Chuyện cuối tuần: Cho cá, cần câu, và cả kỹ năng câu cá vẫn là chưa đủ

15/10/2017 08:24 AM | Kinh doanh

Với người không biết nắm bắt cơ hội, thì dù bạn cho họ cá, cần câu, và dạy cả kỹ năng câu cá nữa vẫn là chưa đủ!

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công, nó bao gồm cả cơ hội đến với bạn, kỹ năng bạn có, và quan trọng nhất, chính là thái độ của chính bạn. Trên con đường dẫn tới thành công, cơ hội chỉ chiếm 10%, kỹ năng chiếm 20%, còn lại 70% là từ thái độ của chính bạn.

Có một câu chuyện được chia sẻ như là một bài học trong cuộc sống - chuyện kể rằng, ở một làng chài nọ có một thanh niên đi câu cá. Trên đường về, đang xách giỏ cá trên tay, anh gặp một người ăn xin sắp chết đói. Thương tình, anh bắt mấy con to nhất trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin. Người ăn xin đã nướng cá ăn và thoát được cơn đói.

Vui vẻ, tiếp tục chặng đường về, gặp anh bạn hàng xóm, anh vui miệng kể lại câu chuyện mình vừa làm. Anh bạn hàng xóm lắc đầu bảo rằng anh làm như vậy không chắc đã tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ” - anh hàng xóm nói.

Bán tín bán nghi, ngày hôm sau anh thanh niên rủ anh bạn hàng xóm cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm cho người ăn xin cần câu.

Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ. Trên đường về hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện trên cho anh hàng xóm này nghe. Anh hàng xóm này lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho cần câu rồi, nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói”.

Ngày hôm sau cả ba người cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, ba người gặp lại người ăn xin đang nằm quắp chiếc cần câu đói lả bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm sửa lại cần câu, anh bạn hàng xóm mới giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá…

Nếu người khác cho bạn một cơ hội, hãy nắm lấy và định hướng nó thành sự nghiệp của mình. Đừng nghĩ rằng người ta cho bạn cá, thì nghĩa vụ tiếp theo sẽ là trao nốt cần câu cho bạn. Hay, khi bạn đã được nhận cần câu, hãy tự thân vận động tìm ra cách câu cá, để không phải chết đói bên chiếc cần câu và bên cạnh là biển cả.

Tiếp tục câu chuyện của 3 chàng trai tốt bụng, họ ra về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc từ nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Trên đường về, đang bàn luận rôm rả thì cả 3 gặp lão ngư ông trong làng. Nghe thấy cả 3 hào hứng nói chuyện, lão ngư đứng lại, hỏi chuyện 3 chàng trai một cách cặn kẽ.

Nghe xong, lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng lão nghĩ chưa đủ. Lão chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quang trọng hơn. Các cậu cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, tôi tin người ăn xin này vẫn đói!".

Thấy ba thanh niên ngơ ngác, lão ngư lên tiếng giải thích:

-Thứ nhất người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, và đó là thói quen của ông ta. Ông ta không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo, chỉ tâm niệm làm sao xin được miếng ăn mà thôi. Vì vậy trước tiên các cậu cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.

-Thứ hai như các cậu đã biết, không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá. Đôi khi phải kiễn nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào. Do vậy các cậu cần chỉ ông ta biết về bài học kiên trì.

-Thứ ba có một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó chính là niềm tin. Lão đã từng hỏi chuyện ông già ăn xin ấy rằng: Sao lão còn sức lực dồi dào, sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cùng tôi?. Và ông ta đã trả lời là: "Tôi không theo ông được, tôi sinh ra đã mang phận ăn xin rồi, từ đời cha mẹ đã làm nghề này, số tôi khổ sẵn rồi, tôi không làm được cái gì nên hồn cả!”. Do vậy cái mà người ăn xin thiếu không phải là công cụ, kỹ năng hay phương pháp mà ông ta thiếu thái độ đúng đắn!

Cả ba nghi hoặc, chưa thực sự tin lời của lão ngư, nhưng để kiểm tra, ngày hôm sau nữa, ba thanh niên cùng rủ lão ngư đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà, cả bốn người gặp người ăn xin nọ vẫn đang ngồi bên vệ đường đói lả xin ăn.

Cả 3 chàng trai hy vọng lão ngư có thể dùng kinh nghiệm của mình dạy lại ông lão ăn xin. Tuy nhiên, lão ngư chần chừ: “Thái độ là phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của xung quanh, không thể ngày một ngày hai mà có được...".

----------------------------------------------

Có 3 thành tố quan trọng để hướng tới thành công bao gồm cơ hội, kỹ năng và thái độ. Hãy xem vai trò từng yếu tố, có sự đầu tư hợp lý để phát huy tối đa năng lực bản thân để thành công.

Cơ hội không đến 2 lần, do vậy, cần nắm bắt ngay thời cơ mỗi khi cơ hội đến. Thậm chí, nếu không thấy cơ hội gõ cửa nhà bạn, chắc là do chưa có cửa, hãy lập tức tạo ra cánh cửa để cơ hội có thể đến gõ. Trong kinh doanh cũng vậy, đừng bao giờ nghĩ mọi thứ sẽ tự đến.

Không ít người dù trong khó khăn vẫn luôn tìm thấy cơ hội cho mình, nhưng cũng không ít người khi cơ hội đến, họ lại chần chừ, rồi bỏ qua vì ngại gian khổ. Có người vượt qua trở ngại bằng thái độ lạc quan, lại có người chao đảo bởi những ý nghĩ tiêu cực. Bởi vậy, không quá khi nói rằng “Thái độ đóng vai trò quyết định chuyện thành - bại của mỗi người”.

Khác biệt giữa một thách thức và một cơ hội chỉ nằm ở thái độ của bạn. Khi niềm tin của bạn lớn hơn nỗi sợ hãi, thách thức sẽ biến thành cơ hội của bạn. Chúng ta thường quên mất bản thân mình có lợi thế gì, thường không định vị được bản thân và vị trí mình đang đứng.

----------------------------------------------

Cũng giống như chuyện một chiếc dây thừng nhỏ có thể "xích" một chú voi to lớn vậy. Để thuần hóa những chú voi, ngay từ khi những chú voi còn nhỏ, những người dạy voi đã dùng những dây xích rất lớn để xích chân voi con lại. Các chú voi dù cố gắng đến đâu cũng không thể dứt chân khỏi sợi dây xích khổng lồ để thoát ra.

Sợi dây xích sẽ càng chắc chắn hơn khi chú voi lớn hơn một tí. Nhưng không lâu sau đó, sợi xích sẽ nhỏ dần, và có thể thay thế bằng một sợi dây thừng nhỏ khi chú voi đủ lớn. Tại sao ư? Bởi trong tâm trí chú voi, ngay từ bé, chú đã xác định rằng dù có vùng vẫy đến đâu cũng không thể thoát khỏi sợi dây xích.

Do vậy, cả đời sau này, chú sẽ không bao giờ còn cố gắng để thoát khỏi sợi xích nơi chân nữa, dù đó chỉ là sợi dây thừng nhỏ. Con người cũng vậy, có những lức tâm trí luôn nghĩ rằng: Cái đó là quá sức mình để rồi không dám, ngay cả thử. Và chính bạn đã bị thua từ trong tâm trí bạn.

Đừng sợ rằng bạn không biết một cái gì đó. Hãy sợ rằng bạn không chịu tìm hiểu về nó. Bạn không mất gì khi cố gắng nhưng lại được mọi thứ nếu thành công. Vậy thì hãy cố gắng bằng mọi giá. HÃY LÀM NGAY!

Theo Minh Giám

Cùng chuyên mục
XEM