Chứng khoán Rồng Việt: Lãi suất điều hành có thể tăng thêm 50-100 điểm vào năm sau

27/09/2022 16:24 PM | Kinh doanh

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo về triển vọng nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. VDSC cho rằng lãi suất điều hành có thể tăng thêm 50-100 điểm trong năm sau, về lại mức trước đại dịch.

Kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn sau cuộc họp tháng 9

Trong cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) tuần trước, Fed đã quyết định mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp với thông điệp cứng rắn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Quyết định này phù hợp với các dự báo trước đó, nhưng điểm khác biệt là lộ trình tăng lãi suất đã có sự thay đổi thể hiện qua các dự báo kinh tế của Fed. Cụ thể, biểu đồ Dotplot về đường hướng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 9 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn với dự báo lãi suất Fed sẽ tăng lên lần lượt 4,4% và 4,6% vào cuối năm 2022 và 2023, cao hơn đáng kể so với dự báo trước đó là 3,4% và 3,8%.

Điều này có nghĩa là Fed có thể tăng lãi suất từ 100-125 điểm cơ bản trong hai cuộc họp còn lại của năm 2022. Trái với kỳ vọng trước đó, lãi suất của Fed năm 2023 sẽ tiếp tục tăng và chu kỳ tăng lãi suất chỉ chấm dứt từ năm 2024.

Chứng khoán Rồng Việt: Lãi suất điều hành có thể tăng thêm 50-100 điểm vào năm sau - Ảnh 1.

Trước cuộc họp của Fed, VDSC cho biết, công ty chứng khoán này đã kỳ vọng một sự mềm mại hơn trong đường hướng lãi suất của Fed trong hai cuộc họp tháng 11 và 12, nhưng có vẻ như điều này sẽ không xảy ra. Hiện tại, đa số nhà hoạch định của Ủy ban thị trường mở liên bang nghiêng về mức tăng 100 điểm cơ bản cho hai tháng còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, theo dữ liệu theo dõi Fed của CMEGroup, thị trường đang đặt cược 30% vào mức tăng 50 điểm và 60% vào mức tăng 75 điểm trong kỳ họp tháng 11 sắp tới.

Sự đánh đổi để kiểm soát lạm phát được thể hiện rõ hơn qua triển vọng tăng trưởng và việc làm. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 và năm 2023 được điều chỉnh giảm mạnh từ mức dự báo hồi tháng 6 là 1,7% xuống còn lần lượt 0,2% và 1,2%. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 3,8% cho năm 2022 và từ 3,9% lên 4,4% cho năm 2023. Chuyên gia phân tích vĩ mô thế giới của Rồng Việt nhận định kịch bản này vẫn còn khá lạc quan.

Tiền đồng có thể mất giá 4-5% trong năm nay

Chứng khoán Rồng Việt lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao.

Thời điểm hiện tại, chỉ số đồng USD đang được giao dịch ở mức 113,3, cao hơn 4,2% so với cuối tháng 8. Trong bối cảnh NHTW các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu.

Hiện tại, tỷ giá bán USD của Vietcombank đã tăng vọt lên 23.870 đồng/USD, tương ứng với mức tăng 4,1% so với đầu năm. Kịch bản mất giá với tiền đồng mà VDSC kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4-5%. Hiện tại, dù chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể nhưng nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt, kể từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành, NHNN vẫn tiếp tục phải bán ra gần 1,9 tỷ USD.

Triển vọng nâng lãi suất điều hành của NHNN

Ngay sau cuộc họp của Fed, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN nâng tăng lãi suất điều hành và nhấn mạnh việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Quyết định tăng lãi suất được đưa ra sau 9 tháng kiên định giữ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. VDSC đánh giá, việc nâng lãi suất 100 điểm cơ bản là coi hành động mang tính phòng thủ cao.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,0 và 4,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để phòng thủ cho khả năng Fed nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022.

VDSC nhận định, nếu bám sát vào kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 thì lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 50-100 điểm trong năm sau, về lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, biến số ở đây là rủi ro rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ và tốc độ phục hồi của Việt Nam có thể chậm lại đáng kể từ quý 4/2022, các biến số này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của Fed và cả NHNN trong thời gian tới.

Dữ liệu kinh tế quý 4 sẽ mang lại nhiều chỉ báo hơn cho triển vọng đường hướng lãi suất của năm sau. Quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các NHTMCP tư nhân, trong khi nhóm NHTMCP nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ trước, quyết định nâng lãi suất điều hành là một hành động theo sau. Tác động lan truyền đến lãi suất cho vay đã diễn ra từ trước đó, chỉ có điều sắp tới lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn giai đoạn vừa rồi. Mức kỳ vọng của VDSC đối với mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế của các doanh nghiệp là mức trước đại dịch xảy ra, trên cơ sở kết hợp với yếu tố nhu cầu vốn tín dụng đang cao trong khi cung thì bị siết bởi hạn mức tín dụng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM