Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ”

31/01/2022 07:34 AM | Sống

Mỗi dịp Tết đến, câu chuyện xoay quanh vấn đề biếu quà Tết tặng bên nội, bên ngoại lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình. Câu chuyện tưởng như cũ nhưng luôn là đề tài nhạy cảm, gây nên mâu thuẫn.

Bàn bạc, thống nhất để tìm tiếng nói chung

Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, bên cạnh việc sắm sửa đồ đạc, nhiều gia đình lại đau đầu về việc biếu Tết cho hai bên gia đình nội ngoại. Ngoài những áp lực về kinh tế, không ít cặp vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi về chuyện biếu Tết "bên trọng bên khinh".

Có gia đình chồng muốn biếu bên nội nhiều hơn hay ngược lại có trường hợp vợ lại muốn biếu bên ngoại nhiều hơn. Hàng ngàn lý lẽ được đưa ra, ai cũng cho rằng mình đúng. Và từ đấy, chuyện nhỏ xé to, gây ra sứt mẻ tình cảm.

Trước câu chuyện này, gia đình anh Lỗ Đạt (Hà Nội) thường ngồi lại bàn bạc, thống nhất để có thể tìm ra được "tiếng nói" chung. Vấn đề biếu Tết nội ngoại vốn dĩ đã nhạy cảm nên càng cần sự phân minh, rành mạch.

 Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ” - Ảnh 1.

Anh Lỗ Đạt (Hà Nội)

"Lúc đầu, hai vợ chồng cũng có mâu thuẫn. Khi tôi đưa ra ý kiến thì vợ sẽ không tranh cãi quá nhiều nhưng sẽ tỏ ý không hài lòng. Tôi cũng biết điều đó và đong đếm lại, quyết định biếu hai bên nội ngoại giống nhau, không ai hơn ai kém cả", anh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, anh Thiên Bảo (TP.HCM) cũng cho biết, vợ chồng anh bàn bạc và quyết định biếu hai bên nội ngoại như nhau. Vợ anh sẽ là người trực tiếp mua quà, biếu bố mẹ sao cho hợp lý nhất.

 Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ” - Ảnh 2.

Anh Thiên Bảo (TP.HCM)

"Tất nhiên là hai vợ chồng mình sẽ bàn bạc rồi mình đi đến thống nhất. Vợ mình sẽ là người chi tiêu những vật dụng mua sắm cần thiết. Không phải quà đều giống nhau mà mỗi bên sẽ mua sắm những món quà tương đương, tùy theo nhu cầu", anh Bảo chia sẻ.

Gia đình chị Phương Khanh (TP.HCM) thường dành khoảng 30 triệu để chi tiêu trong một dịp Tết. Trong đó, chị phải liệt kê đầy đủ các khoản để mua sắm, cần dùng đến trong Tết, để biếu ông bà nội hai bên.

 Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ” - Ảnh 3.

Chị Phương Khanh (TP.HCM)

"Năm nào vợ chồng cũng thống nhất với nhau là năm nay mình sẽ biếu ông bà như thế nào dựa vào thu nhập của hai vợ chồng. Hai vợ chồng cũng không cần phải phân chia rạch ròi ai lo cho Tết bên nội, bên ngoại mà sẽ cùng làm hết. Vợ chồng mình sẽ dẫn con đến Tết ông bà hai bên luôn", chị Khanh cho biết.

Nhà nội - nhà ngoại, biếu tiền Tết bao nhiêu là đủ?

Khắp các diễn đàn mạng xã hội, nhiều chị em lên hội bàn ý kiến về việc biếu tiền Tết nội ngoại bao nhiêu là đủ. Và từ đó 9 người thì 10 ý. Mỗi gia đình sẽ tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán khác nhau để biếu quà một cách hợp lý.

Có cặp vợ chồng sẽ mua cây quất, cây đào, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Có cặp vợ chồng sẽ lựa chọn biếu tiền để ông bà sắm Tết, có thể là 1-2 triệu, 3-5 triệu, 10-15 triệu... tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện.

 Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ” - Ảnh 4.

Anh Đại Dương (Hà Nội)

"Năm nay điều kiện kinh tế chung cũng khó khăn, gia đình tôi dự định chi từ 10 - 15 triệu cho một cái Tết. Về quà biếu bố mẹ 2 bên, tôi vẫn giữ nguyên mức như các năm trước, mỗi bên 5 triệu", anh Đại Dương (Hà Nội) chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng không ít gia đình đặt nặng vấn đề về chuyện biếu quà Tết hai bên nội ngoại phải là món quà đắt tiền hay phải biếu số tiền lớn, vượt quá điều kiện của hai vợ chồng. Vô hình chung, việc biếu quà Tết cho bố mẹ lại trở thành gánh nặng kinh tế, khiến nhiều gia đình áp lực và xảy ra mâu thuẫn mỗi dịp cuối năm.

"Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ"

Tiền biếu Tết cho bên nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có ít biếu ít, có nhiều biếu nhiều, cốt là ở tấm lòng con cái hướng về cha mẹ.

 Chuyện biếu quà Tết bên nội - bên ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ” - Ảnh 5.

Chị Hoàng Yến (Hà Nội)

"Mình nghĩ là không cần phải quá nhiều, mà cái chính là tấm lòng của người con đối với bố mẹ. Có thể là một khoản vừa phải để ông bà sắm Tết", chị Hoàng Yến (Hà Nội) chia sẻ.

Suy cho cùng, biếu quà Tết cha mẹ nhiều hay ít không phải là thước đo của sự hiếu thảo. "Của cho không bằng cách cho", món quà đắt giá nhất xuất phát từ sự chân thành của các con, mong muốn cha mẹ vui vẻ, hài lòng. Đối với những người thân trong gia đình, bố mẹ không quan trọng con cái biếu những gì, chỉ cần con về nhà, cùng ăn bữa cơm gia đình, hưởng niềm vui sum vầy là đủ.

Trải qua một năm nhiều sóng gió, ai ai cũng mong muốn một cái Tết đoàn viên, trọn vẹn bên gia đình. Những câu chuyện quà Tết tặng nội ngoại, vợ chồng nên bàn bạc, xử lý khéo léo, lắng nghe và thấu hiểu nhau để cả gia đình hạnh phúc, vui vẻ đón một năm mới sang.

Chuyện biếu quà Tết tặng nội ngoại: “Không cần quá nhiều, quan trọng là tấm lòng của con cái đối với cha mẹ”


Kingpro

Cùng chuyên mục
XEM