Chuỗi nhà thuốc An Khang vừa có lợi nhuận trở lại sau gần 2 năm thua lỗ triền miên

10/03/2021 11:23 AM | Kinh doanh

Thế Giới Di Động sau 3 năm đầu tư đã lỗ 9,28 tỷ đồng từ An Khang.

Theo số liệu từ Thế Giới Di Động, chuỗi nhà thuốc An Khang vừa đem về lợi nhuận khoảng 87 triệu đồng cho công ty trong quý 4/2020. Đây là lần đầu tiên An Khang có lợi nhuận trở lại sau khi lỗ triền miên 7 quý liên tiếp.

Lũy kế năm 2020, Thế Giới Di Động lỗ 3,7 tỷ đồng từ An Khang, và lỗ lũy kế tính từ khi bắt đầu đầu tư vào chuỗi nhà thuốc này là 9,28 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị đầu tư của Thế Giới Di Động vào An Khang từ 62 tỷ đồng ban đầu hiện xuống còn 52,76 tỷ đồng.

Chuỗi nhà thuốc An Khang vừa có lợi nhuận trở lại sau gần 2 năm thua lỗ triền miên - Ảnh 1.

Tính đến cuối tháng 1/2021, An Khang có 75 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 60 điểm bán được sắp xếp đi cùng với mô hình Bách Hóa Xanh diện tích lớn).

Theo báo cáo của một công ty chứng khoán về ngành dược phẩm, ngành dược thế giới đang trong giai đoạn bão hòa, tuy nhiên Việt Nam nằm trong nhóm nước pharmerging còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó kênh bệnh viện (ETC) sẽ là kênh dẫn dắt cho sự tăng trưởng của ngành.

Theo dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kép CAGR là 11% trong giai đoạn 2021- 2026, độ lớn thị trường tăng lên lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức 7,7 tỷ USD năm 2021 với các động lực tăng trưởng bền vững đến từ:

- Chi tiêu bình quân trên đầu người dành cho thuốc gia tăng nhờ thu nhập của người dân cải thiện và sự quan tâm đến sức khỏe ngày càng cao. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế thế giới khi là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu và được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ giúp gia tăng thu nhập của người dân cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao sẽ thúc đẩy chi tiêu cho y tế.

- Xu hướng già hóa dân số khi Liên Hợp Quốc dự báo Việt Nam sẽ có tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng từ 12% năm 2017 lên đến 20% vào năm 2038. Việt Nam hiện vẫn ở thời kỳ dân số vàng tuy nhiên tốc độ già hóa sẽ diễn ra nhanh làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, từ đó mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược.

- Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ngày càng cao giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thuốc qua kênh ETC. Theo BHXH Việt Nam, mục tiêu trong năm 2021 số người tham gia BHYT đạt 91,56% dân số và dự kiến đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHYT lên đến 95% là động lực tăng trưởng cho kênh ETC khi người dân ưu tiên khám bệnh tại bệnh viện.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM