Chuyện bé Bình An - thiên thần nhỏ của người mẹ trẻ ung thư giai đoạn cuối và lời tự sự xúc động của người cha
Chị Liên gần như đã quyết định đánh đổi cả tính mạng của mình để mong Bình An được sinh ra đời. Ung thư có thể giết chết bất cứ ai, hoặc khiến họ miên man trong những đau đớn, nhưng không thể ngăn họ trao yêu thương và quyết đấu vì yêu thương.
Ngày 22/5, tại Bệnh viện K Trung Ương - nơi cứu cánh cuối cùng của các bệnh nhân ung thư, đã diễn ra một cuộc phẫu thuật đặc biệt, đón chào em bé Đỗ Bình An. Giây phút chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi) mắc ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn, cố gắng sinh mổ trong tư thế ngồi, quyết cứu đứa con bé nhỏ, đã được phóng viên Nguyễn Khánh - báo Tuổi Trẻ ghi lại bằng những hình ảnh vô cùng xúc động.
Hàng ngàn, hàng triệu người đã nghẹn lời khi lướt qua từng tấm hình. Họ cảm nhận được phần nào sự đau đớn của người mẹ và bản lĩnh bản năng vốn có của Bình An. Cả hai mẹ con đã cùng chiến đấu suốt thời gian qua, chỉ mong được nhìn mặt nhau, yêu thương nhau và âu yếm nhau.
Chị Liên gần như đã quyết định đánh đổi cả tính mạng của mình để mong Bình An được sinh ra đời. Ung thư có thể giết chết bất cứ ai, hoặc khiến họ miên man trong những đau đớn, nhưng không thể ngăn họ trao yêu thương và quyết đấu vì yêu thương.
Những hình ảnh xúc động về hành trình vượt cạn đặc biệt của chị Nguyễn Thị Liên. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi Trẻ.
Chiều 24/5, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều. Anh Đỗ Văn Hùng (31 tuổi) - chồng chị Liên bước ra từ phòng Hồi sức cấp cứu. Dáng người anh chân chất, mộc mạc. Anh nói nhỏ, cố giữ cảm xúc. Anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống hai vợ chồng, về hành trình 2 người cùng dìu dắt đến tận ngày hôm nay.
Chúng tôi xin được phép viết lại toàn bộ tâm tư của anh Hùng - một người chồng, người cha, mà có lẽ mãi sau này, vẫn không nguôi tình thương dành cho vợ con mình.
---
Tôi là Hùng. Vợ tôi là Liên. Chúng tôi có một căn nhà nhỏ ở Hà Nam, một bé gái 2 tuổi và một thiên thần nhỏ đếm ngày ra đời. Mỗi ngày tôi đi quét sơn thuê còn Liên ở nhà lo cơm nước, chăm con. Thỉnh thoảng em chạy chợ buôn bán lặt vặt. Cuộc sống nếu nói là dư dả thì không, nhưng đủ đầy, hạnh phúc.
Tôi và vợ kết hôn năm 2015. Một ngày tháng 12/2016, chúng tôi hạnh phúc đón bé gái đầu lòng. Đến cuối năm 2018, chúng tôi quyết định sinh thêm con. Cách đây hơn 2 tháng, lúc thai nhi được hơn 4 tháng, ngực Liên thường xuyên đau, cứng, hạch nổi ở vai, cổ, ho nhiều, chân đau nhức. Khi đi thăm khám, người ta chỉ bảo là u xơ lành. Chúng tôi cũng nghĩ là thế, hơi chủ quan, cho đến khi bệnh nặng hơn thì gần như mọi thứ xung quanh suy sụp. Bác sĩ của viện K kết luận vợ tôi bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn vào phổi, xương.
Cùng một lúc, Liên mang trong mình căn bệnh chết người và đứa con bé bỏng.
Bác sĩ điều trị đã tư vấn các trường hợp cho vợ chồng tôi. Nếu giữ hay bỏ đứa trẻ, mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng Liên không đắn đo bất kể một giây, em quyết định giữ con cùng hy vọng cầm cự đủ lâu để con có thể khoẻ mạnh chào đời.
Anh Đỗ Văn Hùng (31 tuổi) - chồng chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi).
Từ Hà Nam, cả gia đình vay mượn tiền nong rồi khăn gói lên Hà Nội chữa trị cho Liên. Con gái đầu chúng tôi gửi lại nhờ hai bên ông bà chăm sóc. Liên trải qua 2 đợt hoá trị, tóc rụng sạch trơn. 6 tuần sau hoá trị, Liên khó thở, khi ấy đã có dấu hiệu tràn dịch màng phổi, em được chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu để kịp thời hỗ trợ đặc biệt. Tất cả thuốc sử dụng đều được cân nhắc tuyệt đối để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.
Từ khi chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng của vợ tôi ngày càng nặng. Liên khó thở, xuất hiện hạch dày đặc. Hai tháng gần đây, em không thể nằm thở, phải ngồi suốt ngày đêm, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng. Để vợ đỡ mỏi, tôi mua chiếc bàn học sinh có bàn tựa phía trước cho vợ ngồi, khi nào mệt quá thì gục xuống ngủ.
Cảm nhận được lằn ranh giữa sự sống - cái chết, em dặn dò tôi nhiều việc. "Nếu vợ có mệnh hệ gì, chồng cố gắng chăm con, nuôi chúng nên người". Tôi chỉ biết gật đầu, không dám khóc.
Ngày 22/5, thai nhi ở tuần thứ 31, sức khoẻ Liên rất yếu, sự chịu đựng của một người mẹ đã đến giới hạn. Để tránh nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con.
Lúc ấy, vợ mệt rồi, không nói được gì nhiều, chỉ gắng gượng thều thào: "Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an".
- "Bác sĩ mổ bắt con, vợ cố gắng, con ra vợ sẽ đỡ mệt hơn". Tôi nắm tay vợ lần cuối trước khi em bước vào "trận chiến" quyết định. Bên cạnh Liên lúc đó có các bác sĩ và cả Bình An, tôi đã cầu nguyện để Bình An được ra đời khoẻ mạnh, vợ tôi kiên cường chiến đấu.
Theo lời các bác sĩ, trong suốt quá trình phẫu thuật, vợ tôi phải ngồi nghiêng, cúi người để thở. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ. Liên được gây tê tuỷ sống thay vì gây mê vì sợ em có thể không tỉnh lại. Cứ thế, vợ tôi tỉnh táo trong suốt ca mổ, từ từ ngắm nhìn con. Dường như khi ấy, sự sống của Liên rất mong manh, nhưng em đã cố gắng thật nhiều cho đến khi con kịp cất tiếng khóc chào đời.
Anh Hùng kể lại quá trình chiến đấu với ung thư của vợ mình.
16h10 chiều 22/5, Bình An đến với thế giới này. Tiếng khóc của con đánh thức tất cả những ai có mặt trong phòng phẫu thuật lúc đó. Con sinh non, nặng 1,5kg, bị phù nhẹ, mọi bộ phận trong cơ thể đều non yếu, từ hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa... kèm theo suy hô hấp nặng. Bé lập tức được thở bằng máy qua mặt nạ, đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Lần đầu tiên gặp con, cảm xúc trong tôi lẫn lộn vô cùng: vừa mừng, vừa lo, vừa sợ hãi. Liên đã quyết định đánh đổi, chấp nhận mọi rủi ro để mong mỏi con đến với chúng tôi. Và bây giờ, em quay lại với cuộc chiến điều trị với ung thư. Nhìn con, tôi không cầm được nước mắt. Cái tên Bình An mà Liên đặt cho con, chỉ với một mong ước duy nhất, cuộc đời con mãi mãi bình an.
Câu đầu tiên Liên hỏi tôi sau khi tỉnh: "Con nặng bao nhiêu cân? Con thế nào rồi?".
Chị Liên buộc phải mổ ngồi, được gây tê tuỷ sống thay vì gây mê vì sợ khả năng hồi tỉnh không cao. Ảnh: Bệnh viện K.
Tại Trung tâm sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tôi chỉ được ngắm con qua lồng kính. Con đỏ hỏn, bé xíu như hạt đậu. Bác sĩ bảo sức khoẻ con tiến triển khá tốt. Con bắt đầu tập ăn sữa non 3 giờ một lần, mỗi lần 4 ml, không cần mặt nạ thở nữa mà đã thở máy qua mũi, độ bão hòa oxy trong máu ổn định, tim mạch tốt, hệ tiêu hóa có xu hướng phát triển tốt. Các bác sĩ cũng chưa phát hiện dị tật bất thường nào với bé, tuy nhiên phải theo dõi một số nguy cơ bởi mẹ đã điều trị hóa chất và quá trình mang thai bị suy kiệt sức khỏe.
Liên nghe thế, mắt sáng lên, thở phào nhẹ nhõm. Thời gian tới, Liên chưa thể truyền hoá chất do thể trạng không cho phép, chỉ có thể truyền thuốc đỡ đau. Phương án đấy là tối ưu nhất cho vợ tôi.
Hai mẹ con ở hai nơi khác nhau, Liên mong ngóng được ôm con vào lòng. Nhưng tình trạng bây giờ chưa cho phép, các bác sĩ viện K cũng chưa thể đưa ra một dự cảm tốt, họ chỉ dặn vợ chồng tôi cùng chiến đấu cho thời gian tới.
Bình An chào đời trong sự vui mừng khôn xiết của toàn bộ êkip bác sĩ, mẹ Liên, bố Hùng. Bé được đặt nội khí quản ngay sau đó. Ảnh: Bệnh viện K.
Bé Bình An được chuyển tới chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện phụ sản Trung ương. Ảnh: Bệnh viện K.
Giờ tôi chỉ có một mong ước duy nhất, rằng Bình An được khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Liên mạnh mẽ chiến đấu đến cùng với ung thư. Tôi chỉ mong vợ không bỏ cuộc, vì bên cạnh đã có 3 bố con tôi. Hành trình này chưa ai nói trước được điều gì, nhưng tôi hy vọng, mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn.
Nếu con đã có duyên đến với cuộc đời này, mong con hãy thật khoẻ mạnh, để được sống trong tình thương của bố mẹ, của chị gái.
Và nếu vợ đã có thể cố gắng đến giờ phút này, mong em hãy tiếp tục, để cùng anh nuôi dạy các con khôn lớn.
Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả có thể gửi về số tài khoản Do Van Hung: 160098139 - VPBank Chi nhánh Thăng Long.
Chủ tài khoản: Đỗ Văn Hùng (chồng chị Liên)