Chuyện công sở: 5 kiểu đồng nghiệp nên kết giao để phát triển sự nghiệp, 7 kiểu người "vô cùng nguy hiểm" phải tránh càng xa càng tốt
Môi trường công sở cũng phức tạp chẳng khác gì môi trường sống hằng ngày của chúng ta. Có những người chúng ta nên kết bạn nhưng cũng có người chúng ta không nên gặp họ thì tốt hơn.
Chốn công sở vốn được ví như một "ngôi làng" nhỏ. Sở dĩ, ở đó, bạn sẽ gặp được rất nhiều kiểu người, biết được nhiều kiểu tính cách. Và dù bạn có thích hay không thích họ thì công việc của bạn và công việc của họ bằng cách nào đó vẫn liên quan mật thiết với nhau. Ngày trước, nếu không thích ai, bạn có thể nghỉ chơi với người đó; khi đi làm, bạn vẫn phải giữ mối quan hệ xã giao với người bạn không thích. Vì thế, bạn chỉ có cách chọn lọc những người bạn muốn kết giao mà thôi. Đây là 5 kiểu đồng nghiệp bạn sẽ học hỏi được rất nhiều khi gần họ:
Nhân viên mới
Họ là những người vừa tham gia vào tổ chức của bạn, cũng có thể vừa mới làm công việc đầu tiên của mình. Họ có sự hào hứng và nhiệt tình, luôn tìm cách để làm hài lòng tất cả mọi người, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến với mong muốn trở nên phù hợp hơn với tổ chức.
Đồng nghiệp này sẽ đưa bạn trở lại những ngày bạn cũng là một nhân viên mới nhiệt tình, luôn luôn mong muốn tìm hiểu các cách hiệu quả nhất để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhìn họ, bạn sẽ muốn khơi gợi lại ngọn lửa tò mò đó một lần nữa và tìm lại sự hứng thú trong công việc của mình. Bạn có sự thôi thúc tiếp cận công việc theo một hướng mới và ý tưởng mới, lấy lại sự đam mê nghề nghiệp đã vơi đi ít nhiều và sử dụng nó nhằm nâng cao năng suất công việc ở mức độ cao hơn.
Đồng nghiệp có tính cách lạc quan
Bạn chắc hiểu rõ, khi mà bạn thân bạn không lạc quan, công việc gặp một chút khó khăn cũng đủ để bạn phải day dứt trong suốt thời gian dài. Tệ hại hơn là bạn chỉ day dứt mà không hề có chút phương hướng nào tìm ra phương án khắc phục. Nhưng nếu như bên cạnh bạn lại có những người đồng nghiệp giống như bạn, cũng chán nản và không tự đứng lên thì có thể coi như sự nghiệp của bạn lúc nào cũng rơi vào bế tắc.
Những người lạc quan lúc nào cũng hy vọng dù cho họ có gặp phải tình huống gì xấu nhất thì cũng vẫn có thể tìm những mặt tích cực dù là nhỏ nhất hay trong chính sự thất bại. Nếu như bạn có được một người bạn là người đồng nghiệp lạc quan như vậy thì đây quả là một điều may mắn. Vì dường như lúc nào bạn cũng sẽ có bên cạnh mình một nguồn động viên tinh thần lớn, họ sẽ hỗ trợ và khuyến khích cho bạn thật nhiều.
Đồng nghiệp đáng tin cậy
Đây là người mà sếp của bạn đã tin tưởng chia sẻ những thông tin bí mật, được tham gia các cuộc họp quan trọng, đã gắn bó với công ty trong thời gian dài và giành được sự tín nhiệm lớn với các cấp trong tổ chức.
Họ cho bạn một bài học rằng muốn đạt được sự tín nhiệm phải cần có thời gian. Sự tin tưởng được xây dựng dựa trên sự hợp tác thành công, cùng nhau vượt qua khó khăn và phối hợp chặt chẽ. Hơn nữa, sự tin cậy cần được nuôi dưỡng lâu dài. Vì vậy, hãy trung thực và nhất quán trong công việc cũng như hành vi của bạn và theo thời gian bạn sẽ đạt được sự tin tưởng của cấp trên và tổ chức. Đồng thời, chắc chắn rằng bạn không phạm phải một trải nghiệm xấu nào vì chỉ một lần thôi cũng đủ phá vỡ sự tin tưởng bạn cố công xây dựng.
Đồng nghiệp có tính cách hài hước
Các đồng nghiệp hài hước là người mà bạn sẽ quay sang khi gặp căng thẳng. Họ có thể khiến bầu không khí làm việc tươi vui hơn, đồng thời cũng có thể biến những tình huống xấu hổ và đáng sợ thành vấn đề bình thường. Sự có mặt của họ giúp bạn và đồng nghiệp gắn kết nhiều hơn và giữ cho môi trường làm việc trở nên lành mạnh hơn.
Đồng nghiệp có tính cách cầu toàn
Người cầu toàn luôn đặt ra những tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao trong mọi việc từ những việc nhỏ nhất đối với bản thân và người khác, luôn mong muốn sự hoàn hảo từ những việc mình làm và người khác làm. Thậm chí họ còn thực sự nỗ lực, thực sự cố gắng để đạt được những tiêu chuẩn cho sự hoàn hảo. Khi bạn chơi với họ thì bạn sẽ học được cách tự hoàn thiện bản thân mình hơn để có thể thực hiện nhiệm vụ công việc một cách chu toàn, tốt nhất có thể.
Và ngược lại với những kiểu người bạn ưa thích khi đi làm, chắc chắn bạn cũng sẽ gặp những người bạn cảm thấy khó chịu mỗi lần chạm mặt. Nếu bắt buộc phải làm việc cùng, bạn nên dành ít thời gian cho họ, không hỏi han, "dây dưa" nhiều vấn đề, tập trung duy nhất vào mỗi công việc mà thôi. 7 kiểu đồng nghiệp này chắc hẳn mang tới cho bạn sự khó chịu khi ở cạnh:
Đồng nghiệp mắc bệnh than vãn
Những người này tưởng như vô hại nhưng lại cực kỳ độc hại. Họ sẽ từ từ tác động vào tinh thần của bạn là khiến bạn mệt mỏi theo. Họ luôn phàn nàn về mọi việc mỗi khi được yêu cầu. Nếu gặp phải người như thế, chắc chắn bạn sẽ bị chán nản bởi họ lúc nào cũng nghĩ về mặt tiêu cực của vấn đề. Cách tốt nhất để giải quyết họ là bạn nên tránh càng xa càng tốt. Nếu không thể, bạn cũng đừng nên bị chi phối bởi những lời càu nhàu của họ. Hãy tỏ ra càng im lặng càng tốt và trao đổi với cấp trên để được làm việc độc lập hoặc hợp tác với những người khác trong thời gian tới.
Đồng nghiệp quá đề cao cái tôi của bản thân
Những người này thích là trung tâm của vũ trụ. Họ đề cao bản thân và coi thường những người xung quanh. Nếu xảy ra tranh luận với những đồng nghiệp luôn đề cao bản thân, họ sẽ thao thao bất tuyệt nói về năng lực của mình, cố gắng áp đảo những người xung quanh. Những người này vô cùng tự kiêu nên khi ở gần họ, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình vô cùng kém cỏi, đánh mất sự tự tin vốn có. Do đó, để thành công trong cuộc sống bạn nên hạn chế kết thân với những người như thế này.
Đồng nghiệp luôn phán xét người khác
Họ luôn cố gắng tìm ra điểm yếu để chỉ trích bạn. Bất cứ khi nào đối mặt với bạn, dù đã giải thích rất nhiều lần nhưng những lời nói của họ dường như không lọt tai họ và họ lập tức đưa ra kết luận ngay khi họ nghe và tiếp nhận các dữ liệu thực tế. Thực tế họ không giỏi lắng nghe và giao tiếp rất tồi. Việc xin lời khuyên, sự phản hồi từ những người này chỉ phí thời gian/
Đồng nghiệp thích ra lệnh
Kiểu đồng nghiệp này rất khó được các thành viên trong nhóm chấp nhận. Họ thích ra lệnh và yêu cầu người khác làm việc dưới sự chỉ đạo của mình. Nhưng nếu bạn nhượng bộ, càng ngày họ càng lấn lướt và người chịu nhiều thiệt thòi là chính bạn.
Đồng nghiệp hay nhờ vả
Trong công việc, đồng nghiệp giúp đỡ qua lại là chuyện thường tình. Nhưng bạn hãy ngẫm lại xem, mình có đang "bị" ai đó nhờ quá nhiều những công việc thuộc trách nhiệm của họ từ chuyện nhỏ nhặt như photo hoặc in tài liệu, tìm kiếm thông tin đến những việc lớn hơn như làm hợp đồng, gặp gỡ khách hàng.
Lý do để bạn trở thành "trợ lý bất đắc dĩ" luôn được đưa ra là vì họ quá bận, cần phải ưu tiên giải quyết những công việc mà sếp yêu cầu trước nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn.
Đồng nghiệp luôn nói "Không"
Nếu có những người không bao giờ biết cách từ chối trước lời đề nghị của người khác thì ngược lại, có những người luôn trả lời rằng "Tôi không làm" hoặc "Đây không phải là việc của tôi" để khước từ giúp đỡ đồng nghiệp, ngay cả khi đó là công việc có liên quan đến họ.
Đồng nghiệp "hai mặt"
Kiểu đồng nghiệp này thực sự rất đáng sợ và nên tránh xa, đề phòng họ. Thời gian đầu họ làm ra vẻ thân thiện và hòa đồng với bạn để chứng tỏ rằng họ là người đồng nghiệp tốt bụng. Họ khen, tâng bốc hoặc giúp đỡ một số việc. Nhưng chỉ một thời gian sau, họ nhanh chóng trở mặt khi bạn "sa cơ lỡ vận". Họ sẵn sàng nói xấu bạn với đồng nghiệp hoặc sếp khiến mọi người hiểu lầm và chán ghét bạn. Vì thế tốt nhất đừng chia sẻ quá nhiều chuyện với những kiểu đồng nghiệp như vậy nhé!