sẽ như thế nào?, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, xu hướng dịch chuyển nguồn cung, sản phẩm ra các tỉnh lân cận của các CĐT BĐS không phải là mới. Những năm trước TP.HCM phát triển mạnh do nguồn cung, hạ tầng phát triển thì những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An,… hơi mờ nhạt. Hiện nay tại Tp.HCM với sự khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư thì sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.
"Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất phát triển, trong bối cảnh thị trường Tp.HCM đang khó khăn, các chủ đầu tư phải tìm cách tồn tại và phát triển. Về tiềm năng phát triển thị trường Tp.HCM vẫn có, nhu cầu nhà ở vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý, sự khó khăn ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường. Đây là xu hướng hoàn toàn dễ hiểu, sự dịch chuyển cung cầu, sản phẩm thay thế là quy luật bình thường trên thị trường", ông Kiệt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam cho hay, "Tôi hoàn toàn ủng hộ doanh nghiệp và người dân, chỗ nào dễ mình đến đầu tư. Đó cũng chính là tác động tích cực đối với những địa phương cởi mở về chính sách, chủ trương. Và đó cũng là áp lực để thay đổi đối với những thị trường khó về chính sách, thủ tục".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đánh giá, bản thân doanh nghiệp địa ốc phải linh hoạt trong chiến lược, nếu không tồn tại sẽ không phát triển được. Điều quan trọng nhất lúc này là linh hoạt trong chiến lược, làm sao để doanh nghiệp tồn tại trong sự khó khăn, thì doanh nghiệp phải có mục tiêu, chiến lược bền vững và đột phá, không thể bó mình vào một khung được.
Vị CEO này dẫn chứng, thời gian qua doanh nghiệp chọn thị trường Quy Nhơn, Bình Định để làm dự án trong bối cảnh quỹ đất Tp.HCM khan hiếm và rất thành công, dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm quỹ đất ở các tỉnh lân cận để kinh doanh.
Còn ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land thì cho rằng, với tình hình vĩ mô như hiện này, tôi cho rằng đây là một cơ hội rất lớn. Covid-19 là một cơ hội cực kỳ lớn mà mình không thể bỏ qua để phát triển".
Về việc phát triển ở các tỉnh khác, ông Nhiên cho rằng, đó là chuyện linh hoạt và cũng như hình thức là "bỏ phiếu bằng chân". Hưng Thịnh cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình. Thật ra chúng ta thấy cơ sở hạ tầng phát triển khá là tốt trong những năm qua. Tuy nó chưa phát triển hoàn chỉnh như chúng ta mong muốn nhưng vẫn phát triển khá tốt, kết nối của nó khá tốt. Ví dụ như những khu vực Lâm Đồng, Bình Định, Quy Nhơn…