Chuyện của những "lớp học trên mây" ở Thu Lũm: Cô giáo băng rừng, vượt suốt "bắt" trẻ đi học, cô hổn hển trò tèm lem nước mắt theo cái chữ, con "tương lai"
Ở những "lớp học trên mây" vùng cao Mường Tè, ngoài công tác giảng dạy, một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của các giáo viên là vận động lũ trẻ đến trường đầy đủ. Mỗi tuần, hành trình vượt suối, băng rừng hàng chục km của họ như trò chơi cút bắt, thầy cô đến, lũ trẻ lại chạy ù đi trốn, hoặc khóc hết nước mắt. Nhưng thiếu một học sinh, họ nhất quyết không về...
Sáng thứ hai đầu tuần, với đa phần giáo viên ở dưới xuôi là thời gian của những lễ chào cờ trang nghiêm, những giờ hoạt động đầu tuần, giao ban tổ bộ môn, là những giờ dạy khởi đầu của một tuần mới, trò và thầy đều háo hức. Thứ hai đầu tuần của các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) lại là lúc bắt đầu trò "cút bắt" giữa họ và các học sinh bé nhỏ của mình.
Chiều thứ sáu, sau khi ăn trưa, lũ trẻ nhấp nhổm thu xếp đồ đạc, đi bộ hàng chục km về nhà với bố mẹ. Sau hai ngày cuối tuần ở bên gia đình, chúng bện hơi, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhiều đứa chẳng chịu quay lại trường học mà "cúp cua" luôn. Nhưng đương nhiên, các thầy cô của chúng đâu có chịu!
Cách trung tâm thị trấn Mường Tè gần 100km và cách thành phố Lai Châu gần 300km, ngôi trường ở xã vùng cao biên giới Thu Lũm này có 578 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trường có 2 điểm trường chính với 400 học sinh, 10 điểm trường lẻ ở bản xa (chủ yếu dạy học sinh lớp 1, 2 với hơn 100 học sinh, trong đó 6/10 điểm được mở vào năm nay), và chỉ khi mỗi lớp được lấp đầy sĩ số, các giáo viên mới bắt đầu dạy học.
Tuần nào cũng thế, sau khi học sinh quay trở lại trường, các giáo viên sẽ điểm danh học sinh, và dành cả ngày thứ hai để băng rừng, vượt suối đến tận nhà mấy nhóc trốn học vận động chúng trở lại trường. Nếu thứ hai chưa gom đủ, thứ ba họ sẽ quay lại thuyết phục thêm. Không có ngoại lệ. Không vì một lý do nào mà một em bé bị "bỏ lại" ở nhà.
Do đường vào các bản gập ghềnh, hiểm trở, học sinh phần lớn là người thiểu số, chưa rành rẽ tiếng Kinh, thường thì một số giáo viên người địa phương, những người thạo địa hình, hiểu rõ văn hóa, có sức khỏe tốt sẽ nhận lãnh nhiệm vụ này. Nhưng đôi lúc, chính cô Hiệu phó Phạm Thị Thái phải đích thân cùng đi vận động thì mới êm xuôi.
Cô Thái cùng một thầy giáo băng quãng đường rừng 20km từ trường tiểu học Pa Ủ vào bản Hà Xi để vận động 4 em học sinh, 2 em lớp 1, 2 em lớp 2 quay trở lại trường.
Ra trường năm 1999, cô Thái có 7 năm làm giáo viên ở quê nhà Tuyên Quang trước khi đến Lai Châu. Cô đã gắn bó với những rẻo cao, những học sinh ở Mường Tè suốt 14 năm nay, từ cái ngày con gái mới 10 tháng tuổi. "Hồi ấy, viết thư xung phong lên đây, mình cũng chưa ngờ là khó khăn vất vả đến thế. Ngày nhận trường, mình đi xe ôm từ thị trấn vào, nước ngập gần rốn, anh xe ôm còn bị trôi xe trong lũ. Đi được một đoạn nữa thì đường sụp, cây đổ ngổn ngang, mình và 3 anh đồng nghiệp nữa đi bộ. Anh xách hộ bao gạo, anh xách hộ cái chậu..., 4 anh em đi đoạn đường chưa đến chục km mà từ 10 giờ trưa đến 3 giờ chiều mới đến nơi. Trên người lúc ấy có mỗi gói xôi con con mình mua ngoài thị trấn, 4 anh em bẻ chia nhau ăn... " - cô Thái hồi tưởng.
Từ buổi đầu là giáo viên dạy lớp 3, vừa phải xoay con nhỏ, vừa lo việc trường lớp, ở cái nhà lắp ghép bằng tôn xanh cho đến giờ là hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ, cô Thái đã quen thuộc với cảnh "dụ dỗ" học sinh về trường mỗi đầu tuần.
Đường cực kỳ khó đi, nhiều đoạn dốc cua khó khăn, băng qua suối, cô Thái không dắt được xe, phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ.
Suốt 14 năm ở ngôi trường trên mây, dày dạn kinh nghiệm, nhiều "chiêu" đối phó, cô Thái vừa tự chân đi, vừa chia sẻ bí quyết của mình với các đồng nghiệp. Nhưng cũng nhiều khi giáo viên đi rồi lại về tay không, chính cô Hiệu phó phải đích thân đến tận nhà lũ trẻ thuyết phục chúng và gia đình.
Cô Thái nhớ mãi, năm đầu dạy ở Mường Tè, cô được phân công đứng dạy lớp 3. Hồi ấy cô mới ở xuôi lên, cô trò chưa hiểu rõ tiếng nhau, chưa thân thuộc nhau đâu. Lần đầu gặp cảnh cô dạy trên bảng, trò đang học bỗng đứng phắt dậy đi về, cả lớp mấy đứa lũn chũn theo sau, dỗ thế nào cũng không được, cô bật khóc...
Còn cảnh thấy cô giáo đến, bọn trẻ chạy vụt lên rẫy trốn, lẻn sang nhà khác, đi luồn của trước rồi lại vòng cửa sau, hoặc cả nhà hùa nhau... giấu con đi cũng là chuyện thường gặp. Cô Thái bảo, đa phần những gia đình ở đây rất yêu chiều con, không mấy khi ép buộc chúng đi học. Phụ huynh nhiều người cũng không rành tiếng phổ thông, chưa hiểu tầm quan trọng của cái chữ, nên ngoài việc vận động trẻ, còn phải thuyết phục, động viên phụ huynh để họ hiểu và hợp tác.
Những buổi sáng đầu tuần "cút bắt" như thế này của cô Thái và đám trò nhỏ diễn ra suốt 14 năm nay. Cô bảo, với trẻ tiểu học, lý do nghỉ học để trông em, phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, buôn bán... ít hơn so với trẻ cấp hai. Chủ yếu chúng trốn học là vì nhớ bố mẹ quá, vì còn mải chơi.
Một cuộc vận động như thế này thường kéo dài khoảng 3 tiếng, có khi còn hết cả buổi. Cô Thái bảo, giáo viên cùng cao ai cũng phải thủ sẵn vài "chiêu" để dỗ trẻ đến trường. Mà quan trọng hơn là hành trình thay đổi ý thức, lối sống của gia đình các em, để họ hiểu cái chữ quan trọng thế nào.
Một trong những chiêu cô thi thoảng dùng, ấy là... xui phụ huynh dỗ con lên trường để được ăn no, ngủ ấm, học vui, xui họ nếu trẻ bất hợp tác thì dọa không cho trẻ ăn. Có đứa ma lanh sang nhà hàng xóm ăn chực, cô vận động cả nhà hàng xóm không cho trẻ ăn, trừ khi con chịu đi học.
Bị đói là một nỗi ám ảnh của trẻ con nơi đây, nên dọa thì dọa vậy, các thầy cô vẫn dỗ dành các em là chính. Cô Thái bảo, nhiều lần đến gọi, mấy đứa nhóc đang ngồi vây quanh bếp luộc sắn. Lòng quyết đi theo con chữ rồi, nhưng chân còn nấn ná chưa muốn rời, hóa ra vì chúng đói quá, sắn chưa chín nên chưa đi theo cô được, thương lắm!
Cũng có những học trò "ghê gớm", đưa lên trường rồi mà nhớ mẹ quá nằng nặc khóc đòi về. Như em bé lớp 1 dạo nào, đập dầu vỡ cả kính để đòi về. Các cô lại phải cho nghỉ 1 tuần, đưa bé về, giải thích với gia đình rồi vận động đi học lại.
Đường xa, đi lại nguy hiểm, để lũ trẻ tuần nào cũng về nhà cũng không an tâm. Các thầy cô ở Thu Lũm còn vận động gia đình dặn trẻ ở trường 2 tuần hoặc 1 tháng mới về nhà một lần. Cả tuần con phải học, bố mẹ đi làm đã thành lịch, nhưng cuối tuần bố mẹ có thể ra thăm con, các giáo viên sẽ nấu cơm cho bố mẹ ăn. Mới lác đác vài phu huynh nghe theo, nhưng thế đã đủ khiến cô Thái vui vui trong lòng.
Không chỉ dạy học, các thầy cô còn phải "dụ dỗ" lũ trẻ bằng quần áo mới, bằng kẹo, dỗ là sang trường rồi cô gội đầu cho. Nhiều khi các cô giáo phải đem cà con mình ra so sánh, nào là con cô giáo cũng bé như các bạn, phải tự phục vụ chứ không được cô chăm chút như các bạn đâu, nào là con cô giáo cũng phải đi học chữ đấy... Dần dần, lũ trẻ hiểu, cũng biết thương cô, biết rằng cô thương mình nên tự giác đi học nhiều hơn.
Niềm vui của các giáo viên nơi đây rất đơn giản: Thấy trẻ chuyên cần đến lớp, sức học tiến bộ thêm từng ngày, biết đánh vần, làm toán, phụ huynh ủng hộ, động viên con đi học, vậy thôi!
Khác với những trẻ dưới xuôi, các em bé ở lớp học trên mây sớm phải rèn giũa tính tự lập, tự phục vụ. Không phải máu mủ của mình, nhưng thầy cô cũng thương lắm, xót lắm các em, và càng quyết tâm để các con học cho bằng được cái chữ.
Các thầy cô nơi đây có guồng quay trực từ 6h sáng đến 9h tối, không lúc nào ngơi tay. Nhiều người phải hy sinh cả việc gia đình, xa vợ xa con để bám trụ ở trường.
Ở trường, thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ trẻ cách tự phục vụ, từ rửa tay, giặt giũ, quét dọn đến treo quần áo, gấp chăn màn...
Nhiều thầy cô giáo sống trong khu tập thể để tiện giảng dạy, cuối tuần mới về với gia đình. Họ dậy lúc 6 giờ, chuẩn bị sinh hoạt cá nhân, ăn cơm sáng rồi đến lớp. Trưa về nấu cơm ăn, nghỉ trưa rồi 2 giờ lên lớp. Sau khi tan học buổi chiều, họ sẽ chơi cầu lông một chút, rồi về nấu cơm tối, ăn cơm, soạn giáo án và gọi điện trò chuyện với gia đình.
Họ bảo, nhiều khi cũng chạnh lòng, thấy đồng nghiệp từ đi đứng ăn mặc đều khoan thai, được trò kính nể, phụ huynh tôn trọng. Còn các thầy cô ở đây, chẳng mấy khi biết đến bộ vest, áo dài, việc gì cũng đến tay...
Ngay cả việc ăn, việc ngủ, chăm sóc, tắm giặt cho trẻ cũng do các cô lo. Học sinh lớp lớn hơn thì sẽ được dạy kỹ năng sống và tự làm dưới sự giám sát của thầy cô. Thầy cô còn kiêm cả việc tâm sự, làm tư tưởng để trẻ yên tâm đi học.
Thấy Lò Văn Ninh, dân tôc Thái, cũng có vợ là giáo viên bảo, anh thương lắm vợ mình một nách hai con nhỏ, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ còn chưa tròn tuổi. Mỗi tuần anh chỉ gặp gia đình một lần, con nhớ bố quá phải lấy gối của bố về ôm cho có hơi. Đôi bận anh cũng nghĩ đến việc đổi nghề, nhưng những đóa hoa rừng, những lời chúc mộc mạc học sinh trao đã níu chân anh ở lại.
"Thôi tự tạo niềm vui cho mình để mà cố gắng. Nghĩ đến các em, đến cảnh các thầy cô mà buông tay thì trẻ con nó khổ, nghĩ rằng mình đang góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của đồng bào, của đất nước mà vực tinh thần thôi. Chứ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai? Mình đã chọn lối này thì mình cứ thế đi thôi!" - cô Hiệu phó của ngôi trường trên mây Thu Lũm tâm sự.