Chuyến đi của 28 doanh nhân Việt đến Iraq và hợp đồng 700 triệu USD ký trong tiếng gầm tên lửa

03/05/2017 17:13 PM | Kinh doanh

Đúng 20 giờ GMT ngày 16/12/1998, khi đoàn công tác vừa đến Baghdad, Mỹ-Anh đã mở cuộc không kích Iraq với biệt danh chiến dịch "Cáo sa mạc".

Một trong những công việc khó khăn nhất của tôi trong tất cả các nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài là quyết định đưa một đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam 28 người sang Iraq vào đúng thời điểm Mỹ-Anh phát động chiến dịch "Cáo sa mạc" không kích thủ đô Baghdad, Iraq năm 1998.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai.

---

Vào khoảng tháng 10, tháng 11/1998, quan hệ giữa Iraq và Mỹ trở nên hết sức căng thẳng do chính phủ Iraq không cho phép các thành viên của Uỷ ban Liên hợp quốc về thanh sát vũ khí UNSCOM vào thanh sát một số cơ sở nhạy cảm mang tính biểu tượng chủ quyền quốc gia, trong đó có các dinh thự và văn phòng làm việc của Tổng thống Saddam Hussein và các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Iraq.

Mỹ coi đây là vi phạm của Iraq đối với nghị quyết 687/1991 của Hội đồng bảo an và ráo riết chuẩn bị tấn công. Không khí chiến tranh một lần nữa lại sôi sục bao trùm lên toàn bộ đất nước Iraq.

Các máy bay ném bom chiến lược đã lắp đầy tên lửa và bom sẵn sàng xuất kích. Tàu sân bay USS Interprise và nhiều khu trục hạm được điều đến các vùng biển sát Iraq. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ đóng tại khu vực tuyên bố sẽ không kích vào thủ đô Baghdad vào lúc 20 giờ GMT ngày 16/12/1998.

Trong buổi giao ban của Đại sứ quán sáng 9/12/1998, chúng tôi nhận định Mỹ chắc chắn sẽ đánh Iraq.

Tôi nhận được điện từ trong nước cho phép Đại sứ quán căn cứ tình hình cụ thể quyết định các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng của cán bộ nhân viên và công việc của cơ quan.

Chúng tôi quyết định cho phụ nữ và trẻ em tạm thời lánh nạn sang nước láng giềng Jordan. Có chị nhất định không chịu đi với lý do: "Chừng nào Đại sứ còn ở lại đây thì chúng tôi không đi đâu hết". Vợ và đứa con trai của tôi cũng không chịu đi. Sau này tìm hiểu tôi mới biết người phụ nữ đó đã từng là thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Tôi có mời đại sứ các nước ASEAN và một số nước bạn bè thân thiết đến Đại sứ quán ăn tối trao đổi và tham khảo ý kiến về việc sơ tán cán bộ nhân viên. Các sứ quán đều cho sơ tán người sang Jordan.

Riêng tôi phát biểu rằng Đại sứ quán Việt Nam chỉ sơ tán phụ nữ và trẻ em, còn tôi sẽ ở lại Baghdad vì sắp có đoàn doanh nghiệp lớn sang Iraq đàm phán ký kết hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm cho Iraq theo chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" của Liên Hợp quốc.

Bản thân tôi cảm thấy rất lo lắng nhưng thầm nghĩ rằng tên lửa hành trình Tomahawk và Cruise bắn rất chính xác, Đại sứ quán Việt Nam không ở gần các khu vực mục tiêu tấn công của Mỹ nên có thể yên tâm phần nào.


Một số phi công Mỹ trước khi khởi động chiến dịch Cáo sa mạc. Ảnh: ACC

Một số phi công Mỹ trước khi khởi động chiến dịch "Cáo sa mạc". Ảnh: ACC

Theo kế hoạch đã thỏa thuận với chính phủ Iraq, ngày 15/12/1998, một đoàn doanh nghiệp 28 người đại diện cho các công ty lớn của Việt Nam do ông Lê Huy Côn, thứ trưởng Bộ Công nghiệp dẫn đầu thăm Iraq đã nhập cảnh qua cửa khẩu Trebil từ Jordan.

Do Iraq bị cấm vận toàn diện, sân bay bị đóng cửa, con đường bộ dài 1.000 km qua Jordan là cửa ngõ duy nhất của Iraq ra thế giới bên ngoài. Đến Trebil, đoàn biết tin ngày hôm sau, tức 16/12 Mỹ-Anh sẽ đánh Iraq.

Trong tình hình như vậy, mọi người chần chừ không biết có nên đi tiếp vào Baghdad hay trở lại Jordan? Ông Côn, trưởng đoàn cũng trong tình thế khó xử , gọi điện trao đổi với tôi: "Đoàn chúng tôi vừa qua biên giới Iraq và đang ở phòng chở cửa khẩu Trebil. Ngày mai Mỹ-Anh sẽ đánh Iraq, ý anh thế nào, đoàn có thể đi tiếp vào Baghdad hay quay lại Jordan?"

Một câu hỏi quá khó đối với tôi trong lúc này. Câu trả lời dễ nhất, an toàn nhất không ai có thể trách được là "trong tình hình nguy hiểm như vậy, để tránh rủi ro, bảo toàn tính mạng cho mọi người, đoàn nên quay lại Jordan".

Sau khi suy đi tính lại, cất nhắc mọi khả năng, tôi trả lời ông Côn: "Mình đã nhập cảnh vào nước bạn rồi mà quay về thì không hay chút nào. Đoàn tiếp tục đi tiếp vào Baghdad trong lúc bạn gặp khó khăn thế này sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ thu xếp cho đoàn ăn ở trong Đại sứ quán thay vì ở khách sạn vì tôi nghĩ Mỹ-Anh sẽ không đánh vào các cơ quan ngoại giao của nước ngoài. Hơn nữa, tôi vẫn ở đây cùng với anh em cơ mà. Đây là suy nghĩ của tôi, còn anh bàn với mọi người trong đoàn rồi quyết nhé".

Với trách nhiệm trưởng đoàn, ông Côn cũng hết sức lo lắng nhưng thấy tôi nói có tình, có lý, Đại sứ và cán bộ nhân viên Đại sứ quán vẫn ở lại Baghdad để đón đoàn nên không có lý gì không đi tiếp.

Cuối cùng ông Côn quyết định để anh em đi tiếp, còn các chị phụ nữ quay lại Jordan về nước. Tôi nghĩ trong tình hình nguy hiểm như vậy quyết định của ông Côn là hợp lý. Tuy nhiên, các chị, trong đó có Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinafood 1 Cao Thị Hảo, Tổng giám đốc Vocarimex Dương Ngọc Trinh kiên quyết đòi đi theo. Thế là tất cả đoàn cùng đi.


Một căn cứ quân sự Iraq bị phá hủy sau chiến dịch Cáo sa mạc. Ảnh: ACC

Một căn cứ quân sự Iraq bị phá hủy sau chiến dịch 'Cáo sa mạc". Ảnh: ACC

Còn tôi thì mừng ít, lo nhiều. Mừng vì đoàn vẫn vào Baghdad trong lúc nước bạn đang hết sức khó khăn chắc chắn sẽ được đánh giá cao và đối xử đặc biệt. Cái lo nhất của tôi là đảm bảo an toàn cho đoàn và chỗ ăn ở cho 28 con người trong ngôi nhà chật hẹp của Đại sứ quán.

Tuy nhiên, thấy mọi người trong đoàn rất hăng hái, không sợ và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, nguy hiểm với Đại sứ quán, tôi cảm thấy yên lòng.

Đại sứ quán lấy đâu ra đủ giường chiếu cho từng nấy người. Chúng tôi phải đi mua thêm chăn, đệm và thức ăn cho đoàn. Mờ sáng 16/12 chiếc xe buýt chở đoàn đỗ trước cổng Đại sứ quán.

Ra đón đoàn, tôi thấy mọi người khá mệt sau một đêm mất ngủ đi qua sa mạc và trời lạnh. Mọi người ăn sáng rồi nghỉ ngơi. Không đủ chỗ, mọi người trải đệm nằm la liệt trong phòng khách, nhà ăn, thậm chí cả hành lang của Đại sứ quán. Có gì ăn nấy, có sao ở vậy, mọi người đều vui vẻ và thông cảm với điều kiện "thời chiến" của Đại sứ quán.

Đúng 20 giờ GMT ngay hôm đoàn đến, ngày 16/12/1998, lấy cớ Iraq không chịu hợp tác với Uỷ ban của Liên hợp quốc về thanh sát vũ khí UNSCOM, Mỹ-Anh đã mở cuộc không kích Iraq với biệt danh chiến dịch "Cáo sa mạc" nhằm phá hủy tiềm lực quân sự của nước này, kích động dân chúng nổi lên lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Cả thành phố rung chuyển, các cột khói bốc lên nghi ngút, tiếng xe cứu thương rú còi inh ỏi trên các đường phố.

9 giờ sáng hôm sau 17/12, theo đúng chương trình, cả đoàn lên làm việc với phía Iraq. Để đảm bảo an toàn, bạn phải bố trí hội đàm dưới tầng hầm toà nhà trụ sở Bộ Công nghiệp và Khoáng sản.

Trong hội đàm, bạn đánh giá rất cao sự có mặt của đoàn Việt Nam trong thời khắc nguy hiểm này và ưu tiên dành cho các doanh nghiệp của ta các hợp đồng tốt nhất. Vừa ra khỏi cuộc hội đàm, đứng trước cửa của toà nhà thì một loạt tên lửa lại được bắn vào các mục tiêu ở Baghdad. Chúng tôi nghe thấy những tiếng nổ rát tai và những cột khói lại bốc lên.

Theo Lầu Năm Góc, trong chiến dịch này Mỹ-Anh đã sử dụng 14 máy bay B-52 xuất kích từ căn cứ quân sự Diego Garcia ở Ấn độ dương. Các máy bay ném bom B-1B, F-16s và Tornado với 650 lần xuất kích từ tàu sân bay USS Interprise và căn cứ không quân Ahmed Al-Jaber của Kuwait, Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả rập vùng Vịnh. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất của Mỹ-Anh chống Iraq kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Trong vòng 3 ngày, họ đã phóng 250 tên lửa hành trình Tomahawk, 450 tên lửa Cruise và 600 quả bom có điều khiển vào 100 mục tiêu của Iraq, trong đó có 6 dinh thự của Saddam Hussein và các cơ quan đầu não của chính phủ.


Một tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trong cuộc không kích Cáo sa mạc. Ảnh: Wikipedia

Một tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trong cuộc không kích "Cáo sa mạc". Ảnh: Wikipedia

Chính phủ Iraq lúc đó rất cảm kích về sự có mặt của đoàn Việt Nam, đoàn nước ngoài duy nhất bất chấp khó khăn, nguy hiểm đến Iraq để bàn cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hoá tiêu dùng cho bạn theo chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" của Liên hợp quốc.

Bạn nói trong khi người nước ngoài rời Iraq để lánh nạn thì các bạn Việt Nam lại đi vào. Ông Lê Huy Côn cho biết trong chuyến đi này, phía Iraq đã dành cho các công ty của Việt Nam nhiều hợp đồng lớn với tổng giá trị 700 triệu đô la.

Vào cuối những năm 90, đây là con số không nhỏ. Việt Nam trở thành một trong những nước cung cấp lương thực, thực phẩm lớn nhất cho Iraq, góp phần quan trọng giúp nhân dân Iraq vượt qua những khó khăn do hậu quả chiến tranh và cấm vận.

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy mình thực sự may mắn. Cả đoàn 28 người về nước an toàn với nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hoá sang Iraq. Đại sứ quán chúng tôi nhận được rất nhiều lời cám ơn, động viên từ các doanh nghiệp và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Vinamilk ngày 20/8/2016, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc đã ôn lại những bước đi đầu tiên xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Iraq vất vả như thế nào.

Bà nói rằng lúc đó biết đi vào nơi đang có chiến tranh là nguy hiểm, nhưng vì công ăn việc làm của người lao động, vì sự sống còn và phát triển của Vinamilk, bà đã chấp nhận lên đường. Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Mai Kiều Liên quả quyết:

"Nếu bây giờ phải đi vào những nơi có chiến tranh như Iraq hồi năm 1998 để tìm được thị trường cho sản phẩm của Vinamilk tôi cùng sẽ vui vẻ lên đường".

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Cùng chuyên mục
XEM