Chuyện cân bằng của những nữ Startup: Gần 30 vẫn độc thân, stress với công việc thường xuyên mà không người tâm sự, mất cảm xúc với người khác giới!
"Tình trạng stress diễn ra thường xuyên. Những người bạn thân thiết cùng lứa đã đi lấy chồng hết hoặc ra nước ngoài. Tôi cũng trải qua vài ba mối tình, mỗi khi cánh đàn ông có động thái là tôi đã hiểu họ đang chuẩn bị tiếp cận mình, nên dần không còn hứng thú chuyện tán tỉnh".
Bích Bùi – hoạt động trong lĩnh vực truyền thông:
"Mỗi sáng thức dậy, chỉ mong bước ra khỏi nhà được an nhiên"
Là đại diện và điều hành Whisper Media, tôi luôn thấy mình bị cuốn vào công việc và tình trạng stress diễn ra thường xuyên. Do đó, nhu cầu được chia sẻ với bạn bè, bạn thân là điều thực sự cần thiết.
Tuy nhiên ở độ tuổi gần 30, những bạn bè thân thiết dường như không còn nhiều người bên cạnh, hoặc sống ở nước ngoài, kết hôn hoặc chuyển đến một thành phố khác.
Giờ mỗi sáng thức dậy, tôi chỉ mong bước ra khỏi nhà được an nhiên, không phải gặp những chuyện từ trên trời rơi xuống, tôi được làm việc theo kế hoạch trong ngày của mình là đã thầm cảm ơn lắm rồi.
Về cách cân bằng trong cuộc sống, tôi nghĩ mỗi người sẽ tự biết bản thân mình mong muốn gì và tự tìm được cách riêng phù hợp. Với tôi, mỗi lúc nhận ra mình đang mất cân bằng, tôi thường dành thời gian ngồi một mình, tự "keep calm", tự tìm cách giải quyết.
Ở độ tuổi này tôi nhận ra càng ngày người ta càng có xu hướng sống đơn giản hơn, bớt đi cái nhiệt tình và viển vông của tuổi trẻ; thay vào đó là tập trung vào những điều quan trọng với mình, từ công việc, gia đình đến các mối quan hệ.
Trần Ngọc Hương – Giám đốc truyền thông thương hiệu sách Sống (Alpha Books)
"Khi ngấp nghé 30, nhiều người dùng chồng làm thước đo thành công của người phụ nữ!"
Ảnh minh họa. Nguồn: Elite Readers.
Câu hỏi "Những bạn độc thân, chưa vướng bận gia đình, con cái, có khi nào bị rơi vào tình trạng mất cân bằng không", đã trúng tim đen của tôi. Những cái chúng tôi gặp phải ngoài áp lực về công việc là việc không cảm xúc với một ai đó, là áp lực từ phía gia đình về việc lấy chồng.
Nhiều người cho rằng, làm việc trong môi trường xuất bản, suốt ngày chỉ đọc sách, làm bạn với con chữ thì có gì áp lực. Nhưng công việc của tôi không đơn giản như thế. Ngoài việc đọc sách, tôi phải lo làm việc với từng tác giả để lên kế hoạch truyền thông, lo đảm bảo hệ thống phát hành, kinh doanh cuốn sách đó để sách liên tục tái bản.
Kinh doanh sách là một ngành rất đặc thù, vì sách vốn được coi là tri thức, văn hóa nên kinh doanh để không biến sách thành một loại "hàng hóa" mang tính thị trường là điều vô cùng khó. Ngoài ra, tác giả Việt viết sách cũng là những người có sự thành công nhất định, cầu toàn và chỉn chu nên họ cũng đòi hỏi tôi phải đáp ứng được những mong muốn nhất định của họ để chăm sóc "đứa con tinh thần" mà họ ấp ủ.
Các cô gái ở độ tuổi 30 như tôi dù có giỏi giang hay thành công đến mấy, dường như cũng không được công nhận nếu như không có một "tấm chồng".
Khi lượng tác giả và số sách xuất bản ngày càng nhiều thì áp lực càng lớn, có những lúc tôi cảm thấy mình không thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó nên dễ rơi vào trạng thái stress, thậm chí có lúc muốn nghỉ việc.
Nhưng may mắn là tôi có những người đồng nghiệp rất đáng yêu ở bên cạnh, và khi nói chuyện, chia sẻ với họ tôi nhanh chóng suy nghĩ tích cực, trở về trang thái cân bằng. Bởi thực sự, sau rất nhiều biến cố, tôi cũng chỉ mong muốn một ngày an yên, sống với đam mê công việc của riêng mình.
Nhưng một vấn đề khác mà tôi suy nghĩ là về gia đình và những người sinh thành, suy nghĩ đã đến lúc mình phải có trách nhiệm với bố mẹ mình, với gia đình mình. Các cụ mang một tư duy tương đối cũ, dùng chồng làm thước đo thành công của một người con gái. Các cụ mong muốn cho con cái đến tuổi yên bề gia thất mới là thành công.
Các cô gái ở độ tuổi 30 như tôi dù có giỏi giang hay thành công đến mấy, dường như cũng không được công nhận nếu như không có một "tấm chồng". Mặc dù, tôi tự thấy mình trưởng thành, thành công hơn mình của ngày hôm qua nhưng mà không thành công như cách các cụ mong muốn.
Tuy nhiên, tôi không vì áp lực của gia đình mà "yêu cuồng, lấy vội", tôi vẫn quyết định chờ đợi một người thực sự phù hợp, khiến tôi có cảm xúc rung động thì mới tiến tới hôn nhân. Tôi vẫn enjoy với cuộc sống của mình, có những bạn bè đồng nghiệp FA như mình, cùng tư duy như mình nên không cảm thấy cuộc sống của tẻ nhạt.
Tuy nhiên, trong tình trạng độc thân lâu ngày, việc không có cảm xúc và bắt bài các bạn trai tán tỉnh là điều rất dễ xảy ra. Điều đó làm những cô gái ở tuổi 30 như tôi lại càng khó để bắt đầu tình yêu.
Nguyễn Diệu Hương – Founder chuỗi nhà hàng An Biên:
Hai vợ chồng cùng Startup, cuối tuần "No work", dành thời gian cho con cái và gia đình
Người ta thường cho là những người phụ nữ đã lập gia đình, vướng bận con cái, lại startup, thường gặp stress và khó cân bằng cuộc sống hơn những người còn độc thân. Tuy nhiên, Founder chuỗi nhà hàng An Biên Nguyễn Diệu Hương không phải tuýp người "được cho là" như vậy.
Nhắc đến bà chủ An Biên - chuỗi nhà hàng ẩm thực Hải Phòng, nhiều người nhận xét đây là người phụ nữ nhìn bề ngoài thì mềm dẻo, nhưng lại rất quyết đoán. Mặc dù làm trong lĩnh vực F&B và đã có 3 cửa hàng ở Hà Nội, chị Hương vẫn giữ thói quen thường xuyên tập yoga, cuối tuần ngồi Starbucks cùng ông xã.
"Chồng tôi ít nói nhưng là người ấm áp, cùng chung tay trong việc chăm sóc con và thống nhất cuối tuần "No work"", chị tâm sự.
Dù đã có con, hai vợ chồng lại cùng Startup (chồng chị Hương là Founder của hệ thống Coworking Space khá lớn ở Việt Nam), nhưng hai người vẫn dành nhiều thời gian cho gia đình.
"Chúng tôi không phân chia rạch ròi nhiệm vụ như cha làm gì, mẹ làm gì cho con, mà phối hợp nhịp nhàng để cho đứa trẻ cảm nhận rõ ràng vai trò của cha mẹ, để con biết rằng khi nào cần nhờ cha, khi nào cần mẹ, và khi nào phải tự làm mà không cần sự giúp đỡ từ ai", bà chủ chuỗi cửa hàng An Biên chia sẻ.
Nội dung bài viết được ghi lại từ sự kiện Community Dinner với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp – Niềm vui công việc và cân bằng cuộc sống". Sự kiện do Toong và An Biên đồng tổ chức, khởi đầu cho chuỗi sự kiện Community Dinner sắp tới.