Chuyện FPT: Từ công ty tiên phong khởi nghiệp, đến đại gia 4 tỷ USD vẫn không ngừng startup
Đại dịch Covid-19 và xu hướng chuyển đổi số cả ở Việt Nam lẫn trên toàn thế giới đã khiến ông lớn công nghệ FPT cũng phải liên tục vận động, phát triển những giải pháp mới đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Khái niệm kỳ lân được ra đời từ năm 2013 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee, nói về những startup được định giá 1 tỷ USD. Thời điểm bấy giờ, FPT đã là một doanh nghiệp có 25 năm tuổi đời nên mặc dù có quy mô tỷ đô trên thị trường, FPT không được gọi là kỳ lân như những VNG hay VNPay bởi đã quá trưởng thành, không còn tính "startup".
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào doanh nghiệp này từ những ngày đầu thành lập, có thể nói FPT là một trong những công ty tiên phong khởi nghiệp tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 1988, FPT ban đầu có tên không liên quan gì đến công nghệ: CTCP Chế biến thực phẩm (tên viết tắt FPT được lấy từ Food Processing Technology). 2 năm sau, FPT đổi tên thành Công ty đầu tư và phát triển công nghệ, với hoạt động kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin. Cùng với đó, FPT vẫn duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu để tồn tại trên thị trường. Năm 1994, khi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam chập chững những bước đi dầu tiên, FPT đã cho thành lập một loạt đơn vị nòng cốt như Trung tâm hệ thống thông tin, Xí nghiệp giải pháp phần mềm, Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng. Đây đều là các đơn vị quan trọng trong công nghệ ứng dụng của FPT.
Đến năm 1998, sau 10 năm thành lập FPT, ông Trương Gia Bình quyết định tìm hướng đi mới cho công ty, là toàn cầu hóa và trên con đường xuất khẩu phần mềm Việt Nam mà FPT mở lối, có thêm nhiều doanh nghiệp Việt khác. Sau 2 năm thực hiện chiến lược xuất khẩu phần mềm, năm 2000, doanh thu mảng này của FPT đạt trên 400.000 USD. Vậy nhưng tổng số tiền mà FPT đã bỏ ra đầu tư đã lên đến 920.000 USD. Qua những vấp ngã đầu tiên, thất thủ tại Ấn Độ và Mỹ, ông Bình và cộng sự rút ra được những kinh nghiệm để rồi sau đó thu được thành công lớn tại thị trường Nhật Bản. Kiên trì với hướng đi toàn cầu hóa, chỉ hơn 10 năm sau FPT của ông Bình không chỉ cung cấp dịch vụ gia công cho các đối tác nước ngoài, mà còn có thể tư vấn, cung cấp những giải pháp, dịch vụ trọn gói theo các xu hướng công nghệ mới.
Mảng xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục tăng trưởng 2 chữ số, cả về doanh thu lẫn lợi nhuận
Số liệu từ FPT cho thấy, giai đoạn từ 2016 đến nay, cả doanh thu và lợi nhuận mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đều liên tục tăng trưởng hai chữ số, trong khoảng 20-30% mỗi năm. Đến năm 2020 vừa qua, doanh thu xuất khẩu phần mềm đã lên tới 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 1.970 tỷ đồng, đều tăng trưởng 130% chỉ sau 4 năm. Được công nhận là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, với doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, nhưng "danh chính ngôn thuận" mà nói, giai đoạn trước đây rất khó để gọi FPT là tập đoàn công nghệ bởi gần 2/3 doanh thu của tập đoàn lại đến từ bán buôn, bán lẻ, thông qua 2 công ty là FPT Trading và FPT Retail.
Phải đến năm 2017, sau khi FPT quyết định thoái vốn tại 2 công ty bán buôn bán lẻ, tập đoàn này mới chính thức quay về "lõi" công nghệ của mình. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng khi FPT chính thức dồn toàn lực cho công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới. Nếu không tính mảng bán buôn, bán lẻ của các năm trước, doanh thu FPT thực tế tăng trưởng tới 25% trong năm 2018 và là lần đầu tiên các mảng thuần công nghệ của FPT cán mốc doanh thu tỷ đô.
Tại một cuộc hội thảo hồi cuối năm 2019, Chủ tịch Trương Gia Bình từng bày tỏ vô cùng tiếc nuối khi không kiên trì theo đuổi dự án startup Visky (còn được gọi là "Vườn Chim") của chính FPT. Đây là dự án có vốn khởi điểm 2 triệu USD, cho ra đời rất nhiều sản phẩm có tầm nhìn xa, như ViTalk tương tự WeChat ngày nay, ViMua tương tự Lazada, ViKim tương tự Momo, Vimuzic tương tự Zing Mp3 và một loạt sẩn phẩm "Vi" khác như Vihuni, Vinaanh, Vicongdong, Vibeyeu, ViMap, ViOlympic, Violet… với kỳ vọng trở thành một MegaApps. Trước đó, FPT còn sở hữu mạng TTVNOL - Trí tuệ Việt Nam (hay còn có tên khác là Trái tim Việt Nam) cực kỳ nổi tiếng, với bản chất tương tự các mạng xã hội ngày nay nhưng hiện cũng không còn tồn tại.
Ý tưởng vượt trội, tầm nhìn xa, nhân tài có đủ… nhưng theo người trong cuộc, cái sai duy nhất của Vườn Chim có lẽ là sai thời điểm, bởi Vườn Chim ra đời ngay khi FPT vừa lên sàn chứng khoán, ai cũng đột nhiên có nhiều tiền khiến động lực nuôi dưỡng startup bị suy giảm. Để rồi sau 3 năm không làm ra tiền, Vườn Chim đã bị xóa sổ.
Hơn một thập kỷ sau Vườn Chim, FPT đang cho thấy thái độ rất khác với startup. Năm 2015, Tập đoàn này đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures với mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. Những starup đã được FPT Ventures đầu tư có thể kể tới như ELSA, ANTS, Cyradar, Adtrue… Tiếp đó, năm 2016, FPT cùng Quỹ đầu tư Dragon Capital thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) nhằm giải quyết bài toán tạo ra nguồn startup dồi dào hơn và tạo đà cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. VIISA đầu tư vào các startup nổi bật như Base, Samo, Urbox, Cyhome… và mới đây nhất vào tháng 8/2021 rót vốn vào Medigo và Casso.
Nói về những người làm công nghệ, có lẽ không doanh nghiệp nào sở hữu lực lượng đông đảo như FPT. Cũng chính vì thế, FPT đã khởi xướng startup ngay trong lòng tập đoàn bằng giải thưởng iKhiến, một giải thưởng sáng tạo nhằm tìm kiếm, tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho những ý tưởng xuất sắc của chính các nhân viên trong Tập đoàn. Một trong những "thí sinh" của sự kiện này là akaBot, nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot, cho phép robot tự động hóa nghiệp vụ để thay thế con người làm những công việc có khối lượng lớn, lặp đi lặp lại.
Khi tung ra thị trường, akaBot nhanh chóng chứng tỏ sự lợi hại của một sản phẩm made by FPT. Một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian cao điểm có hơn 500 yêu cầu khởi tạo khoản vay mỗi ngày, cần phải được xử lý dựa trên quy trình thủ công giữa 13 nhân viên back-office và 400 sales đã dẫn tới tình trạng quá tải, năng suất thấp và rủi ro sai sót cao. Sau 6 tháng tự động hóa bằng akaBot, ngân hàng này đã giảm được khoảng 90% chi phí nhân sự và rút ngắn thời gian thực hiện từ 15 phút xuống còn 5 phút.
Trong khi đó, tại một ngân hàng nội, 75 robot của FPT đã được triển khai để tự động hóa các nghiệp vụ hàng ngày như đóng/mở tài khoản, chuyển/rút tiền, đóng/mở sổ tiết kiệm… Với mức đầu tư không lớn, ngân hàng này giải quyết được khối lượng công việc tương đương 45 nhân sự và có kế hoạch đặt tiếp 145 robot để tăng hiệu suất thêm 20-30%. Hiện start up akaBot đã có hơn 160 khách hàng lớn trong nước và quốc tế, trở thành giải pháp RPA hàng đầu, đặc biệt cho ngành tài chính, ngân hàng. akaBot hiện đang triển khai thêm các sản phẩm dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hứa hẹn thúc đẩy xu hướng tự động hóa trên cả nước.
Cùng với các sản phẩm công nghệ nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp, FPT còn liên tục tạo ra những sản phẩm công nghệ mới giúp doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19. Bản thân FPT cũng là một doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch và FPT đã lấy mình ra thử nghiệm, đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn của chính mình. Từ những thử nghiệm này, các sản phẩm hiệu quả được đưa ra thị trường để giải bài toán chung cho các doanh nghiệp khác.
Có thể kể đến một số sản phẩm nổi bật như On Meeting giúp doanh nghiệp họp hành trực tuyến. FPT.eContract giúp việc quản trị hồ sơ, bảo mật tài liệu, hành chính không cần giấy tờ. Base Request giúp việc quản trị yêu cầu, đề xuất hàng ngày trở nên thuận tiện hơn… Các giải pháp của FPT giúp giảm thời gian ký văn bản và đóng dấu của các nhà lãnh đạo xuống chỉ còn vài phút.
Không chỉ "tự thân vận động", FPT còn tích cực đi đầu tư chiến lược vào các dự án startup tiềm năng, điển hình như thương vụ Base.vn. Đây là một nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.000 doanh nghiệp sử dụng. Base chuyên xử lý 3 bài toán lớn cho các doanh nghiệp, bao gồm: quản lý nâng cao năng suất; minh bạch và thông suốt thông tin; quản trị và phát triển nhân lực toàn diện.
Không giấu giếm tham vọng khi đầu tư vào Base, CEO FPT, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, chiến lược của FPT là xây dựng nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng số 1 trên thị trường. Tuy nhiên, có một sự thật là, dù đã thành lập gần 30 năm, cung cấp sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng FPT vẫn chưa giải được bài toán đóng gói các sản phẩm vào một nền tảng cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc hợp tác với Base.vn giúp FPT đưa đến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn bộ gói sản phẩm công nghệ phù hợp. Thế nên, theo ông Khoa, hợp lực với Base.vn là "một trong những con đường ngắn nhất để FPT hiện thực hóa mục tiêu đó".
Trong báo cáo triển vọng kinh doanh FPT, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI nhận định, mảng công nghệ của tập đoàn năm nay có thể đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.900 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm trước và sang năm 2022 sẽ tăng tiếp lên 3.700 tỷ đồng, nhờ cả dịch vụ trong nước và quốc tế.
Có thể không ai gọi FPT là startup tỷ đô, nhưng chắc chắn FPT là doanh nghiệp tỷ đô vẫn đang không ngừng startup.