Chuyển động mới quanh tòa cao ốc hơn 6.100 tỷ đồng bỏ hoang 10 năm ở trung tâm TP HCM

10/11/2020 09:03 AM | Kinh doanh

Saigon One Tower từng được rao bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 6.100 tỷ đồng, đã bỏ hoang hơn 10 năm nhưng mới chỉ hoàn thành phần thô. Một doanh nghiệp vốn điều lệ 300 triệu đồng là Công ty Di sản Quốc tế Hồ Tràm đăng ký đầu tư dự án...

Saigon One Tower - 10 năm vẫn một dáng hình

Saigon One Tower được thiết kế với chiều cao 195 m (42 tầng), từng trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc của TP HCM, khi tọa lạc tại vị trí vàng, nơi góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt, quận 1.

Được khởi công năm 2009 bao gồm các hạng mục như trung tâm thương mại dịch vụ, khối văn phòng, khối căn hộ cao cấp, tòa nhà đến nay đã bị bỏ hoang hơn 10 năm, hiện mới chỉ hoàn thiện xây dựng phần thô. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong từng liệt kê Saigon One Tower là một trong 3 dự án làm xấu bộ mặt thành phố, bên cạnh tòa tháp SJC và Lavenue Crown.

 Chuyển động mới quanh tòa cao ốc hơn 6.100 tỷ đồng bỏ hoang 10 năm ở trung tâm TP HCM  - Ảnh 1.

Dự án Saigon One Tower mới hoàn thiện phần thô, bỏ hoang chục năm nay. Ảnh: Đình Dân

Chủ đầu tư công trình là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, do nhiều công ty góp vốn. Để thực hiện dự án này, Địa ốc Sài Gòn M&C đã vay nợ hơn 854 tỷ đồng tại ngân hàng Đông Á với tài sản đảm bảo là một phần tài sản hình thành trong tương lai từ cao ốc Saigon One Tower, được định giá 723 tỷ đồng. Ngân hàng Đông Á sau đó có ký hợp đồng mua bán khoản nợ cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) với giá gần 680 tỷ đồng, gồm cả lãi phát sinh.

VAMC cũng ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng khác với tổng dư nợ cả gốc và lãi lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. VAMC đã nhiều lần nhắc nhở các công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng không đưa ra được phương án khả thi. Do đó, tháng 8/2017, VAMC thu giữ dự án Saigon One Tower để thu hồi nợ. Đến tháng 3/2018, dự án được đem ra đấu giá để xử lý khoản nợ xấu với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, VAMC lại thông báo lùi thời điểm đấu giá và từ đó đến nay chưa có cuộc đấu giá nào được diễn ra.

Mức giá khởi điểm cho cuộc đấu giá này cũng gây lên nhiều tranh cãi. Một số nhà đầu tư cho rằng dự án đã bị trì hoãn khá lâu, ảnh hưởng tới chất lượng xây dựng, lại thêm nhiều điểm trừ về khuôn viên hẹp, thiết kế đi sau xu hướng... Thậm chí, việc định giá cũng cao hơn so với giá thị trường.

Xuất hiện nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án

Theo Văn phòng UBND TP HCM, hồ sơ đăng ký đầu tư dự án cao tốc Saigon One Tower tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 đã được gửi lên từ CTCP thành phố. Hồ sơ này đang được UBND thành phố phân công xử lý.

 Chuyển động mới quanh tòa cao ốc hơn 6.100 tỷ đồng bỏ hoang 10 năm ở trung tâm TP HCM  - Ảnh 2.

CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký đầu tư dự án Saigon One Tower. Ảnh chụp từ website UBND TP HCM

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Di sản quốc tế Hồ Tràm được thành lập tháng 11/2019 với vốn điều lệ chỉ 300 triệu đồng. Cổ đông sáng lập doanh nghiệp gồm ông Nguyễn Quốc Long (nắm 50% vốn), ông Lê Nguyên Thành (nắm 30%) và ông Lê Quang Ngọc (nắm 20%).

Trong đó, ông Nguyễn Quốc Long sinh năm 1952 đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Ông Long còn là người đại diện ở 2 doanh nghiệp khác là CTCP Quốc tế Hồ Tràm (đã ngừng hoạt động) và CTCP Du lịch Hồ Tràm (đang hoạt động).

Ông Long và công ty Du lịch Hồ Tràm từng gây xôn xao giới tài chính khi năm 2014 đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International có trụ sở tại Hong Kong để tham gia chương trình PPP vào 3 siêu dự án có tổng giá trị lên tới 100 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó, nhiều nguồn tin khẳng định dự án không có thật.

Một chuyên gia đầu tư tài chính nhận định, hiện tại dự án Saigon One Tower được VAMC thu giữ để xử lý khoản nợ xấu với giá cao, nhiều doanh nghiệp có thể không mua được bằng tiền mặt. Nếu dự án được cấp phép đầu tư thì VAMC có thể chuyển nợ và doanh nghiệp nhận đầu tư có thể nhận khoản nợ của Saigon One Tower. Tuy nhiên, để được cấp phép đầu tư, doanh nghiệp có thể phải đảm bảo nhiều yếu tố về năng lực tài chính, chứng minh nguồn lực tài chính, có tài sản thế chấp, uy tín triển khai dự án....

Vì vậy, một doanh nghiệp vốn điều lệ 300 triệu đồng, được góp vốn từ các cá nhân so với khoản nợ đấu giá 6.110 tỷ đồng là sự chênh lệch lớn. Khả năng thành công cho thương vụ đăng ký đầu tư để hồi sinh dự án bất động cả chục năm này vẫn còn là dấu hỏi bỏ ngỏ.

Lê Xuân

Cùng chuyên mục
XEM